Nữ Thẩm phán ba lần gặp Bác Hồ: Lời huấn thị của Bác luôn trong trái tim tôi!
Tòa án - Ngày đăng : 09:43, 10/09/2015
Bà cười hiền bảo: “Dù không còn nhớ nhiều, nhưng có những thứ luôn nằm trong trái tim tôi, đó là lời huấn thị của Bác Hồ lúc sinh thời”.
Sinh năm 1929 tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị trong một gia đình có truyền thống yêu nước, năm 16 tuổi, cô bé Hồ Thị Xuân Hiền được giác ngộ cách mạng, thoát ly gia đình tham gia công tác vận động quần chúng phụ nữ. Suốt 15 năm đảm nhiệm cương vị đó, Hồ Thị Xuân Hiền luôn hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao phó, được đồng chí tin yêu.
Vinh dự ba lần gặp Bác Hồ
Năm 1959, Quốc hội thông qua Luật Hôn nhân và Gia đình. Theo chủ trương của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa phụ nữ sang Ngành Tòa án, bà được phân công làm Thẩm phán TAND tỉnh Quảng Bình. Từ những bước đi chập chững ban đầu, xen lẫn bỡ ngỡ, lo lắng, bà không ngừng tìm tòi học hỏi các thẩm phán, cán bộ đi trước.
Tám tháng sau, bất ngờ bà được tin Trung ương triệu tập Hội nghị cán bộ nữ làm công tác chính quyền toàn Miền Bắc. Bà vội vàng thu xếp để lên đường, đem theo cả đứa con mới 7 tháng tuổi (vì không biết gửi cho ai, mà lại đang bú sữa mẹ). Từ Quảng Bình ra Hà Nội mất hai ngày trời, tuy có mệt, nhưng trong thâm tâm bà luôn đinh linh sắp có điều gì đó đặc biệt đang chờ đón mình, nên bà rất háo hức, quên hết mọi mỏi mệt.
Quả thật, ngày 1/8/1960, Bác Hồ đến tham dự lễ khai mạc, thăm và nói chuyện với các chị em. “Khi đó, tất cả chúng tôi đều vô cùng phấn khởi. Niềm hạnh phúc không gì tả xiết”, bà Hiền nhớ lại.
Có một kỷ niệm đặc biệt mà bà không bao giờ quên, đó là khi vừa vào hội nghị, Bác liền nói: “Nghe Ban tổ chức báo cáo có cô mang theo cháu bé từ xa về họp. Bác có lời khen”. Rồi Bác nói tiếp: “Các cô lần đầu tiên sang công tác chính quyền (Ủy ban, Tòa án) còn bỡ ngỡ, băn khoăn, lo lắng, có nhiều khó khăn. Nhưng các cô không nên tự ti, việc gì nam giới làm được thì phụ nữ đều làm được, không thua kém nam giới, có việc làm tốt hơn. Đặc tính của phụ nữ là tỉ mỉ, kiên trì, chịu khó… Các cô ra sức học hỏi, học để nâng cao kiến thức, học kinh nghiệm người đi trước, học trong thực tiễn công việc hàng ngày, rút kinh nghiệm tốt, xấu. Đi sâu, đi sát quần chúng, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, để giải quyết sự việc có tình có lý. Bác tin tưởng vào đội ngũ cán bộ nữ”.
Với bà Hiền, “những lời huấn thị chu đáo, tỉ mỉ của Bác, dù không ghi chép mà vẫn nhớ suốt đời và luôn phấn đấu làm theo”.
Trước đó, bà vinh dự được gặp Bác hai lần khi còn làm công tác phụ nữ tỉnh Quảng Bình. Đó là vào mùa hè năm 1957, Bác Hồ vào thăm Quảng Bình, Vĩnh Linh. Cũng vào mùa đông năm đó, bà có cơ hội gặp Bác khi được cử đi học lớp học tác hóa đầu tiên ở Chèm (ngoại thành Hà Nội).
Suốt 5 năm công tác ở Quảng Bình khói lửa, trong những tháng ngày chống chiến tranh phá hoại ác liệt của giặc Mỹ, bà luôn vượt qua mọi khó khăn, toàn tâm, toàn ý phục vụ Ngành, dù khi đó gia đình còn mẹ già, 5 con còn nhỏ, phải đi sơ tán nhiều nơi.
Bà Hồ Thị Xuân Hiền đang kể chuyện về cuộc đời mình với phóng viên
“Không có việc gì khó, chỉ sợ không có quyết tâm”
Năm 1968, bà Hồ Thị Xuân Hiền được điều động ra nhận nhiệm vụ tại Tòa Dân sự. Bà lần lượt trải qua các chức vụ: Thẩm phán, Phó chánh Tòa Dân sự, Quyền Chánh Tòa Dân sự.
Để không phụ lòng tin yêu của Bác đối với đội ngũ nữ cán bộ, bà luôn cố gắng trên mọi lĩnh vực sao cho xứng đáng là người nữ thẩm phán mới. Bà đã được bầu làm Bí thư Chi bộ Tòa Dân sự, Bí thư Chi bộ Tòa Phúc thẩm, lần lượt 8 nhiệm kỳ Đảng ủy viên, được quần chúng quý mến bầu làm Thư ký Công đoàn và Trưởng ban Nữ công suốt 22 năm. Cả bốn nhiệm vụ, bà đều hoàn thành xuất sắc, đạt danh hiệu Lao động tiên tiến hàng năm, Đảng viên gương mẫu.
Năm 1980, lại một thử thách nữa đến với bà. Lãnh đạo cử bà vào tăng cường cho Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP. Hồ Chí Minh một năm. Hoàn cảnh bà khi đó vô cùng khó khăn (mẹ già 93 tuổi, các con, cháu ở trong một gara ô tô của một ông Bộ trưởng nhường cho), thậm chí vất vả hơn rất nhiều so với những nữ thẩm phán khác. Bà Hiền lại nhớ đến lời Bác: “Không có việc gì khó, chỉ sợ không có quyết tâm”.
Thế là, không một chút suy nghĩ đắn đo, bà vội vã thu xếp để kịp vào tham gia phiên tòa các tỉnh Miền Tây. Bà lao vào công việc như không hề biết mỏi mệt, quên thời gian, thậm chí làm cả ngày nghỉ. Ngoài các vụ án Tòa phân công, bà còn giúp cả các cán bộ khác trong Hội đồng, đóng góp ý kiến, xây dựng lề lối làm việc cho Công đoàn cơ quan…
Tháng 12/1980, bà hết thời hạn công tác tại Tòa Phúc thẩm TP. Hồ Chí Minh. Khi bà vừa đi phiên tòa An Giang về thì được tin mẹ chồng bệnh nặng. “Tôi bay ra chỉ ngồi với bà được một ngày thì bà ra đi mãi mãi. Các cháu nói lại, bà nhìn quanh không thấy tôi, bảo cháu lấy xe đạp đi đón. Tôi vô cùng ân hận không được chăm sóc bà lúc cuối đời”, bà xúc động kể.
Luôn nhớ đến lời Bác trước mỗi phiên tòa
Trong công tác xét xử hình sự, bà đã đi hầu hết các tỉnh Miền Bắc, một số tỉnh Miền Nam, chưa có vụ nào bị sai sót phải rút kinh nghiệm. Trước mỗi một phiên tòa, bà luôn nhớ đến lời Bác dạy: “Xét xử phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và được nhân dân đồng tình ủng hộ”.
Đặc biệt, bà đã cải sửa, minh oan hai vụ: vụ Nguyễn Đăng Sự (quê Hà Bắc cũ) bị Tòa sơ thẩm xử 4 năm tù về tội giết người; và vụ Nguyễn Đình Thứ (quê Nghệ An) bị Tòa sơ thẩm xử 3 năm tù về tội Tham ô tài sản XHCN làm thất thoát trên 1 tấn gạo. Ở cả hai vụ án, bà Hiền đều nghiên cứu kỹ hồ sơ, phối kết hợp với các cơ quan chức năng, từ đó đưa ra kết luận đúng người đúng tội.
Trong lĩnh vực dân sự, thấm nhuần câu nói “Xét xử đúng là tốt, nhưng nếu không phải xét xử lại càng tốt hơn”, bà Hiền hiểu rằng ý của Bác là phải tuyên truyền, giải thích, giáo dục pháp luật cho nhân dân, phòng ngừa tội phạm, hòa giải các tranh chấp trong nội bộ nhân dân. Do đó, khi còn công tác ở địa phương, bà luôn chú ý phát triển tổ, ban hòa giải ở các xã. Năm 1966, bà được báo cáo điển hình tại cuộc họp tổng kết Ngành toàn Miền Bắc.
Bà Hồ Thị Xuân Hiền khi còn trẻ
Khi công tác ở Tòa Dân sự, bà tiếp tục chỉ đạo các cấp phải hòa giải trước khi xét xử. Đặc biệt, sau ngày thống nhất đất nước, tình hình hôn nhân có nhiều nét đặc thù, với những vụ án hôn nhân gia đình chồng Bắc vợ Nam. Bà luôn chủ trương hòa giải, đi vào tâm tư, tình cảm, đạo đức của người phụ nữ, chung sống trong hòa bình, nghĩ đến tình nghĩa sâu nặng để đoàn tụ gia đình. Bà đã tiến hành một số vụ ổn thỏa, cả vợ lẫn chồng đều thuận tình.
Đúc kết từ những vụ, việc ở các tòa án địa phương làm được, Tòa Dân sự được Ủy ban Thẩm phán giao cho dự thảo “Thông tư Ly hôn Bắc Nam” để hướng dẫn tòa án cả nước tiến hành cho phù hợp tình hình.
Luôn sống, làm việc và nuôi dạy các con theo tấm gương Bác Hồ
Những lời dạy bảo của Bác, bà Hiền truyền lại cho con cháu phải ra sức học tập, rèn luyện, tu dưỡng trở thành công dân tốt, các cán bộ chiến sĩ trung thành với Tổ quốc và nhân dân.
Năm 1970, con trai cả của bà tròn 18 tuổi, đang học Đại học Xây dựng, đã lên đường nhập ngũ, vào Nam chiến đấu. Đến năm 1972, anh thứ hai vừa thi đỗ đại học lại tiếp nối con đường người anh cả. Hành trang của các anh luôn có tấm hình Bác Hồ chụp chung với đội ngũ nữ Thẩm phán ngày 01/8/1960, trong đó có mẹ con bà.
Tấm ảnh hai mẹ con bà Hồ Thị Xuân Hiền chụp chung với các nữ thẩm phán ngày 01/8/1960
Sau ngày thống nhất đất nước, người con trai cả chuyển ngành về công tác tại TAND TP. Hà Nội, còn anh thứ hai làm tại TANDTC. Vừa qua, ngày 3/2/2015, con trai thứ hai của bà vinh dự dược nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng và Huân chương Lao động do Chủ tịch nước trao tặng.
Các con bà lần lượt đứng trong hàng ngũ của Đảng. Gia đình bà có 11/12 Đảng viên, gồm 5 con, 4 dâu, rể và 2 ông bà, một kết nạp tại chiến trường Tây Ninh, một kết nạp tại Cộng hòa Dân chủ Đức.
Năm 2005, bà Hồ Thị Xuân Hiền vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng III. Trải qua 30 năm công tác ngành Tòa án, ở địa phương hay Trung ương, dù ở cương vị nào, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, được giao nhiệm vụ gì, bà Hồ Thị Xuân Hiền đều nhớ đến lời dạy bảo ân cần của Bác. Với bà, những lời huấn thị của Bác như kim chỉ nam, động viên, khích lệ bà vượt qua bao gian nguy và khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.
Từ khi có chủ trương của Đảng, Bác - đưa phụ nữ sang công tác tại Tòa án, ngày nay đội ngũ nữ thẩm phán từ Trung ương xuống tỉnh, huyện khá hùng hậu, đông đảo, nhiều người được đào tạo có hệ thống, nhiều người đang là Chánh án TAND tỉnh, huyện, thẩm phán TANDTC, chiếm 40% cán bộ trong ngành, chưa kể nữ luật sư, nữ hội thẩm nhân dân. |
Trong bản nhận xét ngày 26/5/1981 về quá trình công tác của bà Hồ Thị Xuân Hiền, bà Nguyễn Thị Chơn, nguyên Chánh Tòa Phúc thẩm TP. Hồ Chí Minh (sau này là Thứ trưởng Bộ Tư pháp) có viết: Tinh thần công tác tích cực, có trách nhiệm; Có tinh thần tương trợ công tác…; Đoàn kết, giúp đỡ quần chúng, được anh chị em trong cơ quan tin mến; Nhiệt tình, chân thành đóng góp ý kiến xây dựng lề lối làm việc của cơ quan. |