Quốc hội ra Thông cáo yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương - 981

Chính trị - Ngày đăng : 23:35, 22/05/2014

Thảo luận tại hội trường ngày 22/5, các ĐBQH cũng có nhiều ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; và thảo luận tại tổ về Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), Luât Tổ chức VKSND (sửa đổi).

Quốc hội ra Thông cáo số 2

Quốc hội ra Thông cáo yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương - 981

Quốc hội khẳng định việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam. Ảnh: Nhan Sáng

Đầu buổi sáng 22/5, Quốc hội ra Thông cáo nêu rõ: Ngày 21/5/2014, Quốc hội thảo luận (tại đoàn) Báo cáo của Chính phủ về tình hình biển Đông, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; chủ trương và giải pháp của Việt Nam.

1. Quốc hội khẳng định việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam; vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC); trái với thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng, Nhà nước Việt Nam - Trung Quốc. Tình hình Biển Đông căng thẳng. Hòa bình và an ninh đang bị đe dọa.

2. Quốc hội cùng với toàn thể đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài bày tỏ sự lo ngại và kiên quyết phản đối những vi phạm, sai trái của phía Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Quốc hội cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với các tổ chức, cá nhân, dư luận quốc tế đã đồng tình, ủng hộ Việt Nam.

3. Quốc hội tin tưởng và nhất trí cao với chủ trương của Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo quân dân ta có nhiều biện pháp kiên quyết trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đồng thời, kiên trì đấu tranh, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; kiên trì bảo vệ, giữ vững quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

4. Diễn biến tình hình trên Biển Đông còn phức tạp và khó lường. Quốc hội đề nghị Chính phủ, các ngành, các cấp cùng đồng bào cả nước đoàn kết, thống nhất và đặc biệt quan tâm giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại của đất nước.

Nhiều ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế

Thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, ĐB Bùi Thị An, TP Hà Nội nhất trí với quy định bảo hiểm y tế là hình thức bắt buộc tiến tới thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân. Tuy nhiên, để luật đi vào cuộc sống và có tính khả thi cao cần tuyên truyền cho mọi đối tượng, mọi người dân hiểu lợi ích của bảo hiểm y tế và có chế tài xử lý thích đáng những người không thực hiện Luật Bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, bà An đề nghị ngành y tế nên thúc đẩy và có những giải pháp hữu hiệu hơn để nâng cao y đức và đạo đức nghề nghiệp, lấy việc chăm sóc, phục vụ sức khỏe của dân là mục tiêu của ngành mình và có những giải pháp giám sát, xử lý nghiêm những hành vi thiếu đạo đức trong ngành y.

Phát biểu tại phiên họp, ĐB Pờ Hồng Vân, Lai Châu kiến nghị: Điểm c khoản 1 Điều 21 dự thảo Luật quy định chưa phù hợp. Bởi vì, hiện nay ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa do giao thông đi lại khó khăn, có xã, bản cách xa trung tâm huyện tới 100km thì chi phí vận chuyển từ bản, từ xã lên huyện có thể lên tới 1-2 triệu đồng, chưa kể đến các khoản chi phí khác mà bệnh nhân phải lo. Đây là một khoản tiền lớn đối với người nghèo, đối tượng mà Nhà nước đang phải hỗ trợ cả chi phí đóng bảo hiểm y tế, hỗ trợ tiền ăn, hỗ trợ gạo cứu đói giáp hạt v.v...

ĐB Giàng Thị Bình, Lào Cai đề nghị bổ sung thêm đối tượng người khuyết tật vào khoản 3 Điều 12 thuộc nhóm do ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế. Vì đây là đối tượng thuộc nhóm yếu thế chịu nhiều thiệt thòi rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước và xã hội. Quy định như vậy còn thể hiện tính nhân văn trong chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta.

ĐB A Nhin (Hà Sơn Nhin), Gia Lai cho rằng: Khoản 3 Điều 35 quy định quản lý phân bổ ngân sách là không công bằng, nếu hoàn thành nhiệm vụ thì cũng bị phạt, không hoàn thành cũng bị phạt vì thu hồi về Trung ương là bị phạt, chi mà quá thì địa phương lại phải bù.

ĐB Hồ Thị Cẩm Đào, Sóc Trăng phân tích: Quy định bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc vì việc quy định bảo hiểm y tế bắt buộc sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. Bà Đào cũng nhất trí với quy định giảm mức cùng chi trả đối với thân nhân người có công, đề nghị bỏ quy định đối với người đang sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vì trên thực tế thì không phải người nào sống trong vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn đều thuộc diện khó khăn. Tiếp đó, bà đề nghị nên bổ sung hộ cận nghèo đang sinh sống tại vùng kinh tế khó khăn và đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, các xã đặc biệt khó khăn quy định tại Quyết định 135 ngày 31/7/1998 của Chính phủ, người thuộc hộ gia đình đã thoát nghèo 5 năm đầu…

Buổi chiều, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) và Dự án Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi).

Toàn Vũ