Việt Nam đã sẵn sàng cho cuộc chiến pháp lý

Chính trị - Ngày đăng : 16:34, 31/05/2014

Trước những hành động ngang ngược, leo thang gây căng thẳng của Trung Quốc trên Biển Đông, nhiều học giả quốc tế bày tỏ quan điểm ủng hộ Việt Nam, lên án hành động gây hấn và phi pháp của Trung Quốc.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa cho biết, Việt Nam cũng đã chuẩn bị cho việc sử dụng biện pháp đấu tranh pháp lý với Trung Quốc tại Tòa án quốc tế.

Bất chấp pháp luật quốc tế

Giáo sư Carlyle A. Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia nhấn mạnh, hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là gây hấn và bất hợp pháp bởi Trung Quốc hành động không dựa trên quy định của luật pháp quốc tế. Trung Quốc nói rằng giàn khoan được đặt trong vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, nhưng vùng lãnh hải được quy định là cách đường cơ sở của đảo 12 hải lý. Và tính từ đảo Tri Tôn thì giàn khoan của Trung Quốc cũng đặt ngoài khu vực này. Vậy thì nó không nằm trong vùng biển của Trung Quốc. Trung Quốc muốn sử dụng việc này để củng cố chủ quyền, tạo ra vùng chồng lấn với Việt Nam tại vùng Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) giả định của Trung Quốc và đặt sang bên câu hỏi về chủ quyền đối với vùng quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam cũng đang tranh chấp. Có nhiều cơ sở luật pháp quốc tế mà Trung Quốc có thể áp dụng, nhưng họ đã không làm vậy. Điều lo ngại hiện nay là Trung Quốc đã thiết lập được Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông. Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng ADIZ và tiến tới kiểm soát toàn bộ vùng Biển Đông, kiểm soát hoạt động khai thác các nguồn tài nguyên tại đây. Trung Quốc đặt giàn khoan trong EEZ của Việt Nam là bước đi nhằm củng cố tham vọng này.

Việt Nam đã sẵn sàng cho cuộc chiến pháp lý

Trung Quốc tập trung lực lượng sẵn sàng cản trở các hoạt động của tàu Việt Nam 

Trong khi đó, Giáo sư Ronald Clarke của Đại học Sydney nhận xét, việc Trung Quốc đặt giàn khoan tại Biển Đông cho thấy sự thiếu tôn trọng đối với nước láng giềng của mình, và nếu đó là vùng tranh chấp thì việc đưa giàn khoan vào cũng không phải là giải pháp. Biện pháp khôn ngoan là phải đối thoại. Trung Quốc cần ngừng các hành động như vậy, đối thoại với Chính phủ Việt Nam cũng như chính phủ các nước có tranh chấp với Bắc Kinh. Nên tổ chức một cuộc hội thảo bao gồm các bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, có sự tham gia của một vài đối tác độc lập để tìm ra giải pháp.

Andrew Billo, học giả nghiên cứu về khu vực Đông Nam Á của Asia Society có trụ sở tại New York: Đây rõ ràng là sự thất bại về phía Trung Quốc trong trách nhiệm phải hành động theo Tuyên bố chung về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký với ASEAN. Khu vực mà Trung Quốc đưa giàn khoan vào hiện nay nằm trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Việt Nam và như thế rõ ràng đang vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam có cơ sở vững chắc hơn về mặt pháp lý đối với vùng biển này so với Trung Quốc vì Trung Quốc tuyên bố chủ quyền chỉ dựa trên EEZ tính từ quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đang chiếm giữ. Trung Quốc, cũng như Việt Nam, đã tham gia UNCLOS, vì thế Trung Quốc cần phải tôn trọng quyền hợp pháp đã được khẳng định của Việt Nam đối với vùng biển này. Trung Quốc tiếp tục hành động theo cách bất chấp luật pháp quốc tế và không tôn trọng chủ quyền đã được công nhận của các quốc gia láng giềng.

Lý Lệnh Hoa, học giả hàng đầu Trung Quốc nói rằng, Trung Quốc là nước ký Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982, do vậy phải tôn trọng chủ trương thềm lục địa và vùng EEZ của các nước xung quanh.

Chiến thắng ban đầu

Tiến sỹ Ngô Như Bình, Chủ nhiệm Chương trình Tiếng Việt thuộc Bộ môn Văn minh và Ngôn ngữ Đông Á, Đại học Harvard cho rằng: Trung Quốc có tham vọng rất lớn tại Biển Đông và “đường lưỡi bò” là sự thể hiện rất rõ tham vọng bành trướng ấy. “Tại hội thảo về biển đảo tôi đứng ra tổ chức ở Havard tháng 1/2014, tôi đã mời các chuyên gia nước ngoài để nghe ý kiến của họ. Đường lưỡi bò không được ai thừa nhận cả”, Tiến sỹ Ngô Như Bình nói.

Tiến sỹ Tạ Văn Tài, luật sư, cựu giảng viên Trường Luật Harvard (Harvard Law School) thuộc Đại học Harvard: Trái với sự bàn luận của một số người, Trung Quốc không dùng "đường 9 đoạn", vốn không thể biện hộ được và bị tất cả các nước và học giả chất vấn, làm căn cứ cho sự xâm lấn. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nham hiểm tránh viện dẫn "đường 9 đoạn" vô căn cứ đó, mà dùng lập luận cơ bản về vùng EEZ của Trung Quốc và nói là giàn khoan “đặt hoàn toàn trong vùng nước của các đảo Tây Sa (Hoàng Sa)" mà UNCLOS sẽ công nhận cho Hoàng Sa nếu hội đủ điều kiện. Tiến sỹ Tạ Văn Tài khẳng định Hoàng Sa không phải của Trung Quốc mà là của Việt Nam.

Chuyên gia nghiên cứu Nguyễn Bá Chung thuộc Viện nghiên cứu William Joiner, Đại học Massachusetts Boston tin chắc với lịch sử làm chủ các hòn đảo đó (quần đảo Hoàng Sa) của Việt Nam trong quá khứ, chắc chắn Việt Nam sẽ thắng. Trung Quốc có thể sẽ không ra tòa vì họ biết họ thua. Thế nhưng cả thế giới sẽ thấy quyết định của Trung Quốc là sai và Trung Quốc khó có thể tiếp tục dùng sức mạnh để đàn áp các nước khác tại Biển Đông.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Dương của Đại học George Mason, cho rằng đưa Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài Quốc tế là một việc nên làm. Ông Hùng nói: “Rất nhiều người ở trong và ngoài nước đều nghĩ rằng Việt Nam nên kiện Trung Quốc hay đưa Bắc Kinh ra Tòa án Trọng tài Quốc tế để giải thích rõ điều nội hàm của đường lưỡi bò là gì. Đây là điều mọi người đều khuyên nên làm...”.

Giáo sư François Godement, Giám đốc phụ trách về châu Á-Trung Quốc của Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR) nhận định, ngoài việc xây dựng các mối liên kết hoàn toàn mới, Việt Nam nên nghiên cứu giải pháp pháp lý. Việt Nam không nên lao vào một cuộc xung đột. Trước nguy cơ bị đặt trước một việc đã rồi, ngoại giao Việt Nam nên xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với các đối tác lớn, như Mỹ, Nhật, Ấn Độ, ASEAN và cả Liên minh châu Âu (EU) để phát huy sức mạnh ngoại giao.

Ông Kurt Campbell, nhà cựu ngoại giao hàng đầu trong chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama về Đông Á, gần đây cũng nói rằng Mỹ đã quyết định thực hiện một cách tiếp cận quyết đoán hơn trong việc ép Trung Quốc phải rõ ràng về đường 9 đoạn bởi vì ASEAN đang ngày càng nản lòng vì các cuộc đàm phán thiếu tiến triển với Bắc Kinh.

Đài BBC mới đây bình luận: Việt Nam dường như đã có chiến thắng ban đầu, trong cuộc chiến tranh thủ dư luận quốc tế liên quan tới việc Trung Quốc đưa giàn khoan ra Biển Đông. Ngay đến tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc cũng đăng bài phần nào thừa nhận điều này. Báo này vừa qua đăng bài của cựu Phó Đề đốc Hải quân Australia Sam Bateman: “Việt Nam dường như đang chiến thắng cuộc chiến quan hệ đối ngoại, với nhiều bình luận toàn cầu ủng hộ tuyên bố của họ rằng, giàn khoan là trái phép và xem tình hình như ví dụ nữa về sự kiên quyết chiếm toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc”.

Ngày 26/5, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương trắng trợn nói rằng hoạt động của công ty dầu khí Trung Quốc nằm trong "vùng lãnh hải không thể tranh cãi của Trung Quốc". Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước những phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định: “Việt Nam kiên quyết bác bỏ những phát biểu sai sự thật của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền không tranh cãi của mình đối với quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc đã sử dụng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hành động của Trung Quốc đã vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế, việc chiếm giữ bằng vũ lực không thể đem lại chủ quyền cho Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa”.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa: Việc Trung Quốc di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là một bước leo thang trong chuỗi hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của chúng ta cũng như vi phạm luật pháp quốc tế. Về đối sách trước diễn biến mới này, ông Khoa khẳng định trước mắt Việt Nam vẫn kiên trì đấu tranh bằng giải pháp hòa bình trong đó đẩy mạnh tuyên truyền ra quốc tế để công luận thế giới ủng hộ chính nghĩa của Việt Nam. Đặc biệt, chúng ta sẽ xem xét biện pháp đấu tranh pháp lý, điều mà Việt Nam đã chuẩn bị.

Việt Nam đã sẵn sàng cho cuộc chiến pháp lý

Giáo sư Carlyle A. Thayer - Học viện Quốc phòng Australia:  Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng ADIZ và tiến tới kiểm soát toàn bộ vùng Biển Đông.

Việt Nam đã sẵn sàng cho cuộc chiến pháp lý

Phương Nam