Quốc hội chất vấn về tham nhũng, ban hành văn bản: Tham nhũng tinh vi, khó phát hiện

Chính trị - Ngày đăng : 09:07, 13/06/2014

Ngày 12/6, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường và Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh đã trả lời chất vấn các ĐBQH về nội dung liên quan đến vấn đề tham nhũng, việc ban hành văn bản trái luật và “lợi ích nhóm” trong việc ban hành văn bản dưới luật.

*Nhiều tồn tại trong ban hành văn bản dưới luật

 

Hướng dẫn hay “rào chắn”?

 

ĐB Trương Trọng Nghĩa đến từ TP Hồ Chí Minh đã nêu vấn đề có thể coi là vấn nạn, đang gây tác hại và rất bức xúc trong nhân dân, DN, đó là chất lượng các văn bản hướng dẫn dưới hình thức là các nghị định, quyết định, thông tư. 

 

Đi thẳng vào vấn đề, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, mỗi khi Tòa án xét xử các vụ đại án về tham nhũng, không khí người dân phấn khởi nhưng anh em thi hành án thì rất lo lắng. Nguyên nhân chủ yếu do ở nước ta chưa có hệ thống đăng ký tài sản một cách thống nhất, bài bản, minh bạch, bất động sản cũng vậy, động sản cũng vậy; việc mua bán tài sản, trả tiền qua tài khoản chưa nghiêm; có sự cắt khúc trong tố tụng hình sự hiện nay, từ khâu điều tra cho đến khâu thi hành án, đặc biệt, thi hành án dân sự lại tách rời khỏi quyền lực của cơ quan tư pháp. Cũng có lý do, Chấp hành viên chưa làm hết trách nhiệm xác minh tài sản thi hành án và cũng có lý do, THA theo quy định của luật, trong nhiều trường hợp phải theo đơn yêu cầu mới THA.

 

Quốc hội chất vấn về tham nhũng, ban hành văn bản: Tham nhũng tinh vi, khó phát hiện

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

 

Còn về việc ban hành văn bản trái luật, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết: Qua kết quả kiểm tra văn bản từ báo cáo của Chính phủ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến nay, trong tổng số 1.574 văn bản đã kiểm tra, Bộ Tư pháp đã phát hiện ra 312 văn bản có dấu hiệu trái luật, trong đó có 54 văn bản sai về nội dung, tuy nhiên, không có văn bản nào vi hiến.

 

“Việc tiếp tục ban hành văn bản của các Bộ và cơ quan ngang Bộ, sai về nội dung sau khi Hiến pháp mới có hiệu lực là không thể chấp nhận được. Tới đây, hàng tháng chúng tôi sẽ có báo cáo Chính phủ về tình hình ban hành văn bản, để Chính phủ xem xét, cho ý kiến”, ông Cường nhấn mạnh.

 

Kết lại phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Bộ trưởng đã trả lời đầy đủ, khá rõ ràng, tuy nhiên, về trách nhiệm phần nào còn lúng túng. Trong phiên họp này, Quốc hội và đại biểu còn lo lắng rằng, hệ thống pháp luật còn nhiều vấn đề như công tác xây dựng chương trình làm luật, công tác triển khai thực hiện pháp luật từ cơ quan nhà nước tới nhân dân còn nhiều tồn tại, yếu kém. Do đó, rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết trong thời gian tới.

 

Tham nhũng tinh vi, khó phát hiện…

 

Tiếp sau Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Tổng thanh tra Chính phủ (TTCP) Huỳnh Phong Tranh cũng đã nhận được nhiều câu hỏi của các ĐB liên quan đến vấn đề tham nhũng, chống tham nhũng hiện nay.

 

Theo Tổng TTCP, từ năm 2011-2013, thanh tra phát hiện 184 vụ, 517 người có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tài sản 301,59 tỷ đồng, 9,4ha đất; đã thu hồi 138,5 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính đối với 17 tập thể, 218 cá nhân, chuyển Cơ quan điều tra 111 vụ, 235 người; xử lý trách nhiệm 117 người đứng đầu.

 

Số vụ, việc tham nhũng được phát hiện, xử lý còn ít cũng là vấn đề được các ĐB quan tâm. Ông Huỳnh Phong Tranh cho biết, đây cũng là vấn đề mà ông trăn trở nhiều; nguyên nhân của tình trạng này do tham nhũng là hành vi có độ ẩn cao; chủ thể tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ, có khả năng che giấu hành vi tham nhũng bằng nhiều thủ đoạn tinh vi nên khó phát hiện, xử lý. 

 

Đặc biệt, trách nhiệm người đứng đầu trong nhiều trường hợp chưa quyết liệt, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn yếu. Chưa phát hiện được những vụ việc, sai phạm có tính chất nghiêm trọng về kinh tế hoặc hành vi tham nhũng.

 

Người đứng đầu ngành Thanh tra cũng nói rằng, Thanh tra là một hoạt động nhạy cảm, thường xuyên tiếp xúc với những cám dỗ về vật chất, đối tượng thanh tra thường muốn giảm nhẹ tính chất, mức độ vi phạm được phát hiện; nếu cán bộ thanh tra không có bản lĩnh chính trị vững vàng thì rất dễ xảy ra vi phạm. Do vậy, riêng với ngành mình, ông cũng đã có chỉ đạo xử lý triệt để.

 

Cụ thể, trong 3 năm qua (2011 - 2013), nội bộ ngành Thanh tra đã tiến hành xử lý kỷ luật 82 cán bộ, công chức, chiếm 0,3% trên tổng số 28.200 cán bộ, công chức (trong đó: Xử lý hành chính 71 người, xử lý hình sự 11 người có dấu hiệu và hành vi tham nhũng). Riêng TTCP đã xử lý kỷ luật 12 công chức…

 

Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh cũng cho hay, dự báo trong thời gian tới, tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, tinh vi và khó phát hiện, tham nhũng nghiêm trọng chiếm tỷ lệ lớn, trong khi thực tế thu hồi còn thấp, chưa đến 15%; hành vi tham nhũng đa dạng, phát sinh hầu hết ở các lĩnh vực; đặc biệt cơ chế xin - cho nảy sinh ở cả những lĩnh vực nhạy cảm...

 

Do vậy, thời gian tới, cần hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực, trong đó chú trọng các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao; tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tăng cường địa vị pháp lý, trách nhiệm, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng. Cùng với đó, cần thực hiện đồng bộ, có hiệu quả 9 nhóm giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí như: Công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; quy định xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng…

 

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình trả lời về vụ án Nguyễn Đức Kiên

 

Tại phiên chất vấn, các ĐB cũng đã đề cập đến vụ án đang được dư luận quan tâm hiện nay là vụ Nguyễn Đức Kiên. Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đã trả lời về vụ án này.

 

Chánh án cho biết, vụ án này, Tòa án đã xét xử theo trình tự sơ thẩm, xét xử trên nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa để xem xét toàn diện chứng cứ buộc tội, gỡ tội và đối chiếu với quy định của pháp luật để xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm. Việc ra quyết định tuyên án, kết án với người phạm tội phải kết hợp nguyên tắc trừng trị với khoan hồng.

 

Vụ án Nguyễn Đức Kiên, TAND TP Hà Nội đã xét xử sơ thẩm, về nguyên tắc, HĐXX độc lập và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. HĐXX đã tuyên bản án với các bị cáo, trong đó, bị cáo Nguyễn Đức Kiên bị truy tố với 4 tội danh: “Kinh doanh trái phép”, VKS đề nghị 18-24 tháng tù, Tòa án tuyên 20 tháng tù; tội “Trốn thuế”, VKS đề nghị 4-5 năm tù, Tòa tuyên 6 năm 6 tháng tù; tội “Cố ý làm trái”, VKS đề nghị 14-16 năm tù, HĐXX tuyên 18 năm tù; tội “Lừa đảo”, VKS đề nghị 16-18 năm tù, Tòa án đã tuyên 20 năm tù. Tổng hợp hình phạt đối với Nguyễn Đức Kiên là 30 năm tù.

 

Đây là trường hợp phạm nhiều tội, theo Điều 50 BLHS, mức cao nhất là 30 năm tù. Mức án Tòa tuyên cao hơn đề nghị của VKS so với các tội Nguyễn Đức Kiên phạm tội. Mức án 30 năm tù so với một đời người có lẽ không thấp. HĐXX còn tuyên phạt ba lần tiền trốn thuế là 75 tỷ đồng; phạt 100 triệu đồng đối với tội “Lừa đảo”, cấm hành nghề  liên quan đến hoạt động ngân hàng là 5 năm. Tại Tòa, HĐXX cũng đã khởi tố tiếp hai vụ án hình sự và yêu cầu VKS xem xét trách nhiệm hình sự của nhiều trường hợp khác. Chánh án cho rằng, bản án đã tuyên khá toàn diện. Nếu bản án có kháng cáo thì Tòa án sẽ tiếp tục xem xét theo trình tự phúc thẩm.

 

 

 

Mai Thoa