Vụ kiện Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận: Hai tình huống pháp lý và những hệ luỵ

Tòa tuyên án - Ngày đăng : 18:28, 28/07/2014

Sáng 28/7, TAND TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ việc ông Hoàng Xuân Quế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng-Tài chính (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) khởi kiện ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về quyết định hủy bỏ học vị Tiến sỹ của ông Quế.

Ông Hoàng Xuân Quế khởi kiện ông Phạm Vũ Luận về quyết định hủy bỏ học vị Tiến sỹ của ông Quế do “đạo văn” trong Luận án bảo vệ năm 2003. Tuy nhiên, Thẩm phán đã quyết định hoãn phiên toà đến ngày 4/8 tới vì một trong hai người được uỷ quyền thay mặt ông Phạm Vũ Luận vắng mặt. Đây là lần đầu tiên một cán bộ trong ngành kiện một Bộ trưởng, dự kiến sẽ có nhiều tình huống pháp lý và hệ luỵ nảy sinh…

Tạm hoãn phiên toà

Thẩm phán phiên toà, ông Hoàng Chí Nguyện đã ra quyết định tạm dừng phiên toà để đưa ra xét xử vào ngày 4/8 với lý do một trong hai người được Bộ trưởng ủy quyền với tư cách bị đơn là bà Đặng Thu Huyền, Phó Chánh Thanh tra Bộ đã vắng mặt do đi công tác tại TP.Hồ Chí Minh.  Mặc dù luật sư Ngô Thị Thu Hằng, người bảo vệ cho ông Hoàng Xuân Quế đã có yêu cầu đề nghị phiên toà tiếp tục do việc vắng mặt bà Huyền không ảnh hưởng tới quá trình xét xử nhưng Thẩm phán đã áp dụng khoản 1 điều 131 Bộ luật Tố tụng hành chính để hoãn phiên toà. 

Vụ kiện Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận: Hai tình huống pháp lý và những hệ luỵ

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận

Trước đó, ngày 11/10/2013, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ra Quyết định số 4674/QĐ-BGDĐT thu hồi bằng Tiến sỹ đối với ông Hoàng Xuân Quế do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành. Sau đó, TAND TP.Hà Nội đã chính thức thụ lý vụ kiện hành chính Bộ trưởng Phạm Vũ Luận. Tuy nhiên, sự việc có nhiều diễn biến phức tạp. Sau khi TAND TP Hà Nội quyết định thụ lý vụ kiện trên, Thẩm phán Hoàng Chí Nguyện đã ký quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tạm đình chỉ thi hành quyết định của Bộ trưởng về thu hồi bằng Tiến sỹ đối với ông Hoàng Xuân Quế. Song quyết định này sau đó ít ngày lại bị chính Phó Chánh án TAND TP.Hà Nội Nguyễn Tuấn Vũ hủy bỏ do chưa đủ cơ sở pháp lý.

Điều đó cho thấy những diễn biến pháp lý phức tạp xung quanh phiên toà. Bản thân ông Quế mặc dù tuyên bố việc ông khởi kiện Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ra Tòa không có nghĩa là ông muốn “đấu” với Bộ GD&ĐT, cũng không có ý nghĩa thắng - thua, song ông cũng kiên quyết “Tôi sẽ đi đến cùng sự việc này cho dù có phải lên các cấp Tòa cao hơn”. Một số giảng viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân phản ánh, ông Hoàng Xuân Quế đã công bố khắp trường sau khi có quyết định của Thẩm phán tạm đình chỉ thi hành quyết định của Bộ trưởng về thu hồi bằng Tiến sỹ đối với ông Hoàng Xuân Quế. 

Vụ kiện Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận: Hai tình huống pháp lý và những hệ luỵ

Ông Hoàng Xuân Quế

Những hệ lụy pháp lý?

Thực tế cho thấy, gần một năm qua, sau khi hàng chục cơ quan báo chí đăng tải về sự việc và tới khi Toà án thụ lý, vụ việc diễn biến khá chậm dù những chứng lý đã được Bộ GD&ĐTphối hợp chặt chẽ với Cục An ninh chính trị nội bộ (A83), Viện Khoa học kỹ thuật hình sự - Bộ Công an để xác minh và giám định cẩn trọng, khách quan. Kết luận tố cáo số 1254/KL-BGDĐT ngày 4/10/2013 đối với ông Hoàng Xuân Quế cũng đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký gửi báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và Thanh tra Chính phủ.

Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cũng cho rằng: Công dân nào cảm thấy quyền lợi bị xâm phạm thì đều có quyền khởi kiện cơ quan, cá nhân mà họ cho là xâm phạm đến quyền lợi của họ ra Tòa án dân sự. Vụ kiện Bộ trưởng Bộ GD&ĐT của ông Hoàng Xuân Quế là chuyện hoàn toàn bình thường trong một Nhà nước pháp quyền. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã nhận được thông báo của TAND TP. Hà Nội và với trách nhiệm của mình, đã chuẩn bị các tài liệu liên quan đến vụ kiện theo thủ tục như Tòa án yêu cầu.

Tuy nhiên, những diễn biến sáng 28/7 cho thấy, dường như Bộ GD&ĐT vẫn chưa chuẩn bị thật sự kỹ lưỡng cho phiên toà. Ngoài một Phó Vụ trưởng được uỷ quyền thay mặt cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì không có cán bộ nào có mặt tại phiên toà.

Xung quanh phiên toà này, các chuyên gia pháp lý lo ngại nhiều tình huống pháp lý có thể nảy sinh. Dù diễn biến như thế nào thì đây cũng là phiên toà hy hữu và liên quan nhiều tới việc hoàn thiện hành lang pháp lý trong quản lý đào tạo sau đại học ở nước ta cũng như cuộc chiến chống nạn “đạo văn”. Kết quả phiên toà sẽ gợi mở nhiều điều đối với con đường đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29 của Trung ương. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Nam Tiến