Hoàng Sa, chủ quyền Việt Nam không thể tranh cãi (Kỳ 2)

Chính trị - Ngày đăng : 22:20, 29/05/2014

Năm 1884, Hòa ước Patenôtre 1884 buộc triều đình Huế chấp nhận quy chế độ bảo hộ ở Trung và Bắc Kỳ.

Ngày 9 / 6 /1885, Hòa ước Thiên Tân kết thúc chiến tranh Pháp-Thanh.

Ngày 26 /6 /1887, Pháp và nhà Thanh xúc tiến ấn định biên giới giữa Bắc Kỳ và Trung Hoa. 

Năm 1895 tàu Bellona của Đức  và năm 1896 tàu Imeji Maru của Nhật vận chuyển đồng bị đắm ở quần đảo Hoàng Sa. Ngư dân từ đảo Hải Nam ra mót lượm kim loại ở khu vực hai chiếc tàu bị đắm khiến công ty bảo hiểm của hai con tàu với trụ sở ở Anh gửi thư khiển trách nhà chức trách Trung Hoa. Chính quyền Trung Hoa trả lời là Trung Hoa không chịu trách nhiệm, vì Hoàng Sa không phải là lãnh thổ của Trung Hoa, và về hành chính các đảo đó không được sáp nhập vào bất cứ một huyện nào của đảo Hải Nam và không có nhà chức trách đặc biệt nào "phụ trách về an ninh trên các đảo đó".

Vào năm 1836 Đức Giám mục Taberd đã viết trong cuốn sách Địa dư, lịch sử và mô tả mọi dân tộc cùng với tôn giáo và phong tục của hội như sau: Tôi không kể dài dòng về những đảo thuộc Nam Kỳ, nhưng chỉ nhận xét rằng từ 34 năm nay, người Nam Kỳ đã chiếm cứ nhóm quần đảo Paracels mà người An Nam gọi là Cát Vàng hay Hoàng Sa, thực là những hòn đảo nhỏ bí hiểm, gồm những mỏm đá xen lẫn với các bãi cát mà những người đi biển đều kinh hãi. Tôi không rõ họ có thiết lập cơ sở gì ở đó không, nhưng chắc chắn rằng Hoàng đế Gia Long nhất định muốn mở rộng lãnh thổ của Hoàng Triều bằng cách chiếm quần đảo này, và vào năm 1816, ngài đã long trọng trương lá cờ tại đây.

Năm 1899, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đề nghị chính phủ Pháp xây ngọn hải đăng nhưng không thành vì thiếu ngân sách.

Đầu năm 1907, Nhật Bản chiếm Đông Sa làm cho các nhà cầm quyền miền Nam Trung Quốc quan tâm đến các đảo trên Biển Đông.

Năm 1920, Công ty Mitsui Busan Kaisha (Nhật) xin phép Pháp khai thác quần đảo Hoàng Sa. Pháp từ chối.

Bắt đầu năm 1920, Pháp kiểm soát quan thuế và tuần tiễu trên đảo.

8 tháng 3 năm 1921, Toàn quyền Đông Dương tuyên bố hai quần đảo: Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Pháp.

Bắt đầu từ năm 1925, Pháp tiến hành những thí nghiệm khoa học trên đảo do Tiến sĩ A.Krempf, Giám đốc Viện Hải dương học Nha Trang tổ chức thực hiện trên tàu lưới kéo De Lanessan. Sau đó, tàu hải dương học này lại thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu lần nữa vào tháng 7 năm 1927.

Năm 1929, phái đoàn Perrier Rouville đề nghị xây 4 hải đăng tại 4 góc quần đảo. Từ đó, nhiều chiến hạm Pháp đã tiến hành khảo sát Hoàng Sa: Thông báo hạm "La Milicieuse" (1930), "L’Incosntant" (tháng 3 năm 1931), pháo hạm "Aviso" (tháng 5 năm 1932).

Năm 1930, ba tàu Pháp, La Malicieuse, L’Alerte và L’Astrobale, chiếm quần đảo Trường Sa và cắm cờ Pháp trên quần đảo này.

Năm 1931, Trung Hoa cho đấu thầu việc khai thác phân chim tại quần đảo Hoàng Sa, ban quyền khai thác cho Công ty Anglo-Chinese Development. Ngày 4 tháng 12, chính phủ Pháp đã gửi một thông điệp cho công sứ quán Trung Quốc tại Paris về yêu sách các đảo.

Trong suốt các năm 1931-1932, Pháp liên tục phản đối việc Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Ngày 24 /4 /1932, Pháp tiếp tục phản đối ý đồ khai thác phân chim ở Hoàng Sa của Trung Quốc.

Năm 1932, Pháp chính thức tuyên bố An Nam có chủ quyền lịch sử trên quần đảo Hoàng Sa. Pháp sáp nhập quần đảo Hoàng Sa với tỉnh Thừa Thiên.

Năm 1932, Đông Dương thuộc Pháp sáp nhập quần đảo vào lãnh thổ của mình. Pháp lần lượt đặt một trạm khí tượng trên đảo Phú Lâm  mang số hiệu 48859 và một trạm khí tượng trên đảo Hoàng Sa mang số hiệu 48860.

Năm 1933, quần đảo Trường Sa được sáp nhập với tỉnh Bà Rịa. Pháp cũng đề nghị với Trung Quốc đưa vấn đề ra Toà án Quốc tế nhưng Trung Quốc từ chối.

Năm 1935, lần đầu tiên Trung Quốc chính thức công bố một bản đồ thể hiện cả 4 quần đảo trên Biển Đông là của Trung Quốc. Công hàm của Công sứ Trung Quốc ở Paris gửi Bộ Ngoại giao Pháp năm 1932 còn viết rằng: "Các đảo Tây Sa là bộ phận lãnh thổ Trung Quốc xa nhất về phía Nam".

Hoàng Sa, chủ quyền Việt Nam không thể tranh cãi (Kỳ 2)

Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trên đảo Lý Sơn. (Ảnh: Thông Thiện)

Năm 1938, Pháp cho đặt bia đá, xây hải đăng, đài khí tượng và đưa đội biên phòng người Việt ra để bảo vệ đảo Hoàng Sa của quần đảo Hoàng Sa. Bia khắc dòng chữ:"République française- Royaume d’Annam- Archipels des Paracels 1816-Île de Pattle 1938", tái khẳng định chủ quyền Việt Nam từ thời Gia Long. Ngày 30 tháng 3 năm1938, Vua Bảo Đại ra đạo dụ tách quần đảo Hoàng Sa khỏi địa hạt tỉnh Nam Ngãi nhập vào tỉnh Thừa Thiên. Đạo dụ ghi rõ: "Các cù lao Hoàng Sa thuộc về chủ quyền nước Nam đã lâu đời và dưới các tiền triều, các cù lao ấy thuộc về địa hạt tỉnh Nam - Ngãi. Nay nhập các cù lao Hoàng Sa vào địa hạt tỉnh Thừa Thiên". Ngày 15 tháng 6, Toàn quyền Đông Dương Jules Brévié đưa ra Nghị định thành lập một đại lý hành chính trên quần đảo Hoàng Sa.

Năm 1939, ngày 5 tháng 5, Jules Brévié đã sửa đổi Nghị định trước và thành lập hai đại lý trên quần đảo Hoàng Sa. Cùng năm, Đế quốc Nhật Bản tấn công và chiếm giữ quần đảo.

Ngày 9 tháng 3 năm 1945 đơn vị Đông Dương trên quần đảo Hoàng Sa bị Hải quân Nhật bắt làm tù binh. Năm 1946, Nhật Bản bại trận, phải rút lui. Người Pháp đưa một phân đội bộ binh trở lại Hoàng Sa nhưng đơn vị này chỉ ở lại vài tháng.

Năm 1946, dựa trên Tuyên bố Cairo và Tuyên bố Potsdam, 4 tàu chiến của Trung Hoa dân quốc đổ bộ lên quần đảo với lý do giải giáp quân Nhật. Ngày 7 tháng 1 năm 1947, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc tuyên bố họ đã chiếm giữ quần đảo Tây Sa nhưng thực ra mới chỉ chiếm đảo Phú Lâm mà họ gọi là đảo Vĩnh Hưng. Pháp phản đối và gửi quân Pháp-Việt trở lại đảo.

Năm 1947, ngày 17 tháng 1, pháo hạm Le Tonkinois của Hải quân Pháp đến quần đảo Hoàng Sa để đòi quân đội Tưởng Giới Thạch rút khỏi đây. Khi yêu cầu này bị từ chối, quân Pháp bèn đổ 10 quân nhân Pháp và 17 quân nhân Việt Nam chiếm giữ đảo Hoàng Sa. Chính phủ Trung Quốc phản kháng và cuộc thương lượng được tiến hành từ ngày 25 tháng 2 đến ngày 4 tháng 7 ở Paris. Tại đây, Trung Quốc đã không chấp nhận việc sử dụng Trọng tài quốc tế giải quyết do Pháp đề xuất. Ngày 1 tháng 12, Tưởng Giới Thạch ký một sắc lệnh đặt tên Trung Quốc cho hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và đặt chúng thuộc lãnh thổ Trung Quốc.

Tháng 4/1950, quân đội Tưởng Giới Thạch rút khỏi đảo Phú Lâm.

(Còn nữa)

Thái Văn