Đại dịch Covid-19 và cuộc chiến khí hậu
Chuyển động - Ngày đăng : 15:25, 17/04/2020
Lượng CO2 giảm đáng kể trong thời gian các nước trên thế giới áp đặt lệnh phong tỏa để kìm hãm sự lây lan của virus corona.
Hiện tại, các lệnh phong tỏa toàn cầu nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona đã khiến các hoạt động tạo ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính, làm tăng nhiệt trái đất giảm mạnh. Tại nhiều nơi, chất lượng môi trường được cải thiện rõ rệt.
Tuy nhiên, người ta lo sợ rằng các kế hoạch khôi phục kinh tế hậu Covid-19 sẽ càng khiến thế giới quay lại tăng cường hoạt động dựa vào các nguồn nhiên liệu hoá thạch - thủ phạm chính của việc khí hậu bị hâm nóng.
Theo Giáo sư Christian de Perthuis, người sáng lập chuyên ngành Kinh tế học Khí hậu tại Đại học Paris – Dauphine cho biết: “Về mặt ngắn hạn, cuộc khủng hoảng y tế này có thể khiến lượng khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính sụt giảm 5 Gt, tức gấp 10 lần mức sụt giảm của năm 2009 (năm kế tiếp cuộc khủng hoảng tài chính 2008), khiến năm 2019 trở thành năm phát thải toàn cầu đã đạt mức đỉnh điểm.
Bất chấp hệ quả của việc kinh tế phục hồi mạnh mẽ sau khi chấm dứt phong tỏa, lượng khí thải của năm tiếp theo, dù có tăng nhiều, cũng sẽ không thể bù lấp được khoảng hụt rất lớn đã xảy ra. Nhìn xa hơn, đại dịch này sẽ là một thứ xúc tác cho các chuyển hoá kinh tế và xã hội, mang lại các vũ khí mới cho các xã hội hậu Covid-19, trong cuộc chiến vì khí hậu.
Tùy theo nội dung của các kế hoạch tái khởi động sau khi phong tỏa chấm dứt, các kế hoạch này có thể thúc đẩy hay kìm hãm các thay đổi mang tính cấu trúc nói trên’'.
Một số thay đổi sâu xa, hay ‘'thay đổi mang tính cấu trúc’’, được Giáo sư Christian de Perthuis dẫn ra là tái bố trí lại dây chuyền sản xuất - cung ứng, ưu tiên cho việc giảm khoảng cách giữa nơi sản xuất và nơi tiêu thụ, gia tăng làm việc từ xa… Ông tin tưởng rằng sau đại dịch Covid-19, thế giới rất khó trở lại với mô hình phát triển toàn cầu hoá tăng tốc hiện nay.
Tuy nhiên, quan đỉểm tương đối lạc quan về triển vọng của cuộc chiến khí hậu, hậu Covid-19, bị nhiều nhà nghiên cứu nghi ngờ. Đối với một số chuyên gia, đại dịch Covid-19 tiềm ẩn những nguy cơ vô cùng lớn đối với cuộc chiến khí hậu.
Theo chuyên gia địa chính trị môi trường François Gemenne, thành viên của nhóm Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (GIEC) thì cuộc khủng hoảng này sẽ là một “đại họa cho khí hậu”.
Theo ông, “các tác động tích cực trước mắt” của việc khí thải sụt giảm mạnh trong thời gian đại dịch “sẽ không hề có tác động gì đối với lộ trình hâm nóng khí hậu”, mà cộng đồng quốc tế đã đạt được đồng thuận vào năm 2015, là không để nhiệt độ Trái đất tăng quá 1,5°C đến 2°C, từ đây đến 2100, so với thời tiền công nghiệp.
François Gemenne nhấn mạnh là cuộc chiến khí hậu sẽ chỉ thành công khi có được các nỗ lực liên tục, mạnh mẽ, trong việc cắt giảm khí thải. Một năm giảm mạnh không phải là điểu quyết định. François Gemenne nhắc lại kinh nghiệm thất bại hậu khủng hoảng 2008, khí thải lại vọt lên, sau khi khủng hoảng tài chính hay y tế qua đi.
Điều nguy hiểm hơn nữa, theo tác giả, là chính quyền các nước có thể mưu toan tiến hành các kế hoạch cứu nguy nền công nghiệp năng lượng hoá thạch, hơn là đầu tư cho một Thoả ước Xanh mới. Ông dẫn ra ví dụ của Canada, đang muốn phục hồi nền công nghiệp dầu mỏ và khí đốt, và của Trung Quốc, với dự kiến xây dựng thêm hàng trăm nhà máy nhiệt điện than mới.
Cùng với xu thế nguy hiểm này, “chính phủ nhiều nước có khả năng sẽ lợi dụng tình hình hiện nay để đòi xét lại các biện pháp chống biến đổi khí hậu đã được cam kết, nhân danh chấn hưng kinh tế”. Tại châu Âu, Cộng hoà Séc và Ba Lan đã yêu cầu từ bỏ Green New Deal, kế hoạch lớn của tân Ủy Ban Châu Âu.
Dù cho rằng đại dịch Covid-19 là một nguy cơ hay một cơ hội lớn thì chỉ có một chuyển hoá sâu sắc cấu trúc của nền kinh tế hiện hành mới giúp nhân loại thành công trong cuộc chiến khí hậu.
Việc từ bỏ các cam kết xanh hiện có sẽ tạo ra các các vấn đề trong tương lai và sẽ đẩy nhanh những sự cố về khí hậu bởi bất kỳ sự “nghỉ ngơi” nào trong việc giảm sự gia tăng khí thải do khủng hoảng Covid-19 sẽ chỉ là tạm thời. Hành động sớm và nhanh chóng sẽ mang lại cơ hội tốt để đạt được mục tiêu của Thỏa ước Xanh mới, mặc dù cần phải có một lượng lớn chi phí xử lý trong thời gian ngắn.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy mỗi quốc gia trên thế giới sẽ có lợi hơn về kinh tế nếu tất cả có thể đồng ý tăng cường các cam kết của họ về cuộc khủng hoảng khí hậu thông qua hợp tác quốc tế.
Nhưng nếu các quốc gia quá yếu để có thể đáp ứng các mục tiêu của Thỏa thuận Paris về khí hậu được ký kết năm 2015, chúng ta sẽ phải đối mặt với thiệt hại kinh tế nghiêm trọng.
Đại dịch Covid-19 đang làm toàn cầu chao đảo, nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới tê liệt và các nước phải dồn mọi nguồn lực vào để đối phó với cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có... khiến cuộc khủng hoảng khí hậu có nguy cơ bị lãng quên.