Mùa xuân mới bắt đầu
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 09:00, 26/01/2020
Trước mặt ông Lãm là tờ giấy trắng. Đã nhiều đêm ông chong đèn ngồi đối diện với nó nhưng không tài nào viết nổi một chữ. Không khí nặng nề. Khuôn mặt người đàn ông đã xấp xỉ tuổi lục tuần hằn hiện những nếp nhăn. Ông ngồi đờ đẫn trong bóng đêm, lặn hụp trong mớ hỗn độn tâm lý. Những ký ức dồn về…Ông muốn viết ra tất cả. Nhưng viết rồi xóa. Xóa rồi lại viết. Viết…xóa…vò…những mảnh giấy trắng lăn lóc trên sàn gian phòng tĩnh mịch.
Chiều, Hào ghé chơi. Hào là cảnh sát khu vực, mới được điều động về địa phương công tác. Hào có tình cảm với Liễu con gái lớn của ông khi cả hai còn theo học ở Sài Gòn. Trước đây, ông Lãm có vẻ không ưa Hào, mỗi khi cậu đến chơi ông thường lánh mặt, không tiếp. Vậy mà, dạo gần đây, mỗi lần Hào đến ông Lãm lại chủ động chuyện trò. Hai người tâm sự chuyện gì đó rất lâu.
Chồng thay đổi thái độ, bà Huệ mừng lắm. Bởi trước đây khi biết Hào hẹn hò với Liễu, ông Lãm từng ra mặt cấm cản. Ông bảo chẳng chê gì Hào cả, chỉ không thích vì anh là công an. Ông lo con gái sẽ lại vất vả!
Hào về, bà Huệ nhìn chồng, buông câu thủng thẳng: “Bố vợ tương lai mấy bữa nay thủ thỉ gì với con rể mà say sưa thế? Tình hình này lại sắp có biến rồi”. Đáp lại câu nói của vợ, ông Lãm chỉ buông tiếng thở dài rất khẽ.
Hào vừa ra khỏi nhà ít phút thì trời nổi giông gió. Bà Huệ vội vã thu dọn quần áo phơi ngoài sân, vừa chạy mưa vừa lầm bầm: “Trời với chả đất, cuối năm rồi mà mưa bão, sấm chớp cứ rầm rầm”. Ông Lãm nãy giờ vẫn ngồi trên bộ trường kỷ, co một chân lên ghế, châm điếu kéo một hơi thuốc lào thật dài rồi lặng lẽ nhìn những hạt mưa nặng dần.
Ông Lãm vốn là người ít nói, cũng không hay cười. Ông chẳng mấy khi to tiếng với ai bao giờ, đặc biệt là với vợ con. Bà Huệ quá quen với cách sống trầm lặng của chồng. Hơn 20 năm đầu ấp tay gối, đến giờ bà vẫn không biết trong đầu ông Lãm đang nghĩ về điều gì. Có lúc bà đã đặt dấu hỏi về cuộc hôn nhân của mình, nhưng rồi trải qua bao nhiêu sóng gió, bây giờ chồng và hai cô con gái là thứ tài sản vô giá đối với bà.
10 năm trước, khi quyết định rời bỏ căn nhà ở dưới huyện về thị xã sinh sống ông Lãm đã không mấy vui. Có thời điểm ông bàn lùi và căng thẳng với vợ. Nhưng vì việc học hành của con ông đành phải chấp nhận. Cái chính là ông không thích cuộc sống xô bồ ở thị xã du lịch sầm uất này. Ông cũng ngại va chạm, tiếp xúc với nhiều người, trong đó có Hào. Việc ông thường xuyên trò chuyện với Hào gần đây, bà Huệ xem như là một tín hiệu vui. Hào với Liễu ríu rít, quấn quýt nhau như sam, chỉ chờ cái gật đầu của ông Lãm là hai đứa nên chuyện. Ấy vậy, từ khi con gái lớn tốt nghiệp sư phạm rồi trở thành cô giáo trường huyện, Hào cũng đã chuyển về thị xã công tác nhưng ông Lãm thì vẫn lăn tăn. Chẳng có lý do nào cả! Hào là chàng trai tốt nhưng giá như cậu ấy…không phải là công an. Ông không muốn có một cảnh sát hiện diện trong nhà mình. Nhưng cái giả thiết này bây giờ dường như không còn tồn tại nữa. Giữa ông và Hào đã có được sự kết nối kỳ lạ.
Sâm sẩm tối, trời vẫn mưa. Ông Lãm lại châm điếu kéo một hơi thuốc lào rồi nhả khói phảng phất. Mưa khiến ông trầm ngâm. Dấu mốc 30 năm về trước trong tâm trí ông Lãm vẫn mới như ngày hôm qua. Hôm đó, cũng vào một ngày cuối năm…
Trời hôm ấy đổ mưa. Mưa rả rích. Mưa mù giăng trắng cả vạt rừng. Gió gào lên từng nhịp, những tán lá xô nhau xào xạc. Cung đường băng xuyên rừng hun hút, u ám. Chàng thanh niên lê từng bước chân nặng nề rồi ngã sóng soài xuống mặt đường đất đỏ lầy lội. Đói. Mệt. Chàng không thể gượng dậy. Mưa rừng càng lúc càng nặng hạt, nước dội như thác. Chẳng mấy chốc bóng tối choàng xuống như tấm vải đen chùm kín cái bóng đèn dầu. Chàng thiếp đi giữa cơn mưa rừng. Không gian đen đặc.
Chàng tỉnh. Khẽ nhúc nhích nhưng toàn thân ê ẩm, rệu rã. Hai hàng mi mắt líu ríu kéo chặt lại với nhau. Ý nghĩ mơ hồ về một điều tồi tệ chợt lóe lên nhưng vụt tắt ngay lập tức. Rõ là không gian thoảng mùi hương quế. Cái chăn mỏng manh, mềm mại đắp trên người chàng cũng tỏa hương thơm êm dịu. Chẳng có cái âm phủ nào nó như thế cả! Chàng trai trộm nghĩ rồi cố tách hai hàng mi mắt ra nhìn xung quanh. Một gian phòng làm toàn bằng gỗ. Nhỏ nhắn. Xinh xắn. Trên vách tường dán những hình vẽ ngộ nghĩnh, một vài cành hoa ép khô, kỷ vật của những cô gái mơ mộng.
Vì sao mình lại nằm đây? Thôi, mặc kệ, còn sống là tốt rồi. Chàng trai khẽ khép mắt lại, thả mình rơi tự do trong thoang thoảng mùi hương quế. Bỗng có tiếng cánh cửa gỗ kêu ken két. Ồ, là một cô gái chừng mười tám, đôi mươi bước vào phòng. Cô gái nhẹ nhàng đặt chiếc đèn cầy xuống cái bàn gỗ nhỏ cạnh đầu giường cùng một ly sữa nóng. “Anh tỉnh rồi phải không?”- giọng cô gái trong trẻo.
-Đây là đâu? Sao tôi lại ở đây?- chàng trai tỏ vẻ ngơ ngác.
-Đây là nhà em, còn sao anh ở đây thì em cũng đang muốn hỏi. Anh không phải người địa phương, anh từ đâu tới, làm gì ở đây?
Không đợi chàng trai trả lời, cô gái nói tiếp: -Bố em gặp anh bất tỉnh trên đường xuyên rừng nên đưa về. Chắc là anh đói lắm nhỉ. Nào, dậy uống ly sữa cho tỉnh người cái đã.
Cô nhẹ nhàng đỡ chàng trai ngồi dậy, đặt ly sữa vào tay:
-Em là Huệ, còn anh?
-Tôi là Lãm.
Sau đêm ấy, Lãm đã kể rất nhiều về thân phận của mình. Một chàng trai sớm mồ côi cha mẹ, sống ở tỉnh miền núi phía Bắc. 23 tuổi, Lãm theo đám trai làng vào Tây Nguyên đào đãi vàng. Cuộc sống giữa rừng thiêng nước độc, đối mặt với bệnh tật, với cái chết, sự thảm khốc trên bãi vàng đã thôi thúc Lãm phải bỏ trốn trong sự truy tìm gắt gao của chủ bưởng. Hai ngày lạc rừng, cái đói, mưa rừng đã vật ngã Lãm. Giờ thì Lãm ở trong một căn nhà ngát mùi hương quế, một người đàn ông tốt bụng và cô con gái dễ thương.
Câu chuyện của Lãm, số phận của Lãm dường như thuyết phục được người đàn ông “gà trống nuôi con” suốt hơn 20 năm. Ông chẳng tò mò về Lãm, ngược lại có chút thương cảm.
-Giờ cậu tính thế nào? Nếu không ngại thì cứ ở đây với bố con tôi. Tôi sẽ tìm công việc cho cậu làm.
Lãm còn mong đợi gì hơn thế. Cậu cảm ơn rồi đồng ý ngay tắp lự. Kể từ sau đận ấy, ngày ngày, Lãm theo chân ân nhân của mình đi xẻ gỗ thuê khắp các huyện, các tỉnh lân cận. Một năm sau đó, cái xưởng mộc nho nhỏ được hình thành đối diện căn nhà gỗ. Lãm trở thành một anh thợ mộc thiện nghề.
Cuộc sống cứ êm đềm trôi đi cho đến một ngày bố Huệ bất ngờ qua đời vì bạo bệnh. Lời trăn trối của ông trước khi nhắm mắt xuôi tay là hi vọng Lãm có thể thay ông chăm sóc cho Huệ suốt cuộc đời. Hai năm sau, ước vọng cuối cùng ấy cũng trở thành hiện thực. Lãm và Huệ nên vợ nên chồng.
Sự tình cờ trong một hoàn cảnh trớ trêu lại như được số phận định sẵn. Đối với Lãm nó thực sự là một giấc mơ. Một giấc mơ nằm ngoài kịch bản, nằm ngoài những dự định của Lãm khi rời bỏ quê hương, bỏ lại tất cả, lãng quên tất cả.
***
Hào đến. Vừa dựng chiếc xe máy ở ngoài cổng, cũng vừa lúc bà Huệ dắt xe ra cửa:
- Hào hả cháu, vào đi, bác trai đang ở trong nhà.
- Cháu chào bác. Cháu có cuốn lịch Tết của đơn vị mang sang biếu hai bác. Bác đi chợ đấy ạ?
- Ừ, bác ra chợ mua ít đồ. Nay cái Liễu đưa bạn về chơi, cháu ở đây trưa dùng cơm cùng gia đình bác cho vui. Toàn người nhà thôi, cháu đừng có từ chối.
Dứt lời, bà Huệ ngồi lên chiếc xe điện lao đi vun vút. Bên trong, ông Lãm đang đứng ngắm nghía những giò phong lan treo lủng lẳng trước hiên nhà. Ông quý những giò lan như vật báu, chăm chút sáng tối, có lúc quên ăn quên ngủ.
“Phong lan đai châu đây! Tết này là có hoa. Loại lan này chỉ nở vào mùa xuân, dịp Tết Nguyên đán nên người ta thường gọi là lan nghinh xuân. Giờ này năm ngoái là nở rồi đấy. Hoa đẹp lắm”, ông Lãm giới thiệu với Hào khi anh vừa đặt chân lên đến bậc thềm.
Hào gãi đầu, gãi tai: “Cháu là dân ngoại đạo, mà lan thì có hàng trăm, hàng nghìn loài khác nhau. Cháu trông loài nào cũng giống loài nào bác ạ”.
Ông Lãm nhìn Hào cười, khoát tay: “Thôi, vào nhà uống nước, tiện tôi có chuyện muốn nói với anh.
- Chuyện hôm trước, tôi quyết rồi.- ông Lãm tay vừa rót trà vừa chậm rãi.
- Vâng. Bác quyết như thế nào ạ? Hào hỏi.
- Tôi sẽ trở về trước Tết. Cứ lần lữa rồi nhụt chí mất. Mấy đêm nay tôi không ngủ được, trăn trở lắm. Khi trẻ mình nghĩ khác, giờ có tuổi chẳng lẽ cứ để tâm trạng lúc nào cũng nặng như đeo đá. Tôi trở về, ở đây trăm sự nhờ cậu. Tôi chỉ có hai đứa con gái, chúng nó đều ngoan hiền, hiểu biết. Tôi hi vọng sẽ nhận được sự tha thứ.
Ông Lãm ngừng nói, nghĩ ngợi điều gì đó rồi thở dài:
- Khi cậu chưa hiện diện trong ngôi nhà này, tôi chưa từng nghĩ sẽ trở về. Đó là một lựa chọn khó khăn. Tôi giấu nhẹm bí mật 30 năm nay chẳng sung sướng chút nào. Giá như khi đó tôi quyết định đối diện với nó, thì…
Ông Lãm bỏ lửng câu nói, Hào hiểu cái điều giá như mà ông Lãm đang nghĩ. Phía sau ông Lãm bây giờ là gia đình, thêm một trách nhiệm nặng nề hơn mà ông phải gánh. Hào ước rằng việc anh làm một năm trước đây cho ra kết quả khác. Hào đã quá tò mò khi nghe Liễu kể về cha của mình cho anh nghe. Lần đầu gặp ông, Hào đã có linh cảm khác lạ. Và, anh đã bàng hoàng khi cầm tờ lý lịch đóng dấu đỏ trên tay. Sau nhiều ngày suy nghĩ, Hào quyết định đối diện với ông Lãm.
- Có điều gì còn chưa yên tâm bác cứ dặn dò. Chuyện ở đây, cháu sẽ giúp bác lo chu toàn - Hào nói như để động viên.
- Điều tôi chưa yên tâm là có nên giao cái Liễu cho cậu hay không.
Dứt câu, ông Lãm bật cười, xóa đi cái không khí nặng nề trong câu chuyện của hai người. Ngoài mái hiên, ngọn gió chớm xuân thổi những nhánh phong lan rung rinh.
***
Đêm tĩnh lặng. Bà Huệ cùng con gái đã ngủ say ở phòng kế bên. Ông Lãm lọ mọ trở dậy. Ông bật đèn trên bàn làm việc, rút trong ngăn kéo ra cây bút và xấp giấy trắng. Ông hì hụi viết. Viết một mạch mà chẳng cần ngẫm ngợi:
“Gửi em và hai con!
Khi 3 mẹ con đọc được dòng thư này thì có lẽ anh đã về tới nơi mà gần 60 năm trước anh cất tiếng khóc chào đời. Xin lỗi em, nàng dâu chưa một lần biết đến quê chồng. Bố cũng xin lỗi hai con. Đến bây giờ, anh vẫn không đủ dũng khí để đối diện với em và hai con.
30 năm nay anh sống trong nỗi dằn vặt, thấp thỏm, lo lắng. Anh sợ một ngày em biết được sự thật rằng tên anh không phải là Lãm. Anh cũng chẳng phải là đứa trẻ mồ côi. Anh cũng chưa một lần bán mạng ở bãi vàng như anh đã nói. Anh nói dối em quá nhiều, phải không Huệ?
Đã đến lúc anh nghĩ rằng em và các con cần phải biết sự thật. Một sự thật anh nói ra vào lúc này sẽ khiến em và con đau lòng. Nhưng…anh buộc phải nói.
Anh đã có những năm tháng tuổi trẻ sai lầm và giờ anh phải trở về để chuộc lỗi. Ngã ở đâu anh muốn đứng dậy ở đó, dù không còn sớm nữa…”.
Ông Lãm viết mãi, viết chi tiết những sai lầm của ông trong quá khứ đến khi kín 5 trang giấy trắng. Xong xuôi, ông đọc đi đọc lại rồi ngồi thẫn thờ như một pho tượng. Trắng đêm ông không chợp mắt. Viễn cảnh khi đặt chân về chốn cũ cứ lởn vởn. 30 năm, quê nhà có lẽ đã đổi khác nhưng những ám ảnh trong quá khứ tội lỗi của ông thì vẫn còn đó.
Ông lặng lẽ nhét vài bộ quần áo vào chiếc ba lô đã cũ sờn. Quay lại bàn làm việc, ông cầm lá thư xem lại một lần nữa rồi kẹp nó vào cuốn sổ. Bên trong cuốn sổ ấy, một mảnh giấy nhỏ được ông cắt ra từ trang báo và lưu giữ tự khi nào. Mảnh giấy có dòng chữ: “Lệnh truy nã…Nguyễn Hoàng Phong”.
Hơn 3 giờ sáng, ông quyết định ra bến xe. Ông tần ngần đứng trước hiên nhà. Một mùi hương thoang thoảng, dịu dàng. Ngoái nhìn, thì ra giò lan nghinh xuân đã nở. Trong ánh sáng lờ nhờ, ông vẫn nhận ra màu hoa trắng tím quyến rũ đến mê hoặc. Suốt chục năm nay, xuân nào ông cũng đợi chờ giò phong lan nghinh xuân bung nở. Nhưng chưa lần nào đứng trước hoa ông thấy thanh thản, nhẹ nhõm như lúc này. Đối với ông, mùa xuân bây giờ mới thực sự bắt đầu.
Sương đêm giăng mù mịt. Bóng người đàn ông khoác ba lô nghiêng ngả dưới ánh đèn đường.