Việt Nam đồng chủ trì họp Hội đồng Bảo an về biến đổi khí hậu và các nguy cơ an ninh

Chính trị - Ngày đăng : 18:24, 23/04/2020

Tại cuộc họp, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam Đặng Đình Quý kêu gọi HĐBA cần tiếp tục theo dõi và tăng cường cơ chế cung cấp thông tin về nguy cơ từ biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh quốc tế.

Việt Nam đồng chủ trì họp Hội đồng Bảo an về biến đổi khí hậu và các nguy cơ an ninh

HĐBA họp trực tuyến về biến đổi khí hậu và các nguy cơ an ninh

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, chiều 21/4 vừa qua, mười nước thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) gồm Pháp, Anh, Bỉ, Đức, CH Dominicana, Estonia, Niger, Saint Vincent và Grenadines, Tunisia, Việt Nam đã chủ trì tổ chức cuộc họp trực tuyến theo thể thức Arria về chủ đề biến đổi khí hậu (BĐKH) và các nguy cơ an ninh.

HĐBA họp về biến đổi khí hậu và các nguy cơ an ninh Phó Tổng Thư ký LHQ Rosemary Di Carlo cho rằng, các tác động của đại dịch COVID-19 cho thấy tính dễ tổn thương của nhân loại, các thách thức an ninh không có biên giới, yêu cầu nhận thức và ứng phó với các ảnh hưởng của BĐKH đối với hòa bình-an ninh quốc tế càng trở nên cấp bách.

BĐKH khi cộng hưởng với các nguy cơ hiện có, trở thành mối đe dọa cấp số nhân, khiến cho xung đột thêm trầm trọng, đặc biệt tại Sudan, Iraq, Libya.

Cuộc họp theo thể thức Arria là một hình thức họp của HĐBA, thường được tổ chức với sự tham gia rộng rãi của các nước thành viên HĐBA và cả các nước không phải thành viên.

Phó Tổng Thư ký LHQ cho biết Ban Thư ký LHQ đã và đang tăng cường năng lực phân tích, đánh giá nguy cơ an ninh từ BĐKH cùng với các nguy cơ khác như kinh tế, xã hội, xung đột giữa các cộng đồng dân cư; thiết lập cơ chế an ninh khí hậu trong bộ máy của Ban Thư ký LHQ, có sự tham gia của các cơ quan phát triển nhằm tiếp cận giảm thiểu tác động BĐKH từ nhiều chiều; tăng cường hòa giải các xung đột liên quan đến khí hậu; phối hợp chặt chẽ với cộng đồng dân cư địa phương trong xây dựng năng lực chống chịu, xây dựng hòa bình.

Giám đốc Tổ chức Khủng hoảng toàn cầu Robert Malley cho rằng, BĐKH là thách thức sống còn đối với nhân loại, không thể đánh giá thấp tác động của BĐKH với hòa bình an ninh do có các số liệu rõ ràng về việc BĐKH làm tăng 10-20% nguy cơ xung đột, làm mất an ninh lương thực, người dân bị mất nhà cửa, cạn kiệt tài nguyên. Tuy nhiên, cũng không nên đánh giá một cách đơn giản, một chiều về quan hệ giữa BĐKH và xung đột vì xung đột chịu tác động cộng hưởng của nhiều yếu tố khác, trong đó có năng lực quản lý, ứng phó của chính quyền, tính sẵn có của tài nguyên thiên nhiên.

Ông Robert Malley đề nghị HĐBA cần theo dõi chặt chẽ các tác động của BĐKH trong ngắn hạn, xác định các khu vực điểm nóng về nguy cơ an ninh do BĐKH gây ra; cảnh đại dịch COVID-19 có thể tạo ra bức tranh giảm phát thải nhà kính trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài cùng với giá dầu giảm, kinh tế suy thoái sẽ làm triệt thoái các nguồn lực ứng phó với BĐKH.

Giám đốc Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm Dan Smith khẳng định, nguy cơ an ninh khí hậu là rất rõ ràng và cần được xem xét tùy từng bối cảnh cuộc xung đột. Ông cũng cho biết 8 trong số 10 Phái bộ LHQ có quy mô lớn đang đóng quân tại các nước được xếp vào nguy cơ bất ổn cao do BĐKH; đề nghị tăng cường nhận thức về nguy cơ BĐKH trong các phái bộ, có cơ chế chia sẻ thông tin trong hệ thống các phái bộ và cơ quan LHQ, tập trung vào nỗ lực ngăn ngừa và xây dựng hòa bình.

Hầu hết các ý kiến phát biểu khẳng định tác động rõ nét của BĐKH đến tất cả các khu vực trên thế giới; yêu cầu tăng cường cơ chế thông tin cho HĐBA về mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và an ninh, tăng cường sự sẵn sàng chuẩn bị của LHQ ứng phó với nguy cơ này; đề nghị tăng cường hỗ trợ năng lực cho các nước dễ bị tổn thương, thực hiện các cam kết cắt giảm phát thải, cam kết hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển.

Một số giải pháp được đề xuất như tăng cường điều phối các nỗ lực của các cơ quan LHQ trong theo dõi, đề xuất giải pháp và hỗ trợ ứng phó với BĐKH; đưa vấn đề thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu vào các kế hoạch, chiến lược ngăn ngừa xung đột, xây dựng hòa bình; các kế hoạch, chiến lược cần tính đến yếu tố giới, có sự tham gia đầy đủ của phụ nữ; có biện pháp giảm thiểu lượng phát thải nhà kính từ hoạt động của các cơ quan LHQ và các phái bộ.

Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam Đặng Đình Quý cho biết, Việt Nam chia sẻ khó khăn của các nước đảo nhỏ đang phát triển, các nước Tây Phi, Sahel, khu vực Hồ Chad đang phải ứng phó với các tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu như thiên tai, thời tiết cực đoan, cạn kiệt nguồn tài nguyên, nước biển dâng; kêu gọi HĐBA cần tiếp tục theo dõi và tăng cường cơ chế cung cấp thông tin về nguy cơ từ biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh quốc tế, nhất là thông qua báo cáo thông tin từ các phái bộ LHQ về ảnh hưởng của BĐKH đến sứ mệnh gìn giữ hòa bình của các phái bộ; đề nghị HĐBA tiếp tục thảo luận, hoàn thiện khuôn khổ thể chế về vấn đề BĐKH.

Ngọc Mai