Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó...”
Chính trị - Ngày đăng : 08:15, 21/05/2014
Trong quá trình lãnh đạo công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm lãnh đạo việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, nhất là vùng biển đảo.
“Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa…”
Việt Nam có bờ biển dài trên 3.260km, đứng thứ 27 trong số 157 quốc gia ven biển, các quốc đảo và các lãnh thổ trên thế giới. Cả nước có 63 tỉnh, thành phố thì 28 tỉnh, thành phố có biển và gần một nửa dân số sinh sống tại các tỉnh, thành ven biển. Đặc biệt, về an ninh quốc phòng, biển nước ta được ví như mặt tiền, sân trước, cửa ngõ của quốc gia. Biển, đảo, thềm lục địa và đất liền hình thành phên dậu, chiến lũy nhiều lớp, nhiều tầng, bố trí thành tuyến phòng thủ liên hoàn bảo vệ Tổ quốc. Lịch sử dân tộc đã ghi nhận có tới 2/3 cuộc chiến tranh, kẻ xâm lược đã sử dụng đường biển để tấn công nước ta. Và, dân tộc ta cũng từng có nhiều chiến công đánh thắng giặc ngoại xâm trên biển.
Thời trẻ, trong hành trình tìm đường cứu nước đã qua bốn biển, năm châu, khi trở thành người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò của biển với Tổ quốc, coi đó là một phần cấu thành nên sự giàu mạnh của đất nước. Người khẳng định: “Nước ta ở về xứ nóng, khí hậu tốt. Rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu”.
Cách đây hơn nửa thế kỷ, Người đã nhìn thấy vai trò kinh tế biển đảo thật sớm của Vịnh Hạ Long và cách thu được lợi nhuận từ “ngành công nghiệp không khói”. Người đã nhiều lần thăm đảo Cô Tô và đây là nơi duy nhất và đầu tiên được đồng ý cho phép dựng tượng đài khi Người còn sống. Tượng đài Hồ Chí Minh đứng uy nghiêm, lưng tựa vào núi, tay phải giơ cao vẫy chào, mắt nhìn ra biển Đông. Việc Hồ Chí Minh đồng ý xây tượng đài mình trên đảo Cô Tô có lẽ cũng đã thể hiện tầm nhìn chiến lược về khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam của vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc.
Bác Hồ với chiến sĩ Hải quân
Ngày 10/4/1956, khi nói chuyện tại Hội nghị cán bộ cải cách miền biển, Hồ Chí Minh đã nói: “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không?… Nếu mình không lo bảo vệ miền biển, thì đánh cá, làm muối cũng không yên. Cho nên một nhiệm vụ quan trọng của đồng bào miền biển là phải bảo vệ bờ biển. Đồng bào miền biển là người canh cửa cho Tổ quốc”.
Biển đảo Việt Nam có vị trí, vai trò quan trọng với Tổ quốc như vậy, nên sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều thời gian quan tâm đến biển đảo và quân chủng Hải quân của quân đội ta.
Ngày 31/3/1959, Hồ Chí Minh đến thăm làng cá Cát Bà, Hải Phòng. Khi nói chuyện với bà con ngư dân ở đây, Người khẳng định: “Biển bạc của ta do dân ta làm chủ... cán bộ phải lo cho đời sống của nhân dân”. Theo Người, “làm chủ” là bảo vệ và khai thác các nguồn lợi từ biển, làm chủ tiềm năng của biển để phục vụ cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và nâng cao đời sống cho nhân dân.
Đoàn kết, dựa vào nhân dân
Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm và dành tình cảm đến lực lượng vũ trang bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhất là Hải quân. Ngày 16/3/1961, Hồ Chí Minh đi thăm Hải Phòng, Vịnh Hạ Long và thăm đơn vị Hải quân Việt Nam. Người tâm sự: “Là chiến sĩ Hải quân, các chú phải biết yêu quý đảo như nhà mình, chịu khó cải tạo xây dựng thành những mảnh đất vừa giầu, vừa đẹp, vừa có lợi cho mình, vừa có ích cho đất nước”. Người chỉ ra cái mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam rằng: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển, vì thế cần phải xây dựng một nền quốc phòng toàn dân, toàn diện”. Người luôn nhắc nhở: “Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó. Trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo, Hải quân nhân dân là lực lượng nòng cốt”.
Người đã căn dặn: “Bờ biển nước ta có vị trí rất quan trọng. Vì vậy nhiệm vụ của Hải quân trước mắt cũng như lâu dài rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Phải biết tìm cách đánh phù hợp với điều kiện con người, địa hình bờ biển nước ta và vũ khí trang bị mình có. Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại nhưng không được quên truyền thống đánh giặc xa xưa của tổ tiên”.
Các chiến sỹ và nhân dân trên các hải đảo Việt Nam hãy mãi ghi lời nói của Hồ Chí Minh năm 1961: “Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết cố gắng và tiến bộ”. Chúng ta hãy bình tĩnh, đoàn kết dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ Việt Nam và sự ủng hộ của nhân dân thế giới, nhất định chúng ta sẽ giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm đến đời sống các chiến sĩ trên các hải đảo của Tổ quốc. Cổ vũ lòng yêu nước, yêu quê hương của các chiến sĩ, tinh thần gìn giữ biển đảo như gìn giữ chính nhà mình. Và Người vạch hướng xây dựng các đảo của Tổ quốc thành những mảnh đất giàu mạnh của Tổ quốc. Người chỉ rõ trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo, các lực lượng vũ trang phải biết đoàn kết, dựa vào nhân dân.
Bác Hồ trong chuyến ra thăm đảo Cô Tô
Tổ chức được dân, đoàn kết được dân thì việc gì cũng làm được. Xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng là biện pháp hữu hiệu góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ. Điều này cũng nằm trong chính sách đối ngoại chung của Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nêu rõ: Việt Nam muốn làm bạn với các nước dân chủ, không muốn gây thù oán với bất cứ ai. Hồ Chí Minh sớm quan tâm đến vấn đề xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng. Người cho rằng việc này có ý nghĩa vô cùng quan trọng không những làm triệt tiêu các mầm mống, điều kiện có thể nảy sinh các vi phạm chủ quyền biên giới của nhau, củng cố vững chắc phên dậu; Bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới từ xa mà còn tạo cơ sở, điều kiện xây dựng tình hữu nghị giữa các dân tộc.
Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo
Với chiến lược xây dựng nền quốc phòng toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đảng ta đã lãnh đạo quân dân ta đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên vùng trời, vùng biển, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền trên biển đảo của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Quan tâm đến đồng bào và chiến sĩ trên đảo, Hồ Chí Minh đã 2 lần gửi thư khen, động viên các chiến sĩ trên đảo Cồn Cỏ anh dũng đã bắn rơi máy bay Mỹ, và trực tiếp tuyên dương công trạng của các lực lượng phòng không, hải quân trong việc đánh bại các hoạt động của máy bay, tàu chiến đến khiêu khích, ném bom, bắn phá vùng biển, vùng trời miền Bắc nước ta. Ngày 7/8/1964, trong buổi lễ tuyên dương các đơn vị phòng không và hải quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn căn dặn: “Các đơn vị bộ đội, công an nhân dân vũ trang, dân quân tự vệ và các địa phương cần rút kinh nghiệm để sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm. Các chú phải tiếp tục đẩy mạnh mọi mặt công tác và luôn luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc”. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm quốc phòng và an ninh có quan hệ chặt chẽ với nhau và cần phải xây dựng được thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo.
Ngày 11/8/1965, nhân dịp Hải quân ta vừa tròn 10 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho cán bộ và chiến sĩ hải quân, vừa khen ngợi thành tích của Hải quân vừa vạch rõ sự cần thiết xây dựng Hải quân vững mạnh trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, biển đảo Việt Nam có vai trò ngày càng quan trọng, làm tăng chiều sâu phòng thủ đất nước ra hướng biển. Vươn ra biển, làm giàu từ biển theo tư tưởng Hồ Chí Minh là định hướng đúng đắn phù hợp với Việt Nam - một quốc gia có biển và nhiều hải đảo. Quyết tâm cao, tập trung huy động mọi tiềm năng và lợi thế của biển, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trên biển, sẽ tạo ra môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và ngư dân các địa phương yên tâm làm ăn trên các vùng biển đảo, nhất là ở vùng biển xa. Phải xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam và các lực lượng vững mạnh, theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại, ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ để quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.