Nỗi đau... con giết cha
Tòa tuyên án - Ngày đăng : 16:07, 13/09/2014
Thấy ấm ức trong lòng, Linh nảy sinh ý định giết chết cha mình nên đã mua 2 con dao chuẩn bị trước, rồi một ngày định mệnh Linh đã nhẫn tâm tước đi mạng sống của cha…
Những nhát dao oan nghiệt!
Ngày 13-9, TAND TP. Đà Nẵng đưa bị cáo Nguyễn Phước Linh (tên gọi khác Chương, 1991, trú tổ 155, P. Hòa Khánh Nam, Q. Liên Chiểu, Tp Đà Nẵng) ra xét xử về tội danh “Giết người”, tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm đ và điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS. Nạn nhân trong vụ án đau lòng này là ông Nguyễn Đức Thương, cha ruột của Nguyễn Phước Linh. Ông Thương làm nhân viên bảo vệ cho Công ty TNHH – DV – MT Ánh Dương (Cty Ánh Dương), trụ sở đặt tại phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, Tp.Đà Nẵng.
Bị cáo Linh tại tòa
Mâu thuẫn giữa hai cha con có lẽ cũng bắt nguồn từ năm 2013 khi ông Thương được bà Nguyễn Đặng Mỹ Uyên, Giám đốc Cty Ánh Dương cho mượn một phần đất để làm rẫy trồng cây chăn nuôi và ông Thương để Linh trực tiếp thực hiện công việc chăn nuôi vịt xiêm (ngan), heo rừng và trồng bắp (ngô). Tuy nhiên, vì chưa có kinh nghiệm nên Linh nuôi vịt, không đạt kết quả, khiến ông Thương không đồng tình và thường xuyên la mắng, chê bai, trách móc vì vậy giữa hai cha con xảy ra cãi vã nhiều lần. Linh thấy bực tức và nảy sinh ý định giết chết cha mình cho “bỏ cục tức” nên đã mua 02 con dao chuẩn bị trước để sẵn trong cốp xe máy.
Vào khoảng 14 giờ 30 phút, ngày 1.4.2014, Linh đi xe máy từ nhà đến rẫy, khi đi vào trước cổng Cty Ánh Dương thì gặp ông Thương, ông Thương la mắng Linh và cho rằng việc nuôi heo rừng và trồng bắp của Linh sẽ thất bại như đã nuôi vịt xiêm trước đó, Linh bực tức cãi vã với ông Thương một hồi rồi bỏ đi vào rẫy cuốc đất.
Bỏ đi là vậy nhưng Linh không sao xua tan được những câu nói của cha, càng nghĩ Linh càng thấy ức. Khoảng 15 giờ 45 phút cùng ngày, Linh đã thấy mệt mỏi rồi bỗng nhớ “bai lai” chuyện đã xảy ra cãi vã với cha mình nên nhặt 4, 5 cục đá núi, có kích thước khoảng vừa nắm trong lòng bàn tay đựng trong ca nhựa; mở nắp cốp xe máy lấy 2 con dao đã chuẩn bị từ trước cho vào túi quần, tay cầm ca đựng đá, đi bộ đến chỗ ông Thương đang làm việc (phòng bảo vệ của Công ty Ánh Dương). Khi Linh đi gần đến, thì nhìn thấy ông Thương đang đứng nói chuyện với bà Nguyễn Đăng Mỹ Uyên, Giám đốc Cty Ánh Dương, tại vị trí, phía trong cổng công ty, cách giữa Linh và ông Thương khoảng 4 đến 5 mét.
Lực lượng Công an dẫn giải bị cáo ra xe trở về nơi tạm giam
Lúc này Linh đặt ca đựng đá xuống đất, tay cầm đá giơ lên ném tới hướng ông Thương; bà Uyên và ông Thương đều hoảng hốt, la lớn tiếng 2 lần: “cái chi rứa mi” “việc gì vậy con” nhưng cục đá Linh ném ra trước không trúng ai cả. Ông Thương bỏ chạy về phía phòng bảo vệ, bà Uyên đứng tại chỗ, Linh 2 tay cầm 2 cục đá đuổi theo ông Thương ném liên tục, bấy giờ thì cả 2 cục đá đều trúng vào người ông Thương (1 cục trúng vào vùng lưng, 1 cục trúng vào vùng chẩm gáy sau). Vẫn chưa thấy nguôi cơn giận, Linh tiếp tục nhặt 1 viên gạch ném tiếp, trúng vào cửa sổ phòng bảo vệ, làm vỡ kính. Ngay lúc đó, Linh thò tay vào trong túi quần lấy ra 2 con dao, cầm trên cả hai tay đuổi theo đâm vào vùng ngực và bụng ông Thương nhiều nhát. Trong phòng bảo vệ khi xảy ra vụ việc có ông Nguyễn Quang Hồng và ông Nguyễn Tám đang mắc bóng đèn điện, thấy Linh 2 tay cầm dao đuổi theo đâm ông Thương, 2 người đều hoảng sợ, bỏ chạy ra ngoài, cùng với bà Uyên kêu cứu. Ông Thương bị đâm rất nhiều nhát nhưng vẫn cố gắng chạy ra khỏi phòng bảo vệ, Linh vẫn tiếp tục đuổi theo sau; khi ông Thương chạy đến đống gạch, ông nhặt một viên gạch, ném về phía Linh nhưng Linh tránh né được, Linh xông tới áp sát vào người ông Thương đâm 1 nhát dao trúng vào cổ, ông Thương ngã gục xuống đất nằm sấp người bên cạnh đống gạch.
Thấy cha ngã quỵ, Linh vẫn chưa tha, xông tới ngồi đè lên người ông Thương, 2 tay cầm 2 con dao, đâm liên tục vào vùng sau gáy và cổ rất nhiều nhát, do đâm quá mạnh nên lưỡi dao cắt đứt lòng bàn tay của Linh và con dao cầm bên tay phải bị gãy nên Linh vứt nó ra một bên, chuyển ngay con dao cầm từ bên tay trái sang tay phải tiếp tục đâm ông Thương cho đến khi ông nằm bất động và nghe có tiếng kêu khóc của bà Uyên, thì Linh dừng lại, bỏ đi, tay cầm dao chạy lên rẫy, vứt con dao trong bụi cây cỏ rồi vào nhà tạm trong rẫy thay quần áo, lấy xe máy chạy ra đường Hoàng Văn Thái đi tìm nơi mua băng, bông và o-xy già để rửa vết thương cho mình. Bà Uyên chạy ra đường Hoàng Văn Thái kêu người dân vào cứu. Khi Linh quay lại hiện trường thì bị lực lượng Cảnh sát bắt giữ. Tại bản Kết luận Giám định pháp y về tử thi số 100/2014/GĐ-PY ngày 29.4.2014 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an Tp. Đà Nẵng, các vết thương trên người ông Nguyễn Đức Thương gây đứt khoang gian sườn, đứt sụn sườn, thủng tim, đứt phổi dẫn đến mất máu, suy hô hấp, trụy tim mạch và tử vong.
Trước nhiều thông tin cho biết, Linh là đối tượng “thần kinh có vấn đề” nên mới đẫn đến những hành động quá dã man như vậy. Vì vậy, Viện Kiểm sát nhân dân Tp. Đà Nẵng đã có Quyết định số 01/VKS-P2 trưng cầu Trung tâm pháp y tâm thần Tp. Đà Nẵng yêu cầu giám định tình trạng tâm thần của Nguyễn Phước Linh. Tại biên Bản giám định pháp y tâm thần số 78/BB-TTPYTT ngày 16.07.2014 của Trung tâm pháp y tâm thần Tp. Đà Nẵng kết luận: Trước, trong và sau khi gây án bị can Nguyễn Phước Linh sức khỏe tâm thần bình thường. Sau khi xảy ra vụ án, bị cáo chỉ bị trầm cảm mức độ nhẹ.
Và nỗi đau… con giết cha
Ngày xét xử con, bà Nguyễn Thi Công không có mặt, không phải bà “tham công tiếc việc” mà bởi một lý do khi nêu ra những người có mặt tại hội trường đều ngậm ngùi: … bà đang lang thang vì căn bệnh tâm thần. Người thân của Linh đến tòa có bà cô và em người em trai Nguyễn Phước Trình. Tất cả họ đều không giấu được nỗi khổ đau quá lớn. Giờ, cha đã không còn, Linh là trụ cột chính của gia đình giờ lại vướng vào lòng lao lý vì vậy nỗi đau như càng nhân lên.
Vốn là một thanh niên khỏe mạnh, thông minh và chịu khó bây giờ thân mang cảnh tù tội, không chỉ vậy Linh lại “quàng” lên mình một tội lỗi không thể dung tha đó là giết cha mình. Đứng trước vành móng ngựa, Linh không thể và cũng không ai có thể chấp nhận được cho bị cáo trước những lời phân bua về lý do. Những nhát dao oan nghiệt đã vĩnh viễn tước đi mạng sống người đã cho Linh hình hài và sự sống, vì vậy với Linh chỉ có thể gọi lên hai tiếng “Tội đồ”. Hành vi của Linh không ai có thể chấp nhận, tuy nhiên xét ở một chừng mực nào đó, cũng có thể cảm thông vì Linh quá bị ức chế. Với Linh, sau những giây phút “cuồng điên” đó xảy ra, sự ăn năn hối hận đã đong đầy. Giờ đây, cha không còn, dẫu Linh có “thèm” được nghe những lời cằn nhằn của cha đến mức nào đi chăng nữa đó cũng là điều không thể. Nỗi đau đó sẽ gặm nhấm, vấn riết bị cáo cho đến suốt cuộc đời. Những vết thương do dao để lại trên cơ thể của Linh rồi cũng đến lúc bịt miệng, bò da nhưng vết thương lòng thì muôn đời máu vẫn rỉ.
Tại tòa, Linh đã khóc, trong những giọt nước mắt rớt xuống có sự hối hận, ăn năn… nhưng ẩn sâu trong đó là nỗi đau giết cha và thêm một nỗi đau khiến bệnh của mẹ thêm trầm trọng. Linh biết rằng cuộc sống gia đình của mình vốn có những lúc được gọi là bĩ cực, nhưng có lẽ giờ đây Linh không thể dùng từ ngữ nào để gọi tên nỗi khổ đó ra. Mẹ suốt ngày lang thang, em đang tuổi đến trường không có tiền để sống… bản thân là lao động chính lại đưa tay mở cánh của tù như một sự trốn chạy vào miền tăm tối. Tội của bị cáo Linh đặc biệt nghiêm trọng thuộc khung hình phạt cao nhất đó là tử hình. Viện kiểm sát tham gia phiên tòa đề nghị mức án chung thân đối với bị cáo. Luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng mức án này là quá nghiêm khắc đối với bị cáo, cần xem xét đến hoàn cảnh gia đình của bị cáo là đặc biệt khó khăn, bị cáo là lao động chính. Tại tòa bị cáo đã thành khẩn khai báo… nên cần áp dụng các tình tiết giảm nhẹ. Bên cạnh đó luật sư cũng yêu cầu HĐXX xem xét khi lượng hình bởi bị cáo còn có thêm tình tiết giảm nhẹ đó là “khắc phục hậu quả” nên cần tuyên bị cáo mức án có thời hạn để bị cáo còn quay về nuôi mẹ bệnh tật.
Sau khi xem xét HĐXX nhận thấy hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng nên tuyên phạt bị cáo Linh mức án chung thân.