ĐBQH, Phó Chủ tịch LĐ Luật sư Việt Nam Trương Trọng Nghĩa: Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đã xây dựng trên những nguyên tắc nền tảng của quyền lực Nhà nước, trong đó có quyền tư pháp

Chính trị - Ngày đăng : 16:35, 31/05/2014

Hiến pháp năm 2013 đã quy định: TAND là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp.

TAND có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Trên cơ sở đó, TANDTC đã xây dựng dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) và đang được QH khóa VIII, kỳ họp thứ 7 đưa ra thảo luận. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Công lý đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

PV: Hiến pháp năm 2013 đã quy định TAND là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, vậy cần phải hiểu quyền tư pháp như thế nào, thưa ông?

Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Hiến pháp năm 2013 đã có những điểm đổi mới liên quan đến chức năng, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của hệ thống tư pháp và Tòa án. Những thay đổi này có nhiều điểm thể hiện sự dân chủ hơn, nghĩa là tăng cường việc bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân, quyền con người, quyền công dân; tăng cường hệ thống tư pháp để xây dựng “Nhà nước pháp quyền” và “Thượng tôn pháp luật”. Như vậy, trong toàn bộ hệ thống chính trị, chỉ có Tòa án có chức năng xét xử, thực hiện quyền tư pháp và để thực hiện quyền tư pháp thì trọng tâm là xét xử, điều này phù hợp với nhiều nước trên thế giới. Khi thực hiện chức trách của mình, nhiệm vụ hàng đầu của Tòa án là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

PV: Nhưng nhiều người vẫn cho rằng hoạt động công tố và điều tra là hoạt động tư pháp - ông có ý kiến thế nào về vấn đề này?

Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Hoạt động công tố hay điều tra không phải là hoạt động tư pháp; hoạt động điều tra hình sự thuộc về hành pháp, Viện kiểm sát thực hành quyền công tố cũng là thực hiện chức năng của hành pháp. Thực tế, nhiều nước trên thế giới, Tòa án thực hiện quyền tư pháp vươn ra đến cả giai đoạn điều tra, khởi tố và truy tố. Tòa án có quyền phê duyệt hay bác bỏ việc tạm giam; phê chuẩn hay bác bỏ các biện pháp trinh sát, biện pháp nghiệp vụ điều tra, thu thập chứng cứ khi có căn cứ cho rằng các hoạt động đó xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân hay có dấu hiệu trái luật.

Trước đây, Điều 126 Hiến pháp năm 1992 quy định: “TAND và VKSND có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế XHCN, bảo vệ chế độ XHCN và quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể, bảo vệ tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân”. Như vậy, Hiến pháp năm 1992 đồng nhất nhiệm vụ của TAND và VKSND, hơn nữa quy định nhiệm vụ “bảo vệ tính mạng, tài sản, tự do, danh dự, nhân phẩm của công dân” được đưa xuống dưới cùng.

Đến Hiến pháp 2013, chức năng của Tòa án đã được xác định lại, theo đó, Tòa án là cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp. Nhiệm vụ của Tòa án và Viện kiểm sát cũng đã tách biệt, có phần trùng nhau, nhưng có phần khác nhau. Nhiệm vụ của Tòa án được quy định tại khoản 3 Điều 102 Hiến pháp 2013: “TAND có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Nhiệm vụ “bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân” đã được đưa lên thành nhiệm vụ hàng đầu của Tòa án. Theo đó, quyền tự do của nhân dân, hạnh phúc của con người là mục đích của quyền lực Nhà nước, bao gồm cả quyền tư pháp. Ngay từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập (ngày 2/9/1945), tư tưởng và quan điểm xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”, có nghĩa là độc lập cho đất nước, tự do cho nhân dân, hạnh phúc cho con người. Hoạt động của Tòa án phải thực hiện được mục tiêu này nhằm xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

ĐBQH, Phó Chủ tịch LĐ Luật sư Việt Nam Trương Trọng Nghĩa: Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đã xây dựng trên những nguyên tắc nền tảng của quyền lực Nhà nước, trong đó có quyền tư pháp

Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam

PV: Như vậy, vai trò của Tòa án là rất quan trọng, muốn thực hiện được nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân thì cốt yếu phải làm gì, thưa ông?

Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Điều 3 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”. Quy định này nhấn mạnh bốn trách nhiệm của Nhà nước: Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Quy định này đặt ra trách nhiệm hết sức to lớn và nặng nề cho hệ thống tư pháp, trong đó có trách nhiệm cực kỳ quan trọng của TAND các cấp.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, ngoài việc hoàn thiện bộ máy tổ chức, nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, công chức nói chung thì cần bảo đảm tính độc lập của Thẩm phán, theo đúng khoản 2 Điều 103 của Hiến pháp 2013 đã quy định: “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm”. Đây là nguyên tắc phổ quát trên thế giới, phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Việc “nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm” có nghĩa là những quyết định, bản án được ban hành mà có sự can thiệp là vi hiến và vô hiệu, như vậy quyền hạn và tính độc lập của Thẩm phán, Hội thẩm được tăng lên. Muốn chống lại sự can thiệp, Thẩm phán phải có dũng khí và tinh thần vì công lý, đồng thời phải có trình độ và bản lĩnh.

PV: Là một chuyên gia pháp luật, đã tham gia các hội thảo góp ý xây dựng Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), vậy ông có nhận xét gì về Dự thảo Luật này?

Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Tôi cho rằng Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đã xây dựng dựa trên những nguyên tắc nền tảng của quyền lực Nhà nước, trong đó có quyền tư pháp. Đó là những nguyên tắc nền tảng quy định bản chất, tính chất, mục đích của Nhà nước, của chế độ, trong đó tư pháp là một trong ba bộ phận cấu thành. Dự thảo Luật này đã bám sát các điều từ Điều 1 đến Điều 4 Hiến pháp 2013, đó là những nguyên tắc chung cho toàn bộ hệ thống chính trị, cho toàn bộ Nhà nước.

Nói cách khác, khi thiết kế xây dựng Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), Ban soạn thảo đã tuân thủ những nguyên tắc chung đó, đồng thời nhấn mạnh cả những nguyên tắc liên quan trực tiếp đã tạo thành hệ thống những nguyên tắc nền tảng cho hệ thống tư pháp. Chắc chắn rằng, khi Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sẽ đáp ứng được yêu cầu của xã hội, của công dân trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

PV: Xin cảm ơn ông!

Trần Quang Huy (Thực hiện)