UBTVQH: Đồng ý bỏ sổ hộ khẩu, quản lý bằng mã số định danh cá nhân
Chính trị - Ngày đăng : 20:07, 22/04/2020
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Người dân khổ sở về sổ hộ khẩu. Người nghèo tha phương lên thành phố lao động nhưng con cái không đi học được vì không có sổ hộ khẩu.
Chiều 22/4, Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã được trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, các quy định mới về bỏ Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú để quản lý bằng số định danh nhận được sự đồng tình.
Bỏ quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố thuộc Trung ương
Tờ trình dự án Luật Cư trú (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày, trong đó nêu rõ, Luật Cư trú hiện hành quy định thêm các điều kiện riêng đối với việc đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương là:
Trường hợp đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ 1 năm trở lên, trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ 2 năm trở lên;
Đăng ký vào quận nội thành Hà Nội thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô là phải tạm trú từ 3 năm trở lên. Bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND thành phố…
Việc quy định các điều kiện chặt chẽ trong đăng ký thường trú tại các thành phố trực thuộc Trung ương sẽ góp phần hạn chế tình trạng di dân từ nông thôn đến các thành phố lớn, giảm áp lực cho hệ thống cơ sở hạ tầng và chính sách an sinh xã hội của các đô thị này.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình dự án Luật Cư trú (sửa đổi)
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, trong thực tế việc đặt ra các điều kiện riêng này sẽ làm hạn chế quyền tự do cư trú của công dân; tác động đến quyền, lợi ích của một bộ phận công dân đang sinh sống, làm việc tại các thành phố lớn chưa đủ điều kiện đăng ký thường trú; đồng thời, chính sách này cũng chưa thực sự hiệu quả trong việc giảm di dân, tăng dân số cơ học tại các thành phố trực thuộc Trung ương.
Do vậy, Chính phủ thống nhất bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương. Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) trình Quốc hội được thể hiện theo định hướng này, tức là không có quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương; việc đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc. Đồng thời, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, dự thảo Luật quy định bãi bỏ khoản 3, khoản 4 Điều 19 Luật Thủ đô quy định về điều kiện đăng ký thường trú ở Thủ đô.
Bỏ sổ hộ khẩu, sử dụng mã số định danh cá nhân
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng cho biết dự thảo Luật sửa đổi theo hướng thay thế việc quản lý cư trú (thường trú, tạm trú) từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin.
Cụ thể là quản lý bằng việc sử dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên mạng internet. Thông tin về nơi thường trú, nơi tạm trú của mỗi công dân đều là trường thông tin dữ liệu số được cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.
“Đây là phương thức quản lý hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý cư trú, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho nhân dân," Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Đồng thời, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định khác có liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú như các hành vi bị nghiêm cấm (thuê, cho thuê, làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung sổ hộ khẩu, sổ tạm trú); quyền được cấp, cấp lại, đổi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; trách nhiệm xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu...
Tán thành với việc bỏ sổ hộ khẩu, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng hiện nay, đang có sự chuyển dịch lao động, di cư lao động từ nông thôn về các đô thị. Nếu không có phương thức quản lý mới sẽ không nắm được dân cư khi thực tế, có việc người dân ghi tên ở quê nhưng lại không có ở nhà, đi lao động tại nơi khác. Do đó, nhằm nâng cao năng lực quản lý, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật gắn với công nghệ số, việc bỏ sổ hộ khẩu là hợp lý.
Tạo thuận lợi cho người dân, nâng cao quản lý về dân cư
Thẩm tra dự án luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, sự thay đổi này sẽ giúp không chỉ đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ, tạo thuận lợi và tiết kiệm chi phí hành chính cho công dân mà còn góp phần bảo đảm quản lý dân cư chặt chẽ, thực chất, hiệu quả hơn, khắc phục nhiều bất cập trong công tác quản lý dân cư ở nước ta hiện nay. Đây cũng là phương thức quản lý cư trú hiện đại dựa trên việc ứng dụng công nghệ thông tin, phù hợp với xu thế phát triển, được một số quốc gia trên thế giới áp dụng.
Tuy nhiên, cơ quan này đề nghị làm rõ tính khả thi của việc cấp số định danh cá nhân cho khoảng 80 triệu công dân còn lại trong khoảng thời gian từ nay đến khi Luật Cư trú (sửa đổi) dự kiến có hiệu lực (năm 2021) để làm cơ sở cho việc quản lý công dân thông qua số định danh cá nhân. Các cơ sở dữ liệu phải được xây dựng xong đồng bộ, đưa vào vận hành và bảo đảm kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin thông suốt. Bên cạnh đó là việc liên quan đến nhiều thủ tục hành chính và quan hệ dân sự khác mà các luật khác đang điều chỉnh.
Góp ý vào Dự Luật, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hôi cũng đồng tình với nhiều điểm mới trong tư duy quản lý như việc bỏ sổ hộ khẩu để quản lý bằng số định danh cá nhân và nếu làm được là bước tiến. Tuy vậy, đề nghị đánh giá kỹ tác động của việc bỏ sổ hộ khẩu vì liên quan đến nhiều vấn đề luật khác đang điều chỉnh, từ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh, cấp phép xây dựng, cho đến báo tử.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao sự đổi mới trong dự thảo Luật vì xu hướng quản lý bằng số định danh cá nhân là tiến bộ. Đây là bước chuyển quan trọng, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mà còn giúp Nhà nước ngăn ngừa tiêu cực, nâng cao hiệu quả quản lý về dân cư.
Theo Chủ tịch Quốc hội, người dân khổ sở về sổ hộ khẩu. Người nghèo tha phương lên thành phố lao động nhưng con cái không đi học được vì không có sổ hộ khẩu.
“Phải tạo thuận lợi cho người dân, nâng cao quản lý Nhà nước về quản lý dân cư", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Tuy nhiên, khi thay đổi phương thức quản lý từ sổ hộ khẩu sang số định danh cá nhân sẽ tác động, ảnh hưởng đến rất nhiều quy định về giấy tờ, thủ tục hành chính nên ban soạn thảo cần rà soát để đảm bảo phù hợp, khả thi, để Luật ra đời không bị vướng mắc, ách tắc.