Tuổi già không an yên
Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 13:34, 11/04/2019
Bị cáo Ngọc bước ra xe bịt bùng với dáng vẻ thất thần, vô định, đôi chân tuổi 72 bước lên những bậc tam cấp đầy khó khăn. Chẳng ai ngờ, cuộc sống của người đàn ông hào hoa một thời giờ lại có một đoạn kết thảm đến vậy.
Hai đời vợ, hai đứa con nhưng cuối cùng ông lại là người vô gia cư. Đáng nói, khi phạm tội ông còn trẻ, vì sợ số tiền đền bù quá lớn, vì lo những đứa con còn nhỏ chưa đủ cứng cáp để bước vào đời nên ông chọn con đường trốn chạy. Bao nhiêu năm chui lủi là bấy nhiêu năm ông chưa có một giấc ngủ tròn. Ông làm thuê, làm mướn đủ nghề để sống, để lo cho con đến khi ngẩng đầu lên thì tóc bạc, mắt mờ và đồng bọn phạm tội cùng ông đã chấp hành xong án phạt quay về.
Kết thúc đời trốn chạy, ông đối diện với những gì mình đã gây ra, chỉ tiếc thời gian và tuổi tác đã không đợi ông. Điều này càng khiến ông dằn vặt: “Bây giờ đã 72 tuổi, đứng đây tôi thấy xấu hổ vô cùng. Tôi biết việc làm của mình là sai, tất cả đã được thể hiện trong cáo trạng vì vậy tôi không nhắc đến. Tôi chỉ thấy rằng, ở cái tuổi này, bệnh tật cô đơn, đến lo cho bản thân còn thấy khó, không biết tôi sẽ phải thi hành án như thế nào. Mong HĐXX xem xét cho tôi một cơ hội để được về với con cháu những ngày cuối đời...”, bị cáo nói.
Nói thêm về cuộc đời của bị cáo, đây không phải là lần đầu tiên ông vướng vào vòng lao lý. Năm 1992, ông từng bị Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP Hồ Chí Minh xử phạt 4 năm tù về tội “Làm và sử dụng giấy tờ giả”. Cho nên về căn bản mà nói, 4 năm tuổi xuân ở chốn lao tù ngày ấy đáng lẽ ra ông phải biết điều mình làm sẽ có kết cục như thế nào. Vậy nhưng, ông đã không giữ được mình, ông đã không thể chạm ngõ của sự hoàn lương. Khi được HĐXX phân tích, bị cáo đã khóc, giọt nước mắt của sự ân hận lẫn hổ thẹn với cuộc đời, với mọi người.
Bị cáo Lê Xuân Ngọc
Theo lời khai của bị cáo, vụ án của 18 năm về trước được thể hiện, Công ty Cổ phần thương mại, dịch vụ xây dựng Bách Tùng (Công ty Bách Tùng, địa chỉ 57/19 Trần Nhân Tông, P. 9, Q. 5, TP Hồ Chí Minh), do bị cáo làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty.
Mặc dù bị cáo giữ các chức danh chủ chốt nhưng việc điều hành hoạt động của Công ty đều do Lê Văn Lắm (em ruột bị cáo) thực hiện. Mục đích thành lập Công ty là để thực hiện việc bán hóa đơn GTGT khống cho các doanh nghiệp có nhu cầu mua hóa đơn hợp thức hóa việc xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc để được nhà nước hoàn thuế GTGT rồi chiếm đoạt.
Trong đó, từ đầu năm 2001 đến tháng 8/2001, bị cáo đã ký các chứng từ hợp thức hóa đầu vào cho các doanh nghiệp để làm thủ tục xin hoàn thuế GTGT rồi chiếm đoạt của Xí nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu và chế biến thực phẩm và Tổng Công ty Xuất nhận khẩu nông sản và thực phẩm chế biến – Bộ nông nghiệp và phát triển nông tổng số tiền hơn 2,5 tỷ đồng.
Cụ thể, khoảng tháng 3/2001, Lê Văn Lắm nhờ Nguyễn Thành Danh (trú tại X12 đường Ba Vi, Cư Xá Bắc Hải, phường 15, quận 10, TP Hồ Chí Minh) tìm đối tác làm ăn. Danh giới thiệu Lắm và bị cáo gặp Lưu Tiến Bình – là Giám đốc Xí nghiệp để bàn bạc thống nhất cách thức, thủ đoạn chiếm đoạt tiền thuế GTGT từ ngân sách Nhà nước.
Để có chứng từ đầu vào, Lưu Tiến Bình và Ngọc ký kết 2 hợp đồng mua bán hàng nông sản, có nội dung Xí nghiệp mua của Công ty Bách Tùng tổng cộng 2.030 tấn hàng nông hải sản, trị giá gần 58,5 tỷ đồng (chưa bao gồm thuế GTGT). Sau đó Bình và Ngọc thống nhất nâng giá trị Hợp đồng bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng có lượng hàng 1.405 tấn, trị giá hơn 33,4 tỷ đồng. Các điều khoản còn lại giống hợp đồng số 15 nêu trên.
Để hợp thức cho việc có thực hiện 2 hợp đồng nêu trên, Công ty Bách Tùng phát hành 24 hóa đơn GTGT có nội dung: Bán hàng nông sản cho Xí nghiệp với số lượng 624,722 tấn, trị giá gần 46 tỷ đồng, thuế GTGT là hơn 2,8 tỷ đồng. Tổng giá trị tiền hàng Xí nghiệp phải thanh toán cho Công ty Bách Tùng là hơn 48,6 tỷ đồng. Để đảm bảo đủ cơ sở pháp lý, hợp thức chứng từ, Ngọc cho lập phiếu thu số tiền hơn 48,6 tỷ đồng, trong đó có 6 phiếu thu do kế toán Xí nghiệp viết tại Xí nghiệp đưa cho Ngọc ký.
Ngoài việc xuất hóa đơn GTGT khống, Ngọc được Lê Văn Lắm chỉ đạo đến cửa khẩu Móng Cái để hợp thức hóa việc mua bán (giả thu, giả chi) và xuất khống hàng hóa đi Trung Quốc. Trên thực tế, việc mua bán hàng hóa giữa Công ty Bách Tùng và Xí nghiệp là không có thật mà chỉ được thể hiện trên hồ sơ: Hợp đồng mua bán, hóa đơn GTGT, phiếu xuất hàng, phiếu nhập kho, phiếu chi, phiếu thu và Biên bản thanh lý hợp đồng.
Bị cáo Ngọc khai rằng, Công ty Bách Tùng được thành lập nhằm mục đích mua bán hóa đơn nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT của nhà nước, hoàn toàn không có hoạt động mua bán hàng hóa. Việc lập khống tài liệu, chứng từ đều do Lê Văn Lắm chỉ đạo và ăn chia theo tỷ lệ 3-7 với Lưu Tiến Bình, Ngọc được nhận tiền công 5 triệu đồng/ tháng, tổng số tiền được nhận trong khoảng 12 tháng là 60 triệu đồng.
Ngoài ra, qua sự giới thiệu của Ngô Quế Vân, ngày 02/01/2001, Đinh Thế Quyết (trú tại tổ 37, Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, TP Hà Nội) là Phó trường phòng XNK4, thuộc tổng công ty Vinafimex thay mặt Tổng công ty Vinafimex (Công ty Vinafimex) ký hợp đồng mua hàng của Ngọc. Sau khi ký hợp đồng, Ngọc ký xuất cho Tổng công ty Vinafimex 3 hóa đơn với số lượng 255,5 tấn hàng nông sản thực phẩm, tổng số tiền hàng là gần 4 tỷ đồng gồm tiền hàng là hơn 3,7 tỷ đồng, tiền thuế GTGT là hơn 248 triệu đồng.
Tại tòa bị cáo Ngọc cho rằng, cuộc sống của bị cáo quá khó khăn, vì vậy số tiền 60 triệu đồng nộp để khắc phục hậu quả bị cáo phải đi vay, đi xin nhiều nơi mới có được. HĐXX nhận định, đây là vụ án nghiêm trọng làm thất thoát của Nhà nước số tiền lớn, mặc dù vụ án xảy ra cách đây 18 năm, hiện tại bị cáo được áp dụng nhiều tình tiết mới có lợi, tuy nhiên cần phải xử phạt bị cáo nghiêm minh để làm gương. 7 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là mức án mà TAND TP Đà Nẵng tuyên phạt bị cáo trong phiên xét xử ngày 11/4. Rồi đây, 7 năm ở chốn lao tù sẽ chẳng dễ dàng chút nào với cái tuổi bên kia con dốc. Phàm ở đời, mọi sai lầm đều phải trả giá và sửa sai, nhưng trong hoàn cảnh này, với bị cáo thực sự mà nói cơ hội để làm lại cuộc đời thật quá mong manh.