Mở nhưng không buông

Chính trị - Ngày đăng : 16:56, 31/05/2014

Thảo luận về dự án Luật Doanh nghiệp (DN) sửa đổi và Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh (Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước), nhiều ĐBQH cho rằng dự luật đã thông thoáng, cởi mở hơn so với luật hiện hành.

Đó là nội dung quy định điều kiện để đăng ký thành lập DN của DN cá thể là có bản sao CMND, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác.

Mở nhưng không buông

Đại biểu Hồ Văn Năm phat biểu tại buổi thảo luận

Xung quanh việc có ghi và không ghi ngành nghề kinh doanh vào giấy phép đăng ký kinh doanh theo dự luật, có ĐB nhận xét dí dỏm là, cấp giấy đăng ký kinh doanh cũng giống như làm khai sinh cho con; còn khi lớn lên, nó ăn trộm, cướp là chuyện khác. Nếu vì vi phạm mà truy tố người cấp giấy khai sinh thì ai sẽ cấp ĐKKD cho DN ?

Ý tưởng cởi mở tối đa cho DN tự do trong kinh doanh có ý kiến lưu ý sự thông thoáng luôn mâu thuẫn với quản lý DN và không cẩn thận có thể dẫn đến lộn xộn. ĐB này dẫn ra tình trạng DN “ma” lừa đảo, trốn thuế, nợ thuế, đòi hỏi phải tăng cường quản lý, kiểm soát. Tuy nhiên, quy định trách nhiệm của DN chưa ổn. Quá nhiều DN đăng ký nhưng tồn tại hay không thì không ai biết. Mời DN lên phổ biến pháp luật, DN cũng không có mặt. Dự Luật DN cần làm rõ công tác hậu kiểm.

Trong thảo luận, nhiều ĐBQH cho là không cần thiết có chương riêng về DNNN vì e sẽ đi ngược với quan điểm tạo môi trường kinh doanh sòng phẳng, bình đẳng. Đối với DNNN các ĐB đề nghị dự luật cần quy định Nhà nước được kinh doanh lĩnh vực gì, phải chế định mô hình quản trị DNNN trong lâu dài. Cuối cùng, phải giải quyết vấn đề về bộ chủ quản vì đang bị biến dạng; dường như không ai muốn DNNN tách khỏi các bộ dù đã có nghị quyết của Trung ương.

Dự luật chưa quy định rõ mối quan hệ Nhà nước với tư cách là ông chủ với người đại diện. Người đại diện trong hội đồng thành viên DN được Nhà nước cắt cử là theo kiểu gì? Bởi nếu điều hành DN tư nhân không có vốn là làm thuê; còn việc hiện nay Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc DNNN là là viên chức. Và chức danh này thực tế là làm thuê hay làm chủ cũng cần được làm rõ trong dự luật. Ban soạn thảo cũng cần phân định rõ ràng khái niệm về quyền, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu và việc giám sát hoạt động đầu tư mới dừng ở giám sát quá trình mà chưa sâu sát hiệu quả đầu tư.

Dự luật DN sửa đổi như các ĐB đánh giá là cởi mở thông thoáng hơn, rất cần được bổ sung hoàn thiện để Quốc hội thông qua, sớm ban hành đưa vào cuộc sống!

Bảo Dân