Gia đình các nạn nhân yêu cầu BVĐK tỉnh Hòa Bình phải chịu trách nhiệm bồi thường
Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 20:21, 17/01/2019
Trả lời các câu hỏi của HĐXX, ông Đinh Văn Tính (bố đẻ của nạn nhân Đinh Thị Thu Hằng) cho biết, sau khi sự cố y khoa xảy ra, tính đến nay gia đình ông Tính đã nhận được sự hỗ trợ, bồi thường của các bị cáo và bị đơn dân sự gồm: Công ty Thiên Sơn bồi thường 36 triệu đồng; gia đình bị cáo Trần Văn Sơn thắp hương (hỗ trợ) 10 triệu đồng, bồi thường 4,5 triệu đồng; gia đình bị cáo Bùi Mạnh Quốc hỗ trợ 10 triệu đồng, bồi thường 7,5 triệu đồng; BVĐK tỉnh Hòa Bình bồi thường 30 triệu đồng, hỗ trợ 20 triệu đồng; Bị cáo Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình đã hỗ trợ 5 triệu đồng.
Ông Đinh Văn Tính, đại diện gia đình các nạn nhân đến tòa trong phiên xử (tháng 5/2018)
Đến tòa lần này, với tư cách là người nhà nạn nhân và cũng là người đại diện cho gia đình các nạn nhân, ông Tính yêu cầu BVĐK tỉnh Hòa Bình là đơn vị duy nhất có trách nhiệm bồi thường, ông lý giải: “vì người nhà của chúng tôi chết tại bệnh viện”.
Tiếp đó, HĐXX hỏi có yêu cầu gì đối với các bị cáo, ông Tính yêu cầu HĐXX tuyên bị cáo Hoàng Công Lương vô tội, đồng thời xin giảm trách nhiệm hình sự cho các bị cáo Bùi Mạnh Quốc, Trần Văn Sơn, và Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Thiên Sơn).
Đối với các bị cáo: Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc BVĐK Hòa Bình, Hoàng Đình Khiếu, nguyên Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình và Trần Văn Thắng, nguyên Trưởng phòng Vật tư, Thiết bị y tế BVĐK tỉnh Hòa Bình, ông Tính đề nghị HĐXX xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, cũng tại phiên tòa xét xử chiều nay, lần lượt đại diện của 9 gia đình nạn nhân tử vong và 9 gia đình bị hại may mắn thoát chết đã liệt kê các khoản đề nghị được chi trả. Ngoài các khoản mai táng phí, bồi thường tổn thất tinh thần và hỗ trợ nuôi con nhỏ dưới 18 tuổi, đại diện các gia đình bị hại cũng đề nghị được tính lãi theo lãi suất ngân hàng đối với các khoản BVĐK tỉnh Hòa Bình phải bồi thường, tính từ thời điểm xảy ra sự cố cho đến khi thực hiện bồi thường, trừ khoản bồi thường đã được “tạm ứng” trước đó.
Trước đó, trong phiên tòa sáng nay, cũng trong phần xét hỏi, khi trả lời các câu hỏi của luật sư về việc ngày 25/5/2017 ký liền 3 văn bản liên quan đến việc sửa chữa hệ thống RO 2, bị cáo Trương Quý Dương, cựu GĐ BVĐK tỉnh Hòa Bình cho biết, việc ký 3 văn bản gồm: Văn bản phê duyệt, văn bản lựa chọn nhà thầu, Hợp đồng 315 trong một ngày nhằm tiết kiệm thời gian.
Trong khi đó, luật sư cho rằng các văn bản phải có trình tự thời gian và ký lần lượt có thời gian thực hiện.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử - Ảnh: TTXVN
Theo bà Vũ Thị Thực, nguyên Trưởng phòng Tài chính, Kế toán BVĐK tỉnh Hòa Bình, chính bà Thực là người trình Giám đốc ký Hợp đồng 315. Biên bản thương thảo và hợp đồng được nhân viên dưới quyền bà Thực thực hiện. Bà Thực nói: “Để soạn thảo biên bản hợp đồng phải tuân thủ quy trình đấu thầu, tôi trực tiếp nhận hồ sơ và tổ chức gói thầu sửa chữa RO số 2 từ bị cáo Trần Văn Sơn, nhân viên Phòng Vật tư bao gồm giấy đề nghị sửa chữa hệ thống RO số 2, trong đó điều dưỡng viên và Trưởng khoa ký, biên bản làm việc đơn nguyên Thận nhân tạo với Phòng Vật tư và việc sửa chữa có 10 khoản, giá trị hợp đồng là hơn 99 triệu đồng”.
Lúc này, luật sư tiếp tục hỏi bị cáo Hoàng Đình Khiếu, cựu Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình về việc tại sao khi xảy ra sự cố chỉ chuyển 10/18 bệnh nhân sang Bệnh viện TP Hòa Bình. Bị cáo cho rằng, khi sự cố xảy ra, một số bệnh nhân bị tình trạng khó thở nên được chuyển sang hồi sức tích cực và được thở máy đặt ống. Bị cáo Khiếu nói: “Lúc đó tôi biết việc BVĐK thành phố có 9 máy hoạt động, tôi đã chuyển 5 bệnh nhân ra trước, khi đó nếu chuyển bệnh nhân nặng sẽ dẫn đến tử vong. Việc di chuyển các bệnh nhân sang Bệnh viện thành phố Hòa Bình là được sự hỗ trợ từ bác sĩ tuyến trên”.
Theo bị cáo Khiếu, việc hỏng hóc thiết bị đều được báo cho Phòng Vật tư vì ở đó có kỹ thuật viên. Việc đơn nguyên không có kỹ sư thì Phòng Vật tư phải chịu trách nghiệm. Giống như thuốc hay sửa máy móc, đơn nguyên không tự sản xuất được, mà lĩnh các dịch lọc và vật tư tiêu hao từ Phòng Vật tư và Khoa Dược.
Ngoài ra, với vai trò là Trưởng khoa Hồi sức tích cực, bị cáo Khiếu cho rằng điều dưỡng viên Nguyễn Thu Hằng nhận thiết bị sau sửa chữa từ Trần Văn Sơn, nghĩa là phải đảm bảo chất lượng nước mới nhận về.
Cũng trong phần xét hỏi, khi được hỏi với vai trò Trưởng khoa Hồi sức tích cực, trước sự cố việc sửa chữa hệ thống RO, Khoa Hồi sức tích cực có phải lập kế hoạch chuyển các bệnh nhân sang các bệnh viện khác không? Bị cáo Khiếu cho biết, không biết thời gian sửa chữa bao lâu, Phòng Vật tư không thông báo thời gian sửa chữa nên không có kế hoạch chuyển bệnh nhân sang các đơn vị khác.
Trong khi đó, theo bị cáo Bùi Mạnh Quốc, trước ngày 25/5/2017, Quốc đến bệnh viện gặp Sơn nhận bàn giao, nhưng ngày 28/5 bị cáo không bàn giao máy cho bị cáo Sơn.
Từ lời khai này, luật sư đã hỏi trong bút lục có biên bản bàn giao có chữ ký của Quốc, bị cáo nói: “Khi sự cố xảy ra, bị cáo biên bản đưa cho bị cáo Quốc, bản đó chỉ là bản tường trình”.
Bị cáo Trần Văn Sơn thừa nhận chưa nhận bàn giao trang thiết bị hệ thống nước RO sau sửa chữa từ Quốc, mà chỉ thông báo với nhau qua điện thoại. Trong ngày 28/5 (ngày sửa chữa) cũng không có biên bản bàn giao. Bị cáo Sơn khai: “Biên bản này được ký ngày hôm sau khi xảy ra sự cố. Vì phải hoàn thiện nốt thủ tục theo chỉ đạo của Trưởng phòng, biên bản bàn giao cũng là hoàn thiện thủ tục”.