Nhiều nội dung tinh giản trong môn Hóa học THCS thuộc phần thực hành
Giáo dục - Ngày đăng : 15:30, 02/04/2020
Cụ thể, theo đánh giá của cô Phạm Thị Thúy Ngọc, giáo viên Hóa học - Hệ thống Giáo dục HOCMAI về môn Hóa học đánh giá về nội dung tinh giản khoảng 20% lượng tiết học theo chương trình cũ. Việc điều chỉnh này không ảnh hưởng nhiều đến học tập và khả năng tiếp thu kiến thức của học sinh ở các lớp trên. Mức độ kiến thức có điều chỉnh không nhiều. Tinh thần điều chỉnh đang được áp dụng cho môn này trong cấp học là tinh giản các nội dung luyện tập để học sinh tự học, tự luyện ở nhà;
Ảnh minh họa.
Theo đó, tinh giản các nội dung về thực hành trên lớp, học sinh tự tham khảo tài liệu; tinh giản các nội dung bị trùng lặp ở các lớp trên nên cũng không ảnh hưởng đến việc học các lớp tiếp theo của học sinh.
"Việc điều chỉnh, tinh giảm chương trình lần này của Bộ là rất hợp lí, phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện tại của toàn ngành, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay của cả nước trong thời gian phòng chống dịch covid-19. Nếu không cắt giảm một phần nội dung chương trình thì sẽ không thể hoàn thành kết thúc năm học vào 15/7/2020”, cô Ngọc nói thêm.
Việc cắt giảm chương trình tạo điều kiện cho học sinh hoàn thành tốt hơn nội dung học tập theo khung năm học. Việc cắt giảm này cũng thuận tiện cho giáo viên khi giảng dạy: có thể tích hợp nội dung giữa các tiết học; một số nội dung trong chương trình có sự trùng lặp, nên việc cắt giảm cũng không bị ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức của học sinh, giảm áp lực học dồn nén khi học sinh trở lại trường học.
Các nội dung điều chỉnh nổi bật, cần lưu ý trong các lớp thuộc cấp học, tỉ lệ tinh giản chiếm khoảng 20 - 25% chương trình hiện hành của học kì 2. Chương trình Hóa 8 và hóa 9 có nhiều nội dung tinh giản thuộc phần thực hành, phần luyện tập hầu hết là học sinh phải tự học, tự luyện.
Tinh giản một số bài bị trùng lặp ở các lớp kế tiếp. Ví dụ: Hóa 8: Bài axit, bazơ, muối tinh giản không dạy. Nội dung này có thể dạy tích hợp vào chương 1 của lớp 9. Hóa 9: Không dạy bài axetilen, benzen, nội dung này có thể tích hợp lên THPT. Như thế thì cũng không lo là học sinh không được học nội dung đó.
Cô Ngọc cũng lưu ý, học sinh cần nắm rõ các mảng kiến trọng tâm, kiến thức cơ bản của học kì II và ghi chép cẩn thận từng nội dung và ghi nhớ bằng sơ đồ tư duy theo chủ đề.
Với môn Hóa học lớp 8, học sinh cần lưu ý 4 chủ đề bao gồm: Oxi, Hiđro, Nước, Dung dịch; Với môn Hóa học lớp 9, học sinh cần lưu ý các chủ đề bao gồm: Phi kim, Hiđrocacbon, Gluxit, Rượu và axit, Chất béo, Protein, Polime tách riêng.
Với những điều chỉnh này, học sinh cần gấp rút xây dựng lộ trình tự học tại nhà cho bản thân dựa trên các nội dung trọng tâm của môn học theo khung thời gian từ nay đến 15/7/2020. Mỗi tuần, các em cần lên kế hoạch cho 3 - 4 tiết học của bộ môn, có thể tham gia các lớp học online một cách nghiêm túc, tích cực thì sẽ đảm bảo hoàn thành chương trình với kết quả tốt.
“Bên cạnh đó, để việc tự học tốt nhất, các em cũng nên xây dựng kế hoạch tự nghiên cứu tài liệu, sách giáo khoa cũng như nên học cách đọc sách hiệu quả, cách ghi nhớ bài học theo thẻ nhớ. Hãy cố gắng giải quyết tất cả các bài tập trong sách giáo khoa theo bài và theo tuần, đồng thời tích cực liên lạc xin trợ giúp từ các thầy cô dạy bộ môn’, cô Ngọc nhấn mạnh.