Thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên: Thiết chế mới tiến bộ, đúng tinh thần Hiến pháp và Công ước quốc tế về quyền trẻ em
Chính trị - Ngày đăng : 23:06, 24/04/2014
Đây là một thiết chế mới tiến bộ, đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013 sửa đổi và phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em; đúng chủ trương của Đảng về xây dựng gia đình hạnh phúc…, vì vậy đã nhận được ý kiến đồng thuận của hầu hết các đại biểu QH.
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình phát biểu tại phiên họp của UBTVQH
Theo Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình: Việc thành lập Tòa Gia đình và người chưa thành niên (Tòa GĐ&NCTN) là bước đi cụ thể nhằm triển khai có hiệu quả các chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật Nhà nước về bảo vệ, phát triển gia đình; bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nói chung và xử lý người chưa thành niên (NCTN) phạm tội nói riêng. Bên cạnh đó, việc thành lập Tòa này xuất phát từ đặc thù tâm lý của trẻ em, NCTN là đối tượng chưa hoàn thiện, dễ bị tổn thương, suy chấn tâm lý trước những tác động từ bên ngoài, kể cả từ phía cơ quan tiến hành tố tụng… Từ tình hình ngày càng nhiều NCTN bị xâm hại, cần có những biện pháp pháp lý để hỗ trợ, bảo vệ từ phía Tòa án, đặc biệt là những trường hợp bị xâm hại tình dục, bóc lột sức lao động, bạo hành gia đình. Hơn nữa, việc thành lập Tòa này còn là một thiết chế để TAND thực hiện quyền tư pháp được giao.
Quá trình nghiên cứu Đề án của TANDTC cho thấy, đến thời điểm hiện nay, việc thành lập Tòa chuyên trách này trong cơ cấu tổ chức của TAND là thực sự cần thiết, xuất phát từ các lý do sau đây:
Thứ nhất: Tại Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã xác định: “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách... Chú trọng cải thiện điều kiện sống, lao động và học tập của thanh niên, thiếu niên, giáo dục và bảo vệ trẻ em...”; Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 yêu cầu đổi mới, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao; Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 5/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới yêu cầu: “Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em... Tổ chức thực hiện tốt Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em và các công ước, điều ước quốc tế khác có liên quan mà Nhà nước Việt Nam ký kết hoặc tham gia...”. Do vậy việc thành lập Tòa GĐ&NCTN là bước đi cụ thể nhằm triển khai có hiệu quả các chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, phát triển gia đình; bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và xử lý NCTN vi phạm pháp luật nói riêng. Đồng thời, đây cũng là phương thức để thực hiện nguyên tắc hiến định về việc xét xử kín đối với NCTN quy định tại khoản 3 Điều 103 của Hiến pháp mới.
Phiên tòa xét xử hai bảo mẫu hành hạ trẻ em
Thứ hai: Việc thành lập Tòa GĐ&NCTN xuất phát từ sự phát triển cũng như những đặc thù về tâm sinh lý của trẻ em, NCTN là đối tượng chưa hoàn thiện, dễ bị tổn thương, sang chấn tâm lý trước những tác động từ bên ngoài, kể cả từ phía các hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng khi xử lý các vụ án hình sự mà NCTN là bị can, bị cáo hoặc là người bị hại. Kết quả nghiên cứu của Bộ Tư pháp cho thấy: trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 14.000-16.000 NCTN vi phạm pháp luật. Trong năm 2009, có 14.466 trường hợp; nam giới vi phạm chiếm 96,9% thuộc nhóm tuổi từ 16 tuổi đến 18 tuổi. Đáng lưu ý, tỷ lệ đối tượng bị xử lý hình sự tăng (năm 2007 là 27,1%, năm 2010 là 36%) và hình phạt phổ biến mà Tòa án áp dụng là tù có thời hạn.
Mặc dù, Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự có quy định riêng về đường lối và thủ tục tố tụng đặc biệt đối với NCTN phạm tội nhưng nhìn chung thủ tục đó thiếu toàn diện hoặc còn mang tính hình thức, NCTN còn bị xử lý trong vụ án có cả người đã thành niên, việc xử lý nhiều khi chưa quan tâm đến việc giúp họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội, chưa xác định đúng khả năng nhận thức của họ nên chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Điều này đòi hỏi phải hoàn thiện hệ thống pháp luật để có những biện pháp xử lý và cơ chế tố tụng phù hợp, trong đó có thiết chế về Toà chuyên trách về NCTN.
Người chưa thành niên được Nhà nước và xã hội quan tâm, chăm sóc, bảo vệ
Thứ ba: Việc thành lập Tòa GĐ&NCTN xuất phát từ tình hình ngày càng nhiều NCTN bị xâm hại cần có những biện pháp pháp lý để hỗ trợ, bảo vệ từ phía Tòa án, đặc biệt là những trường hợp bị xâm hại về tình dục, bóc lột sức lao động, bạo hành trong gia đình. Thực tế theo kết quả nghiên cứu của Bộ Tư pháp, trong 10 năm từ 2001-2010, có khoảng 10.000 trẻ em bị xâm hại tình dục; riêng năm 2009 có tới 1.800 trường hợp; đa số nạn nhân là nữ ở độ tuổi 13-15 tuổi (chiếm 57,46%); số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại chiếm tới 13,20%.
Theo số liệu thống kê của TANDTC: năm 2011, Tòa án các cấp phải xét xử 1.156 vụ xâm hại tình dục trẻ em; năm 2012 là 1.392 vụ; năm 2013 là 1.830 vụ; trong đó số vụ án hiếp dâm trẻ em năm 2011 là 550 vụ; năm 2012 là 603 vụ; năm 2013 là 704 vụ; số các vụ án trẻ em bị mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt cũng có chiều hướng tăng lên (năm 2011 là 43 vụ; năm 2012 là 41 vụ; năm 2013 là 67 vụ). Bên cạnh đó, cũng có nhiều vụ án ngược đãi, hành hạ trẻ em nghiêm trọng xảy ra, gây bức xúc trong xã hội. |
Thực tiễn cho thấy, việc giải quyết các vấn đề gia đình có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tâm lý của từng thành viên trong gia đình, có tác động tích cực hoặc tiêu cực đến định hướng phát triển của trẻ em và NCTN là thành viên trong gia đình; bởi vậy, nếu giải quyết tốt các vấn đề thuộc quan hệ gia đình, nâng cao ý thức và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình đối với việc chăm sóc, giáo dục con cái sẽ góp phần hạn chế, ngăn ngừa trẻ em và NCTN vi phạm pháp luật, tạo môi trường lành mạnh để họ phát triển thể chất và nhân cách.
Như vậy việc thành lập Toà này chính là xuất phát từ yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác giải quyết các vấn đề gia đình có liên quan đến quyền và lợi ích của NCTN; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cha mẹ trong việc chăm sóc, bảo vệ và giáo dục con là NCTN.
Thống kê của VKSNDTC cho thấy có tới 71% trong số NCTN phạm tội là do không được cha mẹ quan tâm chăm sóc đến nơi đến chốn. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học xét xử TANDTC năm 2010, thì có 8% NCTN phạm tội có bố mẹ ly hôn; 28% phàn nàn bố mẹ không đáp ứng nhu cầu cơ bản của các em; 49% phàn nàn về cách đối xử của bố mẹ; trong số 2.209 học sinh các trường giáo dưỡng được hỏi thì có tới 49,81% học sinh đã sống trong cảnh bị đối xử hà khắc, thô bạo, độc ác của bố mẹ; số em bị bố đánh chiếm 23%, bị dì ghẻ, bố dượng đánh chiếm 20,3%. |
Thứ tư: Việc thành lập Tòa GĐ&NCTN sẽ tạo điều kiện để chuyên môn hóa công tác giải quyết các vụ việc về gia đình và NCTN nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng và thời hạn giải quyết các vụ việc về gia đình và NCTN tại TAND. Bên cạnh đó, việc thành lập Tòa chuyên trách này sẽ thúc đẩy việc xây dựng hệ thống thu thập, lưu trữ các thông tin và số liệu về các vụ việc liên quan đến gia đình và NCTN, giúp cho các cơ quan xây dựng pháp luật và hoạch định chính sách có những thông tin chính xác để đề ra những biện pháp thích hợp trong đấu tranh phòng ngừa NCTN vi phạm pháp luật, công tác chăm sóc, bảo vệ các quyền lợi chính đáng của trẻ em nói chung và NCTN nói riêng cũng như công tác bảo vệ và phát triển gia đình Việt Nam.
Thứ năm: Việc thành lập Toà GĐ&NCTN không chỉ là việc sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của TAND cho phù hợp với mục đích, yêu cầu giải quyết có hiệu quả các vụ việc về gia đình và hình sự có liên quan đến trẻ em và NCTN mà còn có thể coi đây là một thiết chế, theo đó TAND không chỉ có nhiệm vụ giải quyết, xét xử các vụ việc có liên quan đến trẻ em và NCTN mà còn phải có trách nhiệm giám sát, theo dõi việc thi hành các bản án, quyết định của Toà án trong lĩnh vực này, đặc biệt là việc áp dụng các biện pháp giáo dục, giúp đỡ NCTN phạm tội sửa chữa sai lầm, khuyết điểm và tái hoà nhập cộng đồng trong quá trình thi hành các bản án, quyết định của Toà án.
Thứ sáu: Việc thành lập Tòa GĐ&NCTN là bước đi cụ thể để thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ các quyền của trẻ em, NCTN đã được ghi nhận trong các văn kiện quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1990.
Trẻ em được tạo cơ hội phát triển bình đẳng
Cụ thể, Điều 4 Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em yêu cầu các quốc gia thành viên tiến hành tất cả những biện pháp lập pháp, hành pháp và những biện pháp thích hợp khác để thực hiện những quyền của trẻ em đã được ghi nhận trong Công ước. Trong số những quyền đó có 5 nguyên tắc chung mà Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em yêu cầu các quốc gia thành viên phải tuân thủ khi xây dựng chính sách, luật pháp và thực thi pháp luật liên quan đến bất cứ trẻ em nào dưới 18 tuổi, đó là: Lợi ích tốt nhất của trẻ em; Nguyên tắc không phân biệt đối xử; Quyền sống, sinh tồn và phát triển; Quyền được lắng nghe của trẻ em; Nhân phẩm của trẻ em.
Hướng dẫn về hành động đối với trẻ em trong hệ thống tư pháp hình sự - Nghị quyết 1997/30 của Liên hợp quốc - Quản lý tư pháp hình sự (Hướng dẫn viên) cũng đã kêu gọi các quốc gia bảo đảm rằng “những nguyên tắc và quy định của Công ước về Quyền trẻ em và những chuẩn mực cũng như các quy phạm của Liên hợp quốc về tư pháp NCTN được phản ảnh một cách đầy đủ trong luật pháp, chính sách và thực tiễn của quốc gia, đặc biệt thông qua việc thiết lập một hệ thống tư pháp NCTN hướng về trẻ em trong đó bảo đảm quyền của trẻ em, thúc đẩy ý thức của trẻ em về phẩm giá và giá trị, và quan tâm đầy đủ đến độ tuổi của trẻ em, mức độ phát triển và quyền của các em được tham gia đóng góp cho xã hội một cách có ý nghĩa”.
Bên cạnh những cơ sở nêu trên, việc Thành lập Tòa GĐ&NCTN cũng là để phù hợp với mô hình tổ chức Toà án của nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ, Philippines, Canada, Newzealand, Scotland, Cộng hòa Séc, Hoa Kỳ.
Chính vì vậy, TANDTC đề xuất quy định về mặt nguyên tắc trong cơ cấu tổ chức của TAND cấp cao, TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, TAND sơ thẩm có Tòa GĐ&NCT là một việc làm cần thiết, khả thi. Đây là một thiết chế mới tiến bộ, đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013 sửa đổi và phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em; đúng chủ trương của Đảng về xây dựng gia đình hạnh phúc. Còn việc lập Tòa này ở Tòa án nào phải tùy thuộc quy mô về công việc, đội ngũ Thẩm phán, công chức của từng Tòa án và do Chánh án TANDTC cân nhắc, quyết định.
Những căn cứ nêu trên được nêu ra tại Phiên họp thứ 27 - UBTVQH khóa XIII đã nhận được sự đồng thuận cao của các Đại biểu khi cho rằng việc thành lập Tòa chuyên trách này trong cơ cấu tổ chức của TAND là thực sự cần thiết, sớm được thực thi khi Luật Tổ chức TAND được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành.
Gia tăng các vụ án vị thành niên phạm tội Theo số liệu thống kê của TANDTC, từ năm 2007-2012, TAND các cấp đã xét xử: - Địa bàn có nhiều NCTN phạm tội là các thành phố lớn, khu đô thị như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bắc Ninh... |