Biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội: "Thay đụng độ trên biển bằng tranh tụng trước Tòa án quốc tế"
Chính trị - Ngày đăng : 14:05, 12/05/2014
Hàng ngàn người dân Thủ đô đã có mặt để hô vang những khẩu hiệu phản đối hành động phi pháp của phía Trung Quốc, đưa giàn khoan HD 981 cùng hơn 80 tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào vùng biển Việt Nam, hạ đặt giàn khoan tại vị trí nằm sâu trên 80 hải lý trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Hành động ngang ngược này của Trung Quốc là vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố nguyên tắc ứng xử trên biển Đông DOC cũng như tuyên bố giữa lãnh đạo hai quốc gia, nhằm từng bước cụ thể hóa “đường lưỡi bò” mà phía Trung Quốc đơn phương đưa ra, trong sự phản đối mạnh mẽ của Việt Nam, của các quốc gia trong khu vực và quốc tế.
Cuộc biểu tình thu hút đủ các thành phần già trẻ, gái trai, cựu chiến binh, trí thức, học sinh, sinh viên, nhiều người đưa theo cả các cháu nhỏ, trong đó có những người đã từng xuất hiện trong những đợt biểu tình trước đây và những người lần đầu tiên tham gia biểu tình. Mỗi người có một cách thể hiện khác nhau, thể hiện rõ nhất là khẩu hiệu họ mang trên tay, tuyệt đại đa số đều hướng về mục tiêu phản đối Trung Quốc, đoàn kết cùng Đảng và Nhà nước trong việc đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Trong cuộc biểu tình, nhiều người mang biểu ngữ: “Việt Nam muôn năm”; “Đả đảo Trung Quốc xâm lược”, “Máu người Việt đã đổ xuống Hoàng Sa, Trường Sa”; “Bảo vệ ngư dân” và đặc biệt là một băng rôn với khẩu hiệu lớn: “Thay đụng độ trên biển bằng tranh tụng trước Toà án quốc tế” bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Nhiều biểu ngữ viết bằng cả 3 thứ ngôn ngữ Việt Nam, Anh và Trung Quốc…
Một cụ già râu tóc bạc phơ mang theo khẩu hiệu được viết tay trên mặt sau tờ lịch lớn, nội dung là hai câu thơ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Biển Đông vạn dặm dang tay giữ/ Đất Việt muôn năm vững trị bình”. Hỏi ra thì biết cụ là Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm Minh triết Việt.
Có người cẩn thận chép lại bài thơ “Thần - Nam quốc sơn hà nam đế cư…” bằng chữ Hán giơ cao về phía Đại sứ quán Trung Quốc. Có người viết lại vế đối của Thám hoa Giang Văn Minh “Đằng giang tự cổ huyết do hồng" - nghĩa là “Sông Bạch Đằng đến nay máu giặc Nam Hán, Nguyên Mông còn đỏ”… để nhắc đến truyền thống chống ngoại xâm, chống giặc phương Bắc oanh liệt của ông cha ta.
Một chiếc xe thương binh căng đầy khẩu hiệu chống Trung Quốc xâm lược được các cựu chiến binh đánh vào giữa đám đông đối diện với cổng Đại sứ quán Trung Quốc, trở thành sân khấu để lần lượt nhiều người lên đó phất cao cờ đỏ sao vàng và hô vang những khẩu hiệu “Hoàng Sa” và cả ngàn người hô theo “Việt Nam”; rồi “Trường Sa - Việt Nam”; “Biển Đông - Việt Nam”; Trung Quốc rút ngay giàn khoan ra khỏi biển Đông - Ra khỏi biển Đông”… Những tiếng hô òa ra từ lồng ngực và những cánh tay vươn cao cho thấy ý chí của người dân Thủ đô trước hành vi ngang ngược của phía Trung Quốc.
Nhiều người nước ngoài tham dự cuộc biểu tình, nhiều phóng viên báo chí quốc tế phỏng vấn những người tham gia biểu tình.
Sau hơn một giờ hô vang khẩu hiệu, cuộc biểu tình biến thành cuộc tuần hành ôn hòa, nhiều người dân hai bên đường cũng nhập vào và hô vang khẩu hiệu. Mọi người quên đi mệt mỏi, nóng nực. Thời tiết nắng nóng, không một làn gió, quốc kỳ trên kỳ đài im phắc như đứng nghiêm cùng đồng bào trong giờ phút đặc biệt này.
Điều sâu sắc là cuộc biểu tình mở đầu ở Vườn hoa Chi Lăng, cái tên nhắc đến chiến công vẻ vang của nghĩa quân Lam Sơn, đánh tan 10 vạn quân tiếp viện, chém bay đầu tướng Liễu Thăng năm 1427… Năm đó, quân Minh chấp nhận thua cuộc để rút quân về nước, chấm dứt cuộc xâm lược của nhà Minh. Cuộc biểu tình tuần hành kết thúc ở Hồ Gươm lịch sử, nơi đây là biểu tượng hòa hiếu của dân tộc ta, vua Lê Lợi trả lại gươm cho Rùa vàng, khép lại cuộc kháng chiến để dựng xây đất nước.
Hy vọng phía Trung Quốc thấu hiểu thông điệp vừa anh hùng, vừa thiện chí đó của Việt Nam để có thái độ tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.