Thủ tướng: Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 ít nhất đến ngày 22/4 tại 12 tỉnh, thành

Chính trị - Ngày đăng : 18:31, 15/04/2020

10 tỉnh, thành phố và 2 đô thị trung tâm sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 22/4 hoặc 30/4, tùy tình hình cụ thể về lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.

Thủ tướng: Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 ít nhất đến ngày 22/4 tại 12 tỉnh, thành

Thủ tướng: 10 tỉnh, thành phố và 2 đô thị trung tâm sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 22/4 hoặc 30/4

Chiều 15/4, Thường trực Chính phủ đã có cuộc họp với Ban Chỉ đạo quốc gia và các bộ, ngành, địa phương dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc để đánh giá tình hình thực hiện Chỉ thị 16 và thảo luận các biện pháp thực hiện cách ly xã hội trong giai đoạn tiếp theo.

Tiếp tục cách ly theo tình hình cụ thể

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 kiến nghị Thủ tướng, Thường trực Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện “cách ly xã hội” theo Chỉ thị 16.

Qua tình hình dịch bệnh của các tỉnh, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid-19 chia các địa phương thành 3 nhóm nguy cơ lây nhiễm cao, trung bình và nguy cơ thấp.

Ban Chỉ đạo cũng đã nhận được báo cáo của 58 tỉnh, thành phố. Trong đó, 24 tỉnh đề nghị thực hiện giãn cách xã hội hết tháng 4, 3 địa phương đề nghị thực hiện thêm 1 tuần, 2 tỉnh đề nghị tiếp tục Chỉ thị 16 đén khi không còn ca nhiễm thứ phát, 3 nơi đề nghị giãn cách tỉnh với tỉnh, 3 tỉnh đề nghị ngừng thực hiện cách ly xã hội đối với nơi chưa có dịch...

Tại cuộc họp, các kiến nghị của Ban Chỉ đạo đã được Thường trực Chính phủ thảo luận. 

Sau gần 3 tiếng lắng nghe các ý kiến, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đây là một quyết định rất khó khăn vì có nhiều ý kiến khác nhau do đòi hỏi của cuộc sống, công tác phòng, chống dịch bệnh và nhu cầu của người dân. Thủ tướng cho biết đã nhận được nhiều nguồn thông tin đề xuất theo nhiều phương án khác nhau xung quanh việc triển khai các biện pháp tiếp tục cách ly xã hội trong giai đoạn tới.

Theo Thủ tướng mặc dù đạt được thành tích nhất định, nhưng trên thế giới, dịch bệnh vẫn hoành hành, số người nhiễm và tử vong tăng cao; trong nước tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm trong xã hội. Thủ tướng nêu rõ, chúng ta không được lơi lỏng, chủ quan, không được phép lơ là, mất cảnh giác.

Nhấn mạnh tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Thủ tướng nêu rõ mục tiêu bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Nếu làm điều gì khinh suất, bị động, sẽ xóa đi thành quả to lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong thời gian qua.

Kiên định các chiến lược đề ra là ngăn chặn, phát hiện nhanh, cách ly, khoanh vùng, dập dịch triệt để và điều trị hiệu quả với mục tiêu bao trùm là kiềm chế, kiểm soát tốc độ lây nhiễm ở mức thấp nhất, hạn chế tử vong, đồng thời giảm thiểu tác động đến kinh tế-xã hội.

Trong chỉ đạo, cần từng bước giảm dần các biện pháp giãn cách xã hội một cách thận trọng, đồng bộ, có bước đi phù hợp với hoàn cảnh của mỗi tỉnh, thành phố, mỗi địa phương, để vừa phòng chống dịch hiệu quả tích cực, vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Với tinh thần đó, Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Ban Chỉ đạo quốc gia về phân loại nguy cơ dịch bệnh giữa các địa phương dựa trên một số tiêu chí như các phân tích dịch tễ học, tình hình dịch bệnh hiện nay, khả năng ứng phó, đặc điểm dân số, giao thông, có nhiều người nước ngoài đến, có nhiều ca lây nhiễm…

Đồng ý chia thành 3 nhóm: Nhóm có nguy cơ cao, nhóm có nguy cơ và nhóm có nguy cơ thấp. Các nhóm này không phải bất biến. Cuộc họp sau sẽ xem lại các nhóm này để điều chỉnh phù hợp.

Nhóm có nguy cơ cao gồm 12 địa phương: Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hoà, Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Hà Tĩnh.

Thủ tướng nêu rõ, 10 tỉnh, thành phố và 2 đô thị trung tâm nói trên sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 22/4 hoặc 30/4, tùy tình hình cụ thể về lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Cũng có thể trong phiên họp tới, bổ sung một số địa phương vào nhóm này nếu xảy ra tình trạng lây nhiễm.

Tuy là nhóm có nguy cơ cao nhưng nhóm này cũng cần quan tâm đến sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, giao thông.

Với nhóm nguy cơ gồm 15 địa phương là Bình Dương, Thái Nguyên, Cần Thơ, Nam Định, Hà Nam, Nghệ An, Hải Phòng, Kiên Giang, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Lạng Sơn, An Giang, Bình Phước, Đồng Tháp, Sóc Trăng.., kết hợp thực hiện tốt Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 đến ngày 22/4. Quyết định tiếp theo sẽ được đưa ra vào ngày 22/4 tùy vào tình hình dịch bệnh.

Nhóm nguy cơ thấp gồm 36 địa phương còn lại tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 15 của Thủ tướng.

Thủ tướng giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cụ thể việc thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp áp dụng cụ thể trên địa bàn của mình một cách phù hợp, nghiêm túc theo các cấp độ.

Khơi thông nền kinh tế khi ngăn chặn dịch thành công

Về tình hình phòng chống Covid-19, với phác đồ điều trị hiệu quả, Thủ tướng cho biết, điều đáng tự hào là Việt Nam chưa có ca nào tử vong. Thủ tướng nhấn mạnh, chính sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự ủng hộ của nhân dân cùng với sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, nước ta mới đạt được điều đó.

Thủ tướng trân trọng đánh giá cao các y bác sĩ, lực lượng vũ trang, các nhà khoa học, các doanh nghiệp sản xuất các trang thiết bị y tế và thuốc men đã nỗ lực trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Các địa phương trong quá trình phòng, chống dịch vẫn nỗ lực thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội. Đây là cố gắng lớn để không để nền kinh tế bị đổ gãy, vẫn đạt tăng trưởng 3,82% trong quý 1.

Thủ tướng lưu ý phải có biện pháp thận trọng, phù hợp để từng bước đưa cuộc sống trở lại với hình bậc thang với yêu cầu phòng dịch chặt chẽ, kịp thời. Bởi chống dịch cần nguồn lực rất lớn và đảm bảo sự ổn định, đảm bảo an sinh.

Thủ tướng cho biết sẽ có một Chỉ mới triển khai các nhiệm vụ cụ thể. Chiến lược phòng chống dịch hiệu quả phải bảo đảm duy trì sự liên tục của nền kinh tế ở mức độ nhất định, khơi thông nền kinh tế khi ngăn chặn dịch thành công. 

Thực hiện ngay gói an sinh xã hội với tinh thần cứu trợ như cứu hỏa

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục kéo dài chính sách kiểm soát xuất nhập cảnh như hiện nay cho đến 30/4. Xem xét giải quyết cho những người Việt Nam ở nước ngoài có yêu cầu cấp thiết và hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về nước. Duy trì cách ly tập trung bắt buộc đối với người từ nước ngoài vào Việt Nam.

Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động trực tuyến: Học trực tuyến, thanh toán trực tuyến…; khuyến khích cán bộ làm việc tại nhà. Các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và người đứng đầu các cơ quan nhà nước quyết định cụ thể việc này để đảm bảo công việc thông suốt, chất lượng, đúng kế hoạch, nhất là những công việc có thời hiệu, thời hạn.

Thủ tướng giao Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đảm bảo việc thực hiện Chỉ thị 16, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để răn đe, đặc biệt sắp đến dịp lễ 30/4.

Bộ Y tế hướng dẫn tổ chức 23 đội phản ứng nhanh để có thể kịp thời hướng dẫn ứng phó tại chỗ theo tinh thần của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hỗ trợ năng lực, kĩ thuật cho tuyến y tế địa phương. Nghiên cứu về các yếu tố lây nhiễm với các ngưỡng, xây dựng phương án ứng phó với các ngưỡng lây nhiễm khác nhau.

Bộ Công Thương sẵn sàng công tác dự trữ để phục vụ nhân dân. Bộ Giao thông Vận tải chuẩn bị phương án vận tải người dân ở nước ngoài về nước. Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị báo cáo Chính phủ về phương án học tập, nếu đảm bảo an toàn xem xét cho các địa phương nguy cơ thấp có thể đi học.

Báo chí truyền thông hướng dẫn người dân, phản ánh toàn bộ bức tranh về phòng chống dịch, tránh gây hoang mang, lo lắng. Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, UBND các tỉnh thành phố triển khai hiệu quả công tác an sinh xã hội.

Thủ tướng yêu cầu thực hiện ngay gói an sinh xã hội với tinh thần cứu trợ như cứu hỏa, không thể để chậm trễ hơn vì người lao động đang rất khó khăn, không vì thủ tục mà kéo dài việc hỗ trợ.

Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ soạn thảo một chỉ thị mới trình Thủ tướng Chính phủ trên các tinh thần nêu trên.

Ngày 31/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Chỉ thị số 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

Thủ tướng yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác.

Cùng với đó, phải thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người nơi công cộng.

Theo Thủ tướng, các giải pháp theo Chỉ thị 16 mang tính “tiền khẩn cấp”, là để giãn cách xã hội. Việc cách ly toàn xã hội mới chỉ dừng lại ở việc thuyết phục, vận động nhân dân tự giác chấp hành, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình. Chính phủ chưa tính đến việc phong tỏa các thành phố lớn.

 

Xuân Lan