Dinh Độc Lập - Biểu tượng của chiến thắng, hòa bình, thống nhất
Chính trị - Ngày đăng : 10:37, 29/04/2014
Từng là biểu tượng quyền lực của chế độ cũ, vào ngày 25/06/1976 Dinh Độc lập chính thức mang tên Hội trường Thống Nhất, và đến nay dinh đang thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước…
Trong kho tàng các di tích văn hóa lịch sử của đất nước, Dinh Độc lập góp mặt như một trong những di tích quốc gia có tầm quan trọng đặc biệt. Tuy vậy không nhiều người nước ngoài đến Việt Nam biết đến lịch sử xây dựng nên khu dinh thự hiện đại bật nhất này trước đây. Đó là sau khi chiếm được Nam Kỳ lục tỉnh vào năm 1867, đến tháng 2 năm 1868, Thống đốc Nam kỳ Lagrandiere đã đặt viên đá đầu tiên trong buổi lễ xây dựng lại Dinh thống đốc cũ được xây dựng vào năm 1863 làm bằng gỗ, khu dinh mới này được xây dựng theo bản phác thảo của kiến trúc sư Hermite.
Trên một diện tích 12ha, dinh thự mới được xây dựng với kiến trúc rất đẹp. Mặt tiền của dinh dài 80m, vật liệu xây dựng đa số được đưa từ Pháp qua. Vào năm 1870, do xảy ra chiến tranh Pháp – Phổ nên công trình phải tới năm 1873 mới hoàn thành, khi đó dinh có tên là Norodom vì đặt theo tên của Quốc Vương Camphuchia lúc đó, con đường phía trước dinh cũng được đặt tên là Norodom. Trong quá trình tồn tại từ năm 1873 đến 1945, Dinh được sử dụng như là dinh thống đốc và sau đó là dinh toàn quyền.
Năm 1945 khi Nhật đảo chính Pháp, tòa nhà trở thành nơi làm việc của Nhật, đến cuối tháng 9 năm 1945, nó trở lại chức năng là nơi làm việc của chính quyền Pháp khi Nhật thất bại trong thế chiến II. Sau năm 1954, khi Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống đã cho đổi thành dinh Độc Lập. Năm 1962 phần lớn dinh bị phá hủy sau một cuộc ném bom của đảng đối lập, Ngô Đình Diệm đã cho xây dựng lại dinh mới ngay trên khu đất cũ theo bản thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Trong quá trình xây dựng dinh mới, Tổng thống đã chuyển sang dinh Gia Long gần đó (nay là thư viện TP Hồ Chí Minh) ở và làm việc. Vào đầu tháng 11/1963 xảy ra sự kiện đảo chính, Tổng thống Ngô Đình Diệm bị ám sát nên quá trình xây dựng phải dang dở một thời gian, mãi đến năm 1966 mới hoàn thành. Từ đó cho đến năm 1975, đây là nơi ở và làm việc của các đời tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn, đồng thời cũng là biểu tượng quyền lực của chế độ này.
Hội trường Thống Nhất ngày nay
Dinh được xây dựng trên khuôn viên có diện tích 12ha được giới hạn bởi 4 trục đường chính. Tổng diện tích sử dụng của Dinh là 20.000m2 chia làm 95 phòng, mỗi phòng có một chức năng riêng, kiến trúc và cách trang trí phù hợp với mục đích sử dụng của từng phòng. Riêng khu nhà chính hình chữ T có diện tích mặt bằng là 4.500m2, cao 26m, nằm ở vị trí trung tâm của khu đất. Ðây từng là nơi ở và làm việc Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn, gồm có tầng hầm, tầng nền, 3 tầng lầu, 2 gác lửng và sân thượng. Phía trước dinh là một bãi cỏ rộng hình bầu dục dùng làm nơi tổ chức các cuộc gặp cấp cao cùa chính quyền.
Từ khi hình thành đến nay, Dinh Độc lập là nơi chứng kiến những cột mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc. Khởi đầu là sự cai trị của thực dân Pháp ở Việt Nam và các nước Đông Dương, giai đoạn tiếp theo là sự can thiệp của đế quốc Mỹ. Nhưng bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, 10 giờ 45 ngày 30/4/1975, xe tăng mang số hiệu 843 của Quân Giải phóng thuộc Đại đội 4, tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 230, Quân đoàn 2 dẫn đầu đội hình đã húc nghiêng cổng phụ Dinh Độc lập. Tiếp đó, xe tăng mang số hiệu 390 đã húc tung cổng chính tiến thẳng vào Dinh.
Đúng 11 giờ 30 cùng ngày, Trung úy Bùi Quang Thận, Đại đội trưởng chỉ huy xe tăng 843 đã hạ lá cờ 3 sọc, kéo lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam lên trên nóc Dinh Độc lập, kết thúc 30 năm chiến tranh gian khổ và anh dũng của dân tộc ta. Dinh Độc lập lại là nơi chứng kiến Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh phải ra Đài phát thanh đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện chính quyền Cách mạng. Từ đây lịch sử Việt Nam bước sang một trang mới và Dinh Độc lập trở thành di tích lịch sử mang tính biểu tượng cho tinh thần đại đoàn kết dân tộc.
Những ngày tháng 4 lịch sử này, đông đảo người dân Việt Nam và những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới lại có dịp về thăm Dinh Độc lập - biểu tượng của chiến thắng, hòa bình thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Ngày nay, Dinh Độc Lập được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, là cơ quan trực thuộc Văn phòng Chính phủ. Dinh Độc Lập đã và đang thực hiện tốt chức năng giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ Việt Nam và là cầu nối giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, là điểm đến của hầu hết các đoàn tham quan và là một trong những địa điểm thu hút số lượng khách tham quan đông nhất tại các di tích - bảo tàng tại TP Hồ Chí Minh.