Việt Nam giương cao ngọn cờ chính nghĩa và công lý

Chính trị - Ngày đăng : 13:57, 23/05/2014

Theo nhà báo Lina Sankary, tờ Nhân đạo (L’Humanite) của Pháp: Việt Nam đã, đang và sẽ có được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế khi giương cao ngọn cờ chính nghĩa và công lý.

Quốc tế đoàn kết, ủng hộ Việt Nam

Bày tỏ quan điểm phản đối mạnh mẽ tham vọng bá quyền của Trung Quốc đe dọa đến hòa bình khu vực và thế giới, nhà báo Lina Sankary, người phụ trách viết bài về căng thẳng trên biển Đông của tờ Nhân đạo (L’Humanite), Pháp cho biết: Trong những ngày qua, có những đụng độ qua lại đáng lo ngại giữa Trung Quốc và Việt Nam quanh việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam đã được Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 công nhận. Phải nói rõ là Luật quốc tế công nhận chủ quyền của Việt Nam trong vùng biển này nên Trung Quốc không được phép có những hành động như thế.

Nhà báo Lina Sankary nói: Đây không phải là lần đầu tiên mà là từ vài năm nay chúng ta được chứng kiến những khiêu khích dùng sức mạnh kiểu này từ phía Bắc Kinh, không chỉ với Việt Nam mà còn với Nhật Bản hay Philippines. Đó là điều hết sức đáng lo ngại cho hòa bình trong khu vực nên cần phải kêu gọi mọi người phản ứng. Trong các tranh chấp với các nước, chiến lược của Trung Quốc luôn là dùng sức mạnh để áp đảo. Nói cách khác là họ đang tìm cách quân sự hóa các tranh chấp.

Việt Nam sẽ có sự ủng hộ và đoàn kết quốc tế ngày càng mạnh mẽ. Ngày nay, không một ai không nghi ngờ về thái độ của Trung Quốc tại Biển Đông và những điều này đều mang lại tác động đến ý kiến của công luận, của truyền thông và các đảng phái chính trị.

Nhà báo Lina Sankary nhận định: Ngay cả quan hệ kinh tế lớn giữa Trung Quốc và các nước phương Tây cũng không thể ngăn trở một sự đoàn kết như thế. Phía Việt Nam hoàn toàn có lý lẽ hợp pháp theo Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 và không ai mong muốn một cuộc xung đột lớn bùng nổ, thế nên một sự đoàn kết quốc tế với Việt Nam có thể dễ dàng được xây dựng.

Ngày 20/5, tờ Thế giới (Le Monde) của Pháp có bài viết với tựa đề: “Những mưu đồ đế quốc của Bắc Kinh khiến Việt Nam nổi giận”. Bài báo trên tờ Thế giới (Le Monde) nhận định: “Nói rằng Trung Quốc không tạo được sự tin tưởng, nhất là với các nước láng giềng, là một cách nói tránh cho lịch sự. Nói rằng Trung Quốc đang được nhận thức, với chiều hướng ngày càng tăng ở châu Á, như  một dân tộc có những mưu đồ đế quốc, từ bây giờ là một sự hiển nhiên. Người Việt Nam, bất chấp sự xung khắc lâu đời với người láng giềng phương bắc, luôn lựa chọn con đường ngoại giao để giải quyết những tranh chấp lãnh thổ…”.

Việt Nam giương cao ngọn cờ chính nghĩa và công lý

Tàu của ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trên Biển Đông 

Bài báo viết: Người Việt Nam, ý thức được sự cần thiết phải duy trì được mối quan hệ kinh tế không thể thiếu với Trung Quốc, cho rằng các con đường thương lượng luôn tốt hơn các con đường đối đầu. Tuy nhiên, sự xuất hiện đột ngột của giàn khoan, mà theo chuyên gia về các vấn đề chiến lược Trung Quốc, Shi Yinhong thì đó là kết quả của “những quyết định ở cấp cao nhất”, đã dẫn đến một sự xuống cấp mạnh trong quan hệ Việt-Trung.

Khẳng định chủ quyền của Việt Nam

Lâu nay, Trung Quốc luôn đưa ra quan điểm “gác tranh chấp, cùng khai thác” đối với vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là việc khai thác chung chỉ có thể tiến hành ở những khu vực biển chồng lấn, thực sự có tranh chấp, chứ không thể tiến hành “cùng khai thác” trong vùng biển hoàn toàn không có tranh chấp của một quốc gia khác như Biển Đông của Việt Nam. Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 cho phép các nước có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) mở rộng 200 hải lý (370,6Km) từ lãnh hải của quốc gia đó, vì vậy Việt Nam có chủ quyền hoàn toàn và không tranh chấp đối với phần diện tích rộng lớn của Biển Đông bao gồm cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Nhằm thúc đẩy chủ trương “cùng khai thác”, trong mấy năm gần đây Trung Quốc tiến hành rất nhiều các hoạt động gây hấn trên thềm lục địa của các nước ven Biển Đông để gây sức ép buộc các nước chấp nhận “cùng khai thác” với Trung Quốc trong phạm vi yêu sách “đường lưỡi bò” như: trong các năm 2011-2012, Trung Quốc nhiều lần cắt cáp của tàu khảo sát địa chấn Bình Minh 02 của Việt Nam trên thềm lục địa Việt Nam nhằm mục tiêu biến khu vực không tranh chấp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa các nước thành khu vực tranh chấp; năm 2012 tàu của Trung Quốc ngăn cản hoạt động của tàu khảo sát Malaysia trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Malaysia…

Tháng 7/2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại nhắc tới chủ trương “gác lại tranh chấp, cùng khai thác” đối với vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo với các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam.

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông nhận định: "Hiện nay Trung Quốc đang muốn “đánh đồng” đề xuất gác tranh chấp cùng khai thác với giải pháp hợp tác cùng khai thác có ý nghĩa thực tế theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, để áp dụng cho khu vực Biển Đông nhằm mục đích biến khu vực không tranh chấp thành tranh chấp, từng bước giành thế chủ động độc chiếm Biển Đông. Rõ ràng là quan điểm gác tranh chấp cùng khai thác của Trung Quốc đã vượt qua mọi quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, thậm chí không có trong tiền lệ các án lệ của luật pháp và thực tiễn quốc tế đã áp dụng đối với giải quyết các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với các đảo, quần đảo trên biển”.

Ngày 2/5/2014, Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải dương-981 tiến hành khoan và tác nghiệp tại vị trí có tọa độ 15o29’58” vĩ Bắc-111o12’06” kinh Đông, chỉ cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Hoạt động này hoàn toàn vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định tại Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.

Mặc dù luôn khẳng định tuân thủ nguyên tắc “cùng khai thác” không làm ảnh hưởng đến yêu sách chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, song ý đồ sâu xa của Trung Quốc là muốn thông qua “cùng khai thác” để hợp pháp hóa các yêu sách phi lý và phi pháp về chủ quyền của mình. Họ còn muốn dùng vấn đề “cùng khai thác” để phân hóa chia rẽ các nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông. Thời gian qua, Trung Quốc luôn lớn tiếng rằng “cùng khai thác” là biện pháp duy nhất để duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông, trong khi luôn đe doạ, gây sức ép với các nước ven Biển Đông, buộc các nước này chấp nhận chủ trương “cùng khai thác”của Trung Quốc.

Tóm lại, ý tưởng “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Trung Quốc không phải là việc dàn xếp quá độ theo những quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 mà nội hàm của nó là một phần quan trọng trong chiến lược xuyên suốt của Trung Quốc từng bước xâm lấn vùng biển của các nước láng giềng, tiến tới độc chiếm Biển Đông.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó".

 

Phương Nam