Hoàng Công Lương: Bị cáo không thể là nguyên nhân gây chết người
Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 20:23, 15/01/2019
Theo đó, trả lời các câu hỏi của HĐXX, bị cáo Hoàng Công Lương vẫn giữ nguyên những lời khai từ phiên sơ thẩm lần 1 và không đồng ý với cáo buộc của VKS về tội “Vô ý làm chết người”, bị cáo cho rằng nguyên nhân gây chết người là do tồn dư hóa chất trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống RO". Bị cáo Lương nói: “Bị cáo không thể là nguyên nhân gây chết người. Với hành vi của bị cáo và quy kết của bị cáo là không đúng”.
Tiếp tục trả lời HĐXX, bị cáo Hoàng Công Lương cho biết bị cáo được đào tạo 2 tháng về kỹ thuật lọc máu nhân tạo tại Bệnh viện Bạch Mai vào cuối năm 2010. Sau khi kết thúc khóa học, bị cáo được cấp Giấy chứng nhận hoàn thành khóa học do Bệnh viện Bạch Mai cấp.
Bị cáo Hoàng Công Lương có mặt tại phiên tòa chiều nay
Theo đó, HĐXX đặt câu hỏi Hoàng Công Lương có được học về quản lý chất lượng nguồn nước chạy thận hay không, bị cáo cho hay, khi đi học có được “giới thiệu tổng quan” về nước trong lọc máu, còn bị cáo được đào tạo về điều trị theo lĩnh vực chuyên sâu.
Bị cáo Lương cho biết thêm, trong quá trình đào tạo có nhiều đối tượng học gồm bác sỹ, kỹ thuật viên, điều dưỡng viên. Tất cả được học chung nhau 1 quyển đào tạo, còn liên quan đến công việc cụ thể của từng vị trí thì được đào tạo chuyên sâu về từng mảng. Lương nói: “Bị cáo không phải chịu trách nhiệm về chất lượng nước trong chạy thận, theo quy chế của Khoa thì trách nhiệm này thuộc về Trưởng khoa”.
Tuy nhiên, sau khi HĐXX hỏi lại, bị cáo Lương lại cho rằng tại BVĐK tỉnh Hòa Bình, Trưởng khoa “không phải chịu trách nhiệm về nguồn nước”, người chịu trách nhiệm là kỹ sư của phòng Vật tư - Thiết bị y tế. Bị cáo Lương nói: “Vì đơn nguyên Thận nhân tạo không có kỹ sư chịu trách nhiệm nên Trưởng khoa không phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp này thì kỹ sư của Phòng Vật tư - Thiết bị y tế là người phải chịu trách nhiệm”.
Cũng tại tòa, bị cáo Lương trình bày bị cáo được cấp chứng chỉ hành nghề vào tháng 10/2013 về lĩnh vực nội khoa và hồi sức cấp cứu. Tại Khoa Hồi sức tích cực, bị cáo được phân công công tác với chức danh bác sỹ điều trị. Đơn nguyên Thận nhân tạo thuộc Khoa Hồi sức tích cực có các bác sỹ được phân công luân phiên nhau.
Ngày 28/5/2017 là ngày sửa chữa hệ thống RO số 2, bị cáo và tất cả nhân viên đều biết có việc sửa chữa này. HĐXX hỏi khi sửa chữa cần phải có quy định gì trước khi đưa vào vận hành, bị cáo cho rằng việc này không phải trách nhiệm của bị cáo.
Ngoài ra, bị cáo này cũng cho biết thêm, sáng ngày 29/5/2017, ngày xảy ra sự cố y khoa làm 9 người tử vong, điều dưỡng viên Đỗ Thị Điệp thông báo hệ thống đã sửa xong.
Ngay sau đó, HĐXX hỏi điều dưỡng có trách nhiệm bảo đảm hệ thống đã an toàn hay không? Bị cáo Lương trả lời “không biết điều dưỡng Điệp có được giao quản lý chất lượng nước hay không”, nhưng bị cáo có niềm tin là có thể sử dụng được. Sau đó, điều dưỡng viên Nguyễn Thị Hậu thông báo các chỉ số trong giới hạn an toàn. Hoàng Công Lương tiếp tục khẳng định: “Phòng Vật tư – Thiết bị y tế giao cho đơn nguyên Thận nhân tạo sử dụng thì đương nhiên nước đã được an toàn”.
Toàn cảnh phiên tòa xét xử
Việc bàn giao này được thực hiện bằng miệng, thông qua thông báo của các điều dưỡng sau khi Phòng Vật tư - Thiết bị y tế thông báo cho người của đơn nguyên Thận nhân tạo về việc “hệ thống đã sửa xong và an toàn”.
HĐXX tiếp tục hỏi bị cáo Lương có được Trưởng phòng Vật tư - Thiết bị y tế Trần Văn Thắng, Phó Giám đốc phụ trách Khoa Hồi sức tích cực Hoàng Đình Khiếu và Phó trưởng khoa Hoàng Công Tình thông báo trực tiếp về việc hệ thống RO đã an toàn hay chưa, Lương trả lời: Trưởng phòng Vật tư không thông báo cho bị cáo, nhưng nhân viên Phòng Vật tư (bị cáo Sơn) đã thông báo cho điều dưỡng Điệp. Bị cáo Sơn và bị cáo Khiếu không thông báo cho bị cáo, ông Hoàng Công Tình cũng không thông báo vì không có quy định nào về việc Trưởng - Phó khoa đồng ý mới được sử dụng nước RO.
Bên cạnh đó, bị cáo Hoàng Công Lương khẳng định “từ trước đến nay, khi Phòng Vật tư bàn giao cho đơn nguyên thì đơn nguyên sẽ tiếp tục sử dụng”.
Theo Cáo trạng, việc ra y lệnh và ký xác nhận của Lương để tiến hành lọc máu cho 18 bệnh nhân khi chưa có căn cứ xác định chất lượng nguồn nước sau sửa chữa RO số 2 dẫn đến việc nguồn nước không đảm bảo chất lượng trực tiếp đi vào người bệnh nhân, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Cũng tại phiên tòa, bị cáo Trần Văn Thắng, nguyên Trưởng phòng vật tư thiết bị y tế, nay là Dược sỹ - Chuyên khoa I, công tác tại Khoa Dược - BVĐK tỉnh Hòa Bình, bị truy tố và đưa ra xét xử về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” cho biết, đối với hệ thống RO số 2, bị cáo đã bàn giao cho Khoa Hồi sức tích cực sử dụng và có biên bản bàn giao.
Về việc sửa chữa hệ thống RO số 2 ngày 28/5/2017, bị cáo nắm rất rõ. Ngay từ đầu năm 2017, bị cáo đã xây dựng kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng cả 3 hệ thống RO trong quý 2/2017.
Về việc sửa chữa hệ thống RO số 2, theo bị cáo Thắng, bị cáo Trần Văn Sơn có báo cáo ngày 28/5 rằng việc bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống RO số 2 đã xong. Bị cáo hiểu là xong về mặt sửa chữa, còn việc xét nghiệm AAMI là chưa xong. Bị cáo có chỉ đạo Sơn làm thủ tục tiếp theo, đó là bàn giao tài sản cho khoa, tham gia lấy mẫu nước đi xét nghiệm.
Sau khi bị cáo Sơn bàn giao có đưa biên bản bàn giao cho bị cáo xem, bị cáo không nhớ chính xác thời điểm và chỉ nhớ là trong ngày 29.5, sau khi xảy ra sự cố, còn biên bản được lập khi nào thì bị cáo không được biết. Theo bị cáo Thắng, việc cảnh báo không thuộc trách nhiệm của bị cáo, bị cáo không được phép cảnh báo hay có ý kiến về việc có hoạt động hay không.
Theo cáo trạng, bị cáo Trần Văn Thắng với trách nhiệm được giao đã buông lỏng, không sâu sát trong quản lý, thiếu kiểm tra đôn đốc, nhắc nhở cấp dưới trong một thời gian dài. Ngoài ra, bị cáo cũng không làm hết trách nhiệm tham mưu, đề xuất với Giám đốc bệnh viện ban hành văn bản quy định cụ thể đối với việc quản lý, sửa chữa, sử dụng các thiết bị y tế nói chung và hệ thống RO nói riêng.
Báo Công lý sẽ tiếp tục cập nhật những diễn biến tại phiên tòa.