Xét xử vụ án Ngân hàng Đông Á: Nguyên TGĐ Công ty CP Lương thực Nam Định ân hận, xin giảm nhẹ hình phạt
Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 16:59, 10/12/2018
Các luật sư đều đề nghị HĐXX xem xét đến hoàn cảnh, động cơ, mục đích của việc phạm tội để xin giảm nhẹ hình phạt. Nhiều bị cáo đều xin tòa xem xét vì đã “thực sự ân hận”, trong đó có bị cáo Phạm Văn Phước, nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ phần lương thực Nam Định…
Bị cáo Phạm Văn Phước bị đại diện VKSND TP. Hồ Chí Minh đề nghị HĐXX tuyên phạt từ 10 -12 năm tù về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt của Ngân hàng Đông Á 9,23 tỷ trong việc nhận chuyển nhượng 462,7m2 đất và tài sản trên đất tại số 52 Quang Trung, phường Bà Triệu, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định làm trụ sở DAB chi nhánh Nam Định;
Luật sư Nguyễn Hoàng Bách cùng 2 luật sư khác bào chữa cho bị cáo Phạm Văn Phước. Luật sư đã phân tích hoàn cảnh, động cơ của ông Phước khi phạm sai lầm để rồi phải ra tòa hôm nay. Theo đó, Công ty cổ phần lương thực Nam Định (có 51% vốn của Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc là tổng công ty 100% vốn nhà nước) hoạt động không hiệu quả để phải cổ phần hóa. Các ưu đãi bị cắt giảm bởi Tổng Công ty lương thực miền Bắc. Do các khoản lỗ của Công ty lên đến 13 tỷ đồng và ông Phước đã không kê khai số tiền này, đây là sai lầm của ông Phước. Bị cáo đã tự bù lỗ, căn cứ vào tình hình thực tế, báo cáo với Tổng Công ty lương thực miền Bắc bán khu đất 462,7m2 đất và tài sản trên đất tại số 52 Quang Trung, phường Bà Triệu, TP Nam Định, tỉnh Nam Định cho DAB làm trụ sở chi nhánh tại Nam Định.
Ngày 28/02/2013, DAB ủy quyền cho Trần Huy Nam (Giám đốc DAB Chi nhánh Nam Định) đàm phán với Phạm Văn Phước làm đại diện về việc nhận chuyển nhượng khu đất. Ngày 08/4/2013, Trần Huy Nam và Phạm Văn Phước lập biên bản làm việc với nội dung: Công ty Lương thực Nam Định chuyển nhượng khu đất trên với giá 19,2 tỷ đồng.
Ngày 12/11/2013, Tổng Công ty lương thực Miền Bắc có Nghị quyết số 89/NQ-LTNĐ-HĐQT yêu cầu Công ty Lương thực Nam Định phải tổ chức đấu giá tài sản nêu trên.
Ngày 25/03/2014, Công ty CP Dịch vụ Đấu giá Việt Nam tổ chức đấu giá với kết quả DAB Chi nhánh Nam Định là đơn vị trúng thầu với giá 10,9 tỷ đồng. Sau khi đấu giá, Phạm Văn Phước yêu cầu DAB phải trả cho Công ty Lương thực Nam Định 19,23 tỷ đồng hoặc là sẽ hủy bỏ việc mua bán tài sản này.
Ngày 24/3/2014 và 26/3/2014, Trần Phương Bình yêu cầu Nguyễn Thị Kim Xuyến chỉ đạo Phòng ngân quỹ DAB chuyển cho Trần Huy Nam 9,23 tỷ đồng và Trần Huy Nam đã chuyển tiền mặt cho Phạm Văn Phước số tiền trên. Tuy nhiên, xác minh tại Công ty Lương thực Nam Định cho thấy DAB chỉ thanh toán cho 10.9 tỷ đồng, Công ty Lương thực Nam Định không nhận thêm bất cứ khoản tiền nào khác liên quan đến việc mua chuyển nhượng 462,7m2 đất và tài sản trên đất nêu trên. Từ đó, bị cáo Phước phải chịu trách nhiệm về việc chiếm đoạt 9,23 tỷ đồng.
Bị cáo Xuyến, nguyên Phó Tổng giám đốc DAB tại tòa
Theo luật sư, việc làm của ông Phước là sai, “tình ngay lý gian”. Bị cáo Phước khai Trần Huy Nam chỉ chuyển 07 tỷ đồng cho bị cáo để thanh toán tiền chuyển nhượng tài sản nêu trên nhưng trên chứng từ vẫn ghi là nhận 9,23 tỷđồng; Trần Huy Nam giữ lại 2,23 tỷ đồng để xử lý công việc của DAB, Phước không biết là xử lý việc gì. Phạm Văn Phước đã nhập quỹ Công ty Lương thực Nam Định 07 tỷ đồng để giải quyết khó khăn, thua lỗ trong sản xuất kinh doanh trước đây của Công ty lương thực Nam Định và hỗ trợ giải quyết chế độ chính sách cho công nhân viên Công ty.
Vì thế, luật sư mong muốn HĐXX xem xét điều kiện hoàn cảnh và động cơ phạm tội của bị cáo Phước, không tư lợi cá nhân mà mong muốn duy trì hoạt động để người lao động có công ăn việc làm dẫn tới những việc làm phạm pháp. Bị cáo đã tự nguyện khắc phục hậu quả, gia đình nộp 100 triệu đồng
Quá trình điều tra, xét xử, bị cáo ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo, bản thân có nhiều thành tích như được Thủ tướng tặng bằng khen. VKS đề nghị phạt bị cáo từ 10-12 năm là quá nặng, đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt để cho bị cáo trở về với gia đình, có điều kiện khắc phục hậu quả
Quá trình tự bào chữa bổ sung, bị cáo Phước đã bày tỏ: “Tôi thực sự hối hận vì việc làm sai trái của mình. Chỉ mong được xem xét giảm nhẹ hình phạt”.
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Ái Lan, nguyên Trưởng phòng nguồn vốn Hội sở DAB bị VKS đề nghị 10-12 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Kinh doanh ngoại hối trái phép, các luật sư cho rằng mức án đề nghị quá nặng. Luật sư đề nghị xem xét bối cảnh phạm tội.
Theo đó, luật sư cho rằng bị cáo buộc phải làm để cứu ngân hàng, không làm thì “ngân hàng đổ vỡ, thiệt hại còn lớn hơn nhiều”. Các luật sư xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, nhân thân có trình độ, có nhiều bằng khen của Thống đốc Ngân hàng, “chiến sỹ thi đua” của ngành ngân hàng, UBND quận Phú Nhuận cũng có giấy khen. Bị cáo có hoàn cảnh mẹ già, con nhỏ, thành khẩn nhận tội nên luật sư mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt để bị cáo trở về cống hiến thêm cho xã hội.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến - nguyên Phó Tổng giám đốc DAB cũng đề nghị tòa xem xét bối cảnh phạm tội của bị cáo để giảm nhẹ hình phạt. Tự bào chữa, bà Xuyến cho biết sau khi bị bắt và tham gia phiên toà, bị cáo mới hiểu rõ tội lỗi của mình đến đâu. Bị cáo chịu trách nhiệm với tội của mình gây ra.
Bị cáo Đỗ Thanh Hùng, nguyên Thủ quỹ Hội sở DAB, phạm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng cũng khai nhận việc phạm tội do phải “làm theo lệnh”, quy trình từ 2007, không nghĩ là việc làm vi phạm. “Bị cáo làm công ăn lương, không nhận được một đồng nào từ việc việc vi phạm. Lương chỉ có 3 triệu đồng, sau đó tăng lên 8 triệu, không hưởng lợi gì hết”, bị cáo Hùng bày tỏ và xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt…