Ngày đầu xét xử vụ Vinashin: Bị cáo Phạm Thanh Bình thừa nhận sai phạm
Tòa tuyên án - Ngày đăng : 10:55, 13/04/2012
Các bị cáo tại phiên tòa (Ảnh: Thư Kỳ)
Theo cáo trạng, để phát triển ngành công nghiệp đóng, sửa chữa tàu biển, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án điều chỉnh phát triển Tổng công ty CNTT Việt Nam giai đoạn 2005 - 2010 và định hướng đến năm 2015. Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết phát hành trái phiếu quốc tế cho Vinashin vay lại hoặc bảo lãnh cho Vinashin phát hành trái phiếu để thực hiện việc đầu tư có hiệu quả vào hoạt động đóng mới và sửa chữa tàu biển.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, Phạm Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vinashin và các bị cáo Trần Văn Liêm, Nguyễn Văn Tuyên, Nguyễn Tuấn Dương, Tô Nghiêm, Trịnh Thị Hậu, Hoàng Gia Hiệp, Trần Quang Vũ, Đỗ Đình Côn cùng Hồ Ngọc Tùng và Giang Kim Đạt đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế trong lĩnh vực đầu tư, quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước ở các dự án: Đầu tư mua tàu cao tốc Hoa Sen; dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng; dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện Diezel Cái Lân; dự án đầu tư tàu Bình Định Star gây tổng thiệt hại hơn 900 tỷ đồng của Nhà nước.
Tại phiên tòa, có rất đông các luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo, riêng bị cáo Trần Quang Vũ có 4 luật sư bào chữa.
Buổi chiều 27-3, Hội đồng xét xử tiến hành thẩm vấn đối với các bị cáo, những người làm chứng và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan về những sai phạm của các bị cáo ở 3 dự án. Tại dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Diezel Cái Lân - Quảng Ninh, các bị cáo Phạm Thanh Bình, Tô Nghiêm thừa nhận những sai phạm như việc quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư, ký biên bản bàn giao công trình, nghiệm thu chạy thử, thanh toán hết cho nhà thầu toàn bộ giá trị hợp đồng khi công trình chưa hoàn thành, do đó nhà thầu không tiếp tục thực hiện cam kết bảo hành công trình; công trình chưa thực hiện lập báo cáo và phê duyệt quyết toán dự án đầu tư hoàn thành; cho phép nhà thầu nhập máy móc, thiết bị cũ không đúng với nội dung hợp đồng (là máy móc, thiết bị mới), không đúng với thiết kế kỹ thuật được phê duyệt…
Tại dự án đầu tư mua tàu cao tốc chở khách và ô tô (tàu Hoa Sen) của Công ty TNHH MTV vận tải Viễn Dương - Vinashin, bị cáo Phạm Thanh Bình, Trần Văn Liêm, Trần Thị Hậu, Hoàng Gia Hiệp khai nhận có hành vi cố ý làm trái. Cụ thể, không thực hiện đúng chỉ đạo về chủ trương của Thủ tướng Chính phủ là thực hiện đóng mới tàu biển chở khách cao tốc Bắc - Nam; phê duyệt dự án đầu tư mua tàu cao tốc Hoa Sen trước khi lập và thẩm định dự án; không thực hiện thủ tục chào hàng cạnh tranh trong việc mua tàu Hoa Sen; Công ty Tài chính (VFC) đã phát hành bảo lãnh cho Công ty Viễn Dương mua tàu mà không thực hiện quy định về trình tự, thủ tục thẩm định cấp bảo lãnh cho khách hàng; việc ký hợp đồng tín dụng cho Công ty Viễn Dương vay 1390,9 tỷ đồng để thực hiện dự án mua tàu Hoa Sen khi dự án chưa lập xong, chưa được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt; không thực hiện thủ tục quyết toán vốn đầu tư của dự án…
Tại dự án hoán cải, nâng cấp tàu Bạch Đằng Giang, bị cáo Trần Quang Vũ đã thừa nhận có hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế như cáo trạng đã nêu. Cụ thể, bị cáo đã quyết định thanh lý, nhượng bán tài sản không đúng thẩm quyền, biết tàu Bạch Đằng Giang là tài sản thế chấp cho VFC nhưng đã phá dỡ bán vỏ tàu mà không thực hiện bán đấu giá cũng không thông báo cho VFC biết, không thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho VFC theo quy định. Bị cáo Vũ khai là khi thanh lý tàu Bạch Đằng Giang đã xin ý kiến của tập đoàn và giao cho cấp phó trực tiếp thực hiện, do thời điểm đó bận công tác ở dự án tại Dung Quất nên không kiểm soát được…
Ngày mai (28-3), phiên tòa sẽ tiếp tục với phần thẩm vấn về sai phạm của các bị cáo tại dự án đầu tư, xây dựng nhiệt điện Sông Hồng, tỉnh Nam Định và dự án đầu tư tàu Bình Định Star…
H.M