Những chiến công thầm lặng góp phần làm nên lịch sử
Chính trị - Ngày đăng : 10:45, 29/04/2014
Nhờ đó mà các chiến sỹ mới bám trụ được ngay bên cạnh kẻ địch và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ký ức của những người tham gia trận đánh Cầu Rạch Chiếc và trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất còn in đậm nghĩa tình đó.
Những người dân vô danh…
Cầu Rạch Chiếc nằm trên xa lộ Biên Hòa, cách trung tâm Sài Gòn 7km, đây là một trong ba cây cầu quan trọng ở cửa ngõ phía Đông để vào Sài Gòn. Với vị trí quan trọng của cây cầu này, từ đầu năm 1975 địch đã tăng cường phòng thủ biến cây cầu trở thành chốt “tử thủ” để chặn đường tiến công của quân ta. Vì vậy, Bộ Tham mưu Miền B2 đã giao cho Lữ đoàn 316 (Lữ đoàn đặc công đặc biệt thuộc Bộ Tham mưu B2) đánh chiếm giữ cầu Rạch Chiếc mở đường đón các đại quân vào giải phóng Sài Gòn. Đại tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), nguyên Chính ủy cánh Bắc Lữ đoàn 316 chia sẻ: “Việc đánh chiếm và giữ vững cầu Rạch Chiếc, ngay sát Sài Gòn “đầu não” của quân Mỹ - Ngụy, trong điều kiện địa hình trống trải, giữa vòng vây của địch, trong khi chiến dịch Hồ Chí Minh đang diễn ra ở vòng ngoài, cách cầu Rạch Chiếc từ 20 đến 30km, là một nhiệm vụ cực kỳ nặng nề đối với cán bộ và chiến sĩ đặc công. Dù trong điều kiện hết sức khó khăn, các chiến sỹ đặc công của ta đã hứa quyết tâm phải hoàn thành nhiệm vụ…”.
Cựu chiến binh Nguyễn Đức Thọ, người bắn phát B40 mở màn trận đánh cầu Rạch Chiếc (bên phải) trong một lần gặp gỡ đồng đội
Theo lời kể của Đại tá Tư Cang: Từ ngày 27/4 – 30/4 các chiến sĩ của ta bắt đầu đánh cầu Rạch Chiếc và nhanh chóng chiếm được cầu. Tuy nhiên, khu vực quanh cầu lại là vùng đầm lầy thiếu thốn nước ngọt do đó nếu không có sự bảo bọc giúp đỡ của người dân nơi đây các chiến sỹ khó có thể bám trụ lâu dài.
Đại tá bồi hồi kể lại: Sau khi chiếm được cầu, hầu hết mọi sinh hoạt của chúng tôi đều nhờ người dân. Muốn ăn gì hay thiếu cái gì đều phải nhờ dân mua. Chúng tôi mãi khắc ghi hình ảnh một phụ nữ tuổi trạc 40 đều đặn tiếp tế lương thực cho anh em. Cứ chiều chiều, anh em chiến sỹ sau một ngày phơi dưới nắng gay gắt, cổ họng đã khô thì chị lại xuất hiện trên một chiếc xuồng nhỏ lặng lẽ đưa cho chiến sỹ vài kg gạo, vài cái quần, quý nhất là thùng nước ngọt. Trong đồng nước phèn mênh mông này, một giọt nước thấm vào từng tế bào làm cho sức người bình phục mau lẹ, tinh thần càng thêm phấn chấn tiếp sức kỳ diệu cho cuộc chiến đấu quyết liệt sắp đến. Lúc đó, trong chúng tôi không ai biết tên chị, chỉ biết nhà chị là một cái chòi nổi nằm bên mép nước cách nơi đơn vị ém quân một cánh đồng.
Trung úy Nguyễn Đức Thọ, người trực tiếp tham gia trận đánh cầu Rạch Chiếc cho biết thêm: “Không chỉ cung cấp lương thực, khi bị địch truy kích chúng tôi còn được người dân đùm bọc, che giấu dù bản thân họ cũng sẽ bị gặp nguy hiểm. Tôi còn nhớ mãi, trong một lần đi trinh sát bị địch càn quét chúng tôi phải chạy lạc, chạy mãi vào một vùng đất trống, đang lay hoay tìm nơi để ẩn nấp thì có hai ông bà đã lớn tuổi dẫn chúng tôi về nhà họ. Nhờ vậy, chúng tôi tránh được sự càn quét của địch. Chúng tôi ở nhà họ cho đến tối thì được họ chỉ đường vào rừng, lần theo đường rừng để trở về đơn vị. Hai ông bà còn đưa cho chúng tôi cái kìm và bảo, cứ gặp thuyền nào của dân thì bẻ xích lấy thuyền mà đi. Nhờ sự chỉ dẫn đó mà chúng tôi đã trở lại được đơn vị. Sau ngày giải phóng, nhiều lần chúng tôi trở về cầu Rạch Chiếc để thăm hỏi ông bà nhưng không thấy họ đâu”.
Quân giải phóng đánh sân bay Tân Sơn Nhất ngày 30/4/1975 Ảnh: TL
Cụ già chỉ đường tiến vào sân bay Tân Sơn Nhất
Sau khi giải phóng Tây Nguyên, Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) được giao nhiệm vụ đánh sâu vào sân bay Tân Sơn Nhất trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Vốn không rành địa bàn nên Sư đoàn gặp nhiều khó khăn trong việc xác định hướng tấn công vào sân bay. Nhưng may mắn thay, đúng lúc gần đến giờ G, Sư đoàn đã được một cụ già sống gần đó chỉ hướng đánh vào sân bay vừa nhanh vừa hiệu quả.
Thiếu tướng - Nhà giáo nhân dân Huỳnh Nghĩ (người trực tiếp tham gia trận đánh thuộc Trung đoàn 24 - Sư đoàn 10) cho biết: “Chiều 29/4, chúng tôi đã hành quân đến gần khu vực sân bay nhưng lúc đó trời tối đen như mực không nhìn rõ hướng đi. Tôi có hỏi các đồng chí trong tổ biệt động dẫn quân về đường tiến về cổng Lăng Cha Cả, nhưng các đồng chí lắc đầu bảo rằng chỉ quen hướng quận 1 và quận 3, còn hướng quận Tân Bình này các đồng chí không biết. Lúc này đường liên lạc với các đơn vị khác lại bị gián đoạn. Trước tình thế như vậy, chúng tôi buộc phải tạm dừng và phái trinh sát lên trước dò đường, nắm tình hình phía trước rồi mới tiếp tục tiến lên.
Hai chiến sĩ đặc công tại cầu Rạch Chiếc vào sáng 30/4/1975, sau khi hoàn thành nhiệm vụ đánh chiếm, bảo vệ cầu an toàn (ảnh tư liệu)
Trong khi bộ đội đang đào tạm công sự tại vị trí tạm dừng, tôi đi dạo quanh khu vực, nhân dân trong khu vực đã di tản hết, các dãy nhà đều tắt đèn, trời tối đen. Bỗng tôi nhìn thấy thấp thoáng một ngọn đèn dầu từ trong một ngôi nhà nhỏ, tôi tiến đến xem thì thấy một cụ già đang ngồi trước cửa. Tôi bắt chuyện với cụ và sau một vài câu chuyện, cụ già mạnh dạn hỏi tôi: Có phải ngày mai các anh tiến vào cổng Phi Long (cổng Lăng Cha Cả, đầu đường Cộng Hòa hiện nay) để đánh vào sân bay không? Tôi liền hỏi lại: Sao cụ biết? Không trả lời câu hỏi của tôi, cụ già nói tiếp: Các anh vào cổng Phi Long làm gì cho xa, cứ vào cổng Hoàng Hoa Thám gần hơn. Từ đây đến đó chỉ mấy trăm mét, đi mất khoảng 15 phút. Vào bằng cổng Hoàng Hoa Thám, các anh có thể vào ngay Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Sư đoàn dù. Để khẳng định hơn nữa lời nói của mình cụ tiếp tục: Sáng nay, tôi vừa vào cổng Hoàng Hoa Thám thăm con tôi đi lính ở Sư đoàn dù.
Lúc đó, không hiểu sao tôi rất tin tưởng vào sự chân thành của cụ, bởi dù có con đi lính cho địch nhưng cụ vẫn không ngần ngại chỉ đường cho chúng tôi. Vì vậy, tôi đã hội ý với Ban Chỉ huy Trung đoàn 24 về ý kiến của ông cụ và dẫn Trung đoàn trưởng tới gặp cụ để hỏi rõ thêm tình hình. Sau đó, chúng tôi đã họp và quyết định điều chỉnh lại phương án tác chiến, đột phá sân bay Tân Sơn Nhất ngay trong đêm 29/4 bằng hai hướng trong đó hướng đột phá chủ yếu là tấn công phía cổng Hoàng Hoa Thám. Quả thật, hướng tấn công này mang lại hiệu quả rất lớn, quân ta nhanh chóng chiếm được sân bay Tân Sơn Nhất”.
Sau trận đánh này, bộ đội chúng tôi được nhân dân nơi đây chào đón như những người thân đi xa mới trở về. Đông đảo bà con và các cháu thiếu nhi đến vây quanh chúng tôi đón mừng anh bộ đội Cụ Hồ. Những bỡ ngỡ ban đầu đã nhanh chóng vượt qua, nhường chỗ cho những tình cảm quân dân gắn bó, mặn nồng”, Thiếu tướng Huỳnh Nghĩ bồi hồi nhớ lại.