Xét xử phúc thẩm đại án tại VNCB giai đoạn 2: 4.500 tỷ đồng có nguồn gốc rõ ràng
Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 14:16, 19/12/2018
Luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn Luật sư TPHCM, bào chữa cho ông Danh) tranh tụng với đại diện VKS khi bảo lưu quan điểm đề nghị HĐXX tuyên CB không hoàn trả cho ông Danh 4.500 tỷ đồng.
Theo Luật sư Hoài, bản án sơ thẩm tuyên thu hồi số tiền 4.500 tỷ đồng được xem như là của bị cáo Phạm Công Danh từ CB, trong đó khấu trừ trên 2.300 tỷ đồng được xem như đã thu hồi.
Liên quan đến hành vi cố ý làm trái của bị cáo Danh trong vụ án này chỉ còn phải thu hồi từ ngân hàng CB số tiền trên 2.100 tỷ đồng để đảm bảo thi hành án nghĩa vụ dân sự của bị cáo Phạm Công Danh trong cả giai đoạn 1, 2 của vụ án và các nghĩa vụ dân sự khác của bị cáo Phạm Công Danh.
Việc VKS đề nghị thu hồi số tiền này là không có căn cứ vì về nguồn gốc và quyền sở hữu tiền là của bị cáo Phạm Công Danh và các cổ đông. Ông Hoài cũng cho rằng công tố mâu thuẫn với chính kết luận của CQĐT Bộ Công an.
Tại văn bản ngày 16/10/2013, NHNN đã chấp thuận việc VNCB tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng theo phương án đã được thông qua. Ngày 26/12/2013, VNCB đã được Sở KH&ĐT tỉnh Long An cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới sau khi thay đổi vốn điều lệ lên 7.500 tỷ đồng.
Về nguồn gốc số tiền, ông Hoài dẫn chứng quá trình kiểm tra, giám sát đã chứng minh trong 4.500 tỷ đồng mà nhóm cổ đông mới do Phạm Công Danh làm đại diện có nguồn gốc từ vốn vay của BIDV 4.000 tỷ đồng và vay của hai ngân hàng khác. Phạm Công Danh cũng đã nhiều lần khẳng định và Luật sư cũng đã chứng minh số tiền 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ VNCB đã thực chuyển vào Sở Giao dịch NHNN.
Phạm Công Danh và đồng bọn
“Như vậy, nguồn gốc 4.500 tỷ đồng ông Phạm Công Danh cùng các cổ đông tăng vốn điều lệ VNCB đã được các cơ quan chức năng và cơ quan tiến hành tố tụng kiểm tra, xác định rõ ràng nguồn tiền được hình thành từ các Hợp đồng tín dụng, nhưng không có kết luận nào cho rằng là khống hay trái pháp luật. Cho dù trong trường hợp các quan hệ tín dụng bị coi là trái pháp luật thì thực tế nguồn tiền để góp vốn là có thật, đã được ghi nhận từ NHNN và CQĐT, không chỉ thuộc sở hữu và trách nhiệm của cá nhân ông Phạm Công Danh, mà còn của các cổ đông khác”, Luật sư Hoài trình bày.
Tranh tụng với đại diện VKS về việc thu hồi 194 tỷ đồng từ ông Trần Quí Thanh trả cho CB như án sơ thẩm đã tuyên. Luật sư bảo vệ cho ông Thanh cho rằng, số tiền 194 tỷ đồng này là giao dịch dân sự của Phạm Thị Trang (Trang “phố núi” – đang bị truy nã) trả cho Trần Ngọc Bích (con gái ông Thanh), số tiền này chuyển vào tài khoản của ông Trần Quí Thanh tại EximBank. Không có căn cứ xác định tiền này xuất phát từ hành vi phạm tội của ông Danh.
Luật sư cũng cho rằng số tiền 194 tỷ đồng không phải là vật chứng của vụ án, không được thu giữ và bảo quản theo quy định trong các giai đoạn tố tụng. “Số tiền hơn 194 tỷ đồng xuất phát từ giao dịch hợp pháp, các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm cũng không có kết luận nào về giao dịch này là bất hợp pháp. Thậm chí ngay cả khi chấp nhận đây là tiền do Phạm Công Danh chuyển cho ông Thanh thì đó cũng là giao dịch hợp pháp”, Luật sư của ông Thanh tranh tụng.
Cũng theo Luật sư bảo vệ cho ông Thanh thì không xác định được đường đi cuối cùng của số tiền hơn 194 tỷ đồng. Cho đến thời điểm hiện nay không thể hiện được điểm dừng số tiền này là ở đâu nhưng lại buộc ông Thanh trả lại số tiền này là bất hợp lý. Việc CB bị thiệt hại là do lỗi của CB đã để ông Danh sử dụng tiền ngân hàng không đúng chứ không phải do lỗi của những người đã giao dịch với ông Danh.
Tại phiên tòa, đại diện của CB tranh tụng cho rằng việc tăng vốn điều lệ bằng số tiền 4.500 tỷ đồng không phải là một giao dịch sân sự đơn thuần, việc áp dụng theo Bộ luật dân sự làm cơ sở để thu hồi số tiền này từ CB trả lại cho Phạm Công Danh như phán quyết của cấp sơ thẩm là chưa đủ cơ sở vững chắc…
Luật sư bảo vệ cho BIDV cho rằng, BIDV không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại vì BIDV không gây ra. Việc án sơ thẩm quyết định thu hồi số tiền trên 1.600 tỷ đồng từ BIDV trả cho CB là không đúng đối tượng, hoàn toàn không có căn cứ pháp lý và không thỏa đáng.
Luật sư bảo vệ cho Agribank và Ocean Bank đều cho rằng, quá trình thẩm định, cho vay, giải ngân và tất toán các khoản vay giữa hai đơn vị này và các pháp nhân, cá nhân do Phạm Công Danh lập ra là đúng quy định của pháp luật, đúng với nghiệp vụ ngân hàng. Luật sư khẳng định không có quy định nào yêu cầu phải xác minh nguồn tiền tất toán khoản vay. Các giao dịch này là hợp pháp, ngay tình, phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự nên không thể xem là vật chứng nên không có cơ sở để thu hồi lại tiền từ Agribank và Ocean Bank.
Luật sư Nguyễn Thị Thanh Thảo (bảo vệ cho bà Hứa Thị Phấn – nguyên Cố vấn TrustBank) cho rằng, ông Danh đề nghị thu hồi 3.600 tỷ đồng từ bà Phấn theo lập luận của ông Danh đây là số tiền ông Danh trả nợ thay cho bà Phấn để lấy tài sản là không liên quan đến giai đoạn 2 này, số tiền này do các bị cáo gửi ngân hàng để tái cơ cấu nên không có cơ sở để thu hồi.
Được nói lời sau cùng, các bị cáo đều mong HĐXX cấp phúc thẩm ra một bản án thấu tình, đạt lý. Riêng Phạm Công Danh mong HĐXX chấp nhận án sơ thẩm đã tuyên là CB hoàn trả cho ông 4.500 tỷ đồng.
Dự kiến ngày 25/12, Tòa sẽ tuyên án.