Nếu kỳ thi THPT quốc gia không thể tổ chức được, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ tuyển sinh riêng
Giáo dục - Ngày đăng : 17:01, 17/04/2020
Cụ thể, ngày 17/4/2020, Ban chỉ đạo Tuyển sinh ĐH Quốc gia Hà Nội đã công bố phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2020. Theo đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi và công bằng cho thí sinh, ĐH Quốc gia Hà Nội đã đưa ra nhiều phương án tuyển sinh linh hoạt.
Ảnh minh họa. Hải Nam.
Năm 2020, ĐH Quốc gia Hà Nội thực hiện tuyển sinh đại học chính quy theo các phương thức đã công bố: (1) Xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia năm 2020 theo tổ hợp các môn thi/bài thi tương ứng; (2) Thí sinh có chứng chỉ quốc tế của Trung tâm Khảo thí ĐH Cambridge, Anh (Cambridge International Examinations A-Level, UK; sau đây gọi tắt là chứng chỉ A-Level); (3) thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa SAT (Scholastic Assessment Test, Hoa Kỳ) đạt điểm theo quy định về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của ĐHQGHN; (4) Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.5 trở lên hoặc các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương và có tổng điểm 2 môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển đạt tối thiểu 12 điểm (trong đó bắt buộc có môn Toán hoặc môn Văn). Các tiêu chí xét tuyển thẳng được công bố vào đầu tháng 5/2020.
Trong trường hợp do ảnh hưởng của dịch Covid- 19 khiến kỳ thi THPT quốc gia không thể tổ chức được theo kế hoạch, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ triển khai kỳ thi tuyển sinh riêng theo hình thức đánh giá năng lực rút gọn, gồm hợp phần thi môn Toán – hợp phần Ngữ văn (hoặc bài luận) - Ngoại ngữ… để xét tuyển. Thí sinh được sơ loại kết quả học tập bậc THPT trước khi dự thi kỳ kỳ thi riêng của ĐH Quốc gia Hà Nội. Thông tin chi tiết về việc đăng ký và điều kiện dự thi sẽ được thông báo trước 30/5/2020.
Trường hợp dịch bệnh Covid-19 diễn biến theo chiều hướng phải tiếp tục cách ly xã hội đến tháng 8/2020, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ xem xét việc xét tuyển thí sinh dựa trên kết quả học tập bậc THPT kết hợp với các hình thức kiểm tra đánh giá từ xa.
Theo kế hoạch tuyển sinh, năm 2020 ĐH Quốc gia Hà Nội tuyển sinh 10.320 chỉ tiêu với 131 ngành/chương trình đào tạo, trong đó có 14 ngành đào tạo mới thích nghi với thị trường lao động mới. Nhiều ngành học mới được thiết kế phục vụ đào tạo nguồn nhân lực liên quan trực tiếp đến cuộc cách mạng chuyển đổi số và các vấn đề mới như: Khoa học dữ liệu, Kỹ thuật điện tử và tin học; Khoa học và Công nghệ thực phẩm; Công nghệ tích hợp giám sát tài nguyên và môi trường; Marketing, Nhật Bản học, Điều dưỡng, Giáo dục mầm non, Giáo dục tiểu học,…