Nối cô đơn của nạn nhân sống sót sau thảm họa Holocaust trong dịch Covid-19
Chuyển động - Ngày đăng : 06:48, 23/04/2020
Ông Elias Feinzilberg, một người sống sót sau thảm họa Holocaust 102 tuổi, đứng ở cửa sổ nhà trong khi con cháu ông đứng dưới đường trong thời gian khi Israel tổ chức lễ tưởng niệm dành cho nạn nhân Holocaust.
Israel, đất nước có khoảng 9 triệu dân, đã báo cáo 13.833 trường hợp được xác nhận mắc Covid-19 cho đến nay, bao gồm 181 trường hợp tử vong. Độ tuổi trung bình của những nạn nhân Holocoust sống sót hiện nay là 84, đưa họ vào nhóm có nguy cơ mắc Covid-19 cao nhất.
Elias Feinzilberg, một người sống sót sau thảm họa Holocaust 102 tuổi, đã phải kỷ niệm Lễ tưởng niệm hàng năm của Israel cho 6 triệu người Do Thái đã chết trong cô đơn vì Covid-19.
Ở ban công căn phòng trên tầng 3 ở Jerusalem, ông đã nhận những nụ hôn của con cái và cháu chắt mình từ dưới đường, khi tiếng còi báo động vang lên khắp Israel trong thời khắc tưởng nhớ nạn nhân Holocaust.
Dưới đường, các thành viên trong gia đình ông, bao gồm 5 trong số 19 đứa cháu của ông, đã giơ một tấm biển có dòng chữ “Ghi nhớ ở gần, ôm nhau từ xa” - một phần của chiến dịch toàn quốc để thể hiện tình cảm với khoảng 190.000 người sống sót sau thảm họa diệt chủng của Israel vào thời điểm lệnh phong tỏa đang có hiệu lực nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona.
Ông Feinzilberg, sinh ra ở Ba Lan năm 1917, có mẹ và các chị gái bị sát hại tại trại tử thần Chelmno. Bản thân ông sống sót sau nhiều tháng phải lao động khổ sai và bị Đức quốc xã đưa từ trại tập trung này sang trại tập trung khác trong những tuần cuối cùng của cuộc chiến. Ông và vợ chuyển đến Israel năm 1969 và mở một cửa hàng giày. Bà mất năm 2008 và Feinzilberg hiện có một nhân viên chăm sóc toàn thời gian sống cùng mình.
Cháu tới chúc mừng ông nhân lễ tưởng niệm dành cho nạn nhân Holocaust nhưng phải đứng cách xa ở ngoài cửa.
Những người sống sót sau thảm sát Holocaust, giống như những người Israel cao tuổi khác, phải ở trong nhà do lệnh phong tỏa và phải giữ khoảng cách với mạng lưới xã hội của riêng mình.
“Sự cô đơn là một trong những nỗi phiền muộn lớn nhất của họ”, ông Offir Ettinger, người phát ngôn của Cơ quan bảo vệ quyền của những nạn nhân Holocaust của Israel, nơi cung cấp cho hàng ngàn người sống sót sau nạn diệt chủng Holocaust được hỗ trợ thường xuyên thông qua các tổ chức phi chính phủ.
“Ngay cả một từ đơn thuần như ‘giờ giới nghiêm’ cũng có thể mang lại những ký ức đau đớn cho một số người” bởi mối liên hệ của nó với những hạn chế thời chiến hà khắc trong các khu ghettos và trại tử thần của người Do Thái.
“Các buổi trị liệu được hướng dẫn bởi các nhân viên xã hội và các nhà tâm lý học, đã tăng lên kể từ khi dịch bệnh bùng phát và đang được thực hiện qua các cuộc trò chuyện qua điện thoại” - ông Ettinger cho biết.
Tuy nhiên, đối với một số nạn nhân Holocoust lạc quan thì “virus corona không là gì so với những gì họ đã phải trải qua.