Những bất ngờ trong phiên tòa xét xử vụ án đánh bạc nghìn tỷ tại Phú Thọ
Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 13:21, 17/11/2018
Cục trưởng Nguyễn Thanh Hóa bất ngờ từ chối thu thập chứng cứ
Trong phiên tòa xét xử sáng ngày (17/11), Chủ tọa phiên tòa - Nguyễn Thị Thùy Hương thông báo về việc bị cáo Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao - C50) đề nghị HĐXX không thu thập 2 tài liệu mà trước đó luật sư của ông Hóa đã đề nghị HĐXX thu thập.
Đó là 2 văn bản liên quan đến ngành công an. Cựu Cục trưởng C50 từng có đơn gửi HĐXX đề nghị thu thập 2 văn bản này. Tuy nhiên, sáng nay (17/11), Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương bất ngờ thông báo Nguyễn Thanh Hóa đã đề nghị không thu thập hai tài liệu quan trọng này.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử
Trước đó, Luật sư của bị cáo Nguyễn Thanh Hóa cho rằng 2 văn bản này cần được làm rõ, là chứng cứ quan trọng, căn cứ giảm án cho cựu Cục trưởng C50 nhưng lại không có trong hồ sơ vụ án. Sau đó, HĐXX đã ra quyết định yêu cầu cơ quan công an cung cấp. "Tuy nhiên, hôm nay tòa nhận được đơn của bị cáo Nguyễn Thanh Hóa, đề nghị HĐXX không thu thập các tài liệu này nữa", Chủ tọa Nguyên Thị Thùy Hương nói.
Cũng trong sáng nay, HĐXX tiến hành xét hỏi đối với các bị cáo thuộc Công ty CNC liên quan đến việc kết nối với các cổng thanh toán trung gian. Để đảm bảo tính khách quan, HĐXX đã quyết định cách ly bị cáo Nguyễn Văn Dương (cựu Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH đầu tư phát triển An ninh công nghệ cao - CNC)
Các bị cáo khai được Nguyễn Văn Dương thông báo CNC là công ty nghiệp vụ của C50, hoạt động nhằm mục đích thu thập chứng cứ phòng chống tội phạm công nghệ cao. Do đó, các nhân viên dưới quyền tin tưởng và yên tâm làm việc.
Bị cáo Lưu Thị Hồng được mời lên bục khai báo
Cựu Tổng Giám đốc Lưu Thị Hồng góp bao nhiêu tỷ vào Công ty CNC?
Cũng trong phần xét hỏi, trả lời các câu hỏi của HĐXX, bị cáo Lưu Thị Hồng - Cựu Tổng Giám đốc Công ty CNC cho biết, bị cáo về làm việc tại CNC vào cuối năm 2011 với chức vụ Tổng Giám đốc và được Dương mời về công ty do có quan hệ bạn bè, còn với bị cáo Phan Sào Nam (cựu Chủ tịch VTC Online), Lưu Thị Hồng khai từng có mối quan hệ gần 5 năm là đồng nghiệp tại VTC trước khi được Dương mời về CNC.
Quá trình làm việc tại CNC, bị cáo đóng góp 700 tỷ đồng theo lộ trình tại công ty, bị cáo Hồng khai: “Bị cáo là một trong những người đầu tiên tại công ty, có những lúc công ty cần tiền thì bị cáo nộp tiền vào để hỗ trợ cho CNC”.
“Bị cáo hoàn toàn tin tưởng anh Dương (Nguyễn Văn Dương) nên ký các hợp đồng với VTC Online. Bị cáo không còn nhớ rõ mình có thắc mắc gì khi ký hay không. Bị cáo cung không biết việc thực hiện HĐ như thế nào”.
Trong quá trình CNC hợp tác với VTC Online trong việc kinh doanh game bài, bị cáo không phải là người thực hiện hợp đồng nhưng đã ký đối soát 3 tháng đầu tiên. Lưu Thị Hồng không phải là người đại diện theo pháp luật nên nhận thấy mình ký đối soát là không đúng, do đó đã yêu cầu Dương ủy quyền ký khi Dương đi vắng.
Bị cáo Hồng trả lời các câu hỏi của HĐXX
Bị cáo Hồng khai: “Sau đó bị cáo thấy nhiều tiền nên đã không ký nữa. Bị cáo yêu cầu anh Dương ủy quyền ký nhưng anh Dương vẫn không ủy quyền cho bị cáo. Đến khi bị bắt, bị cáo mới biết bị cáo đã ký vào HĐ kinh doanh game bài bất hợp pháp”.
Tuy nhiên, có lúc bị cáo Hồng lại khẳng định dù biết là game không được cấp phép là sai quy định, nhưng nghe nói là thử nghiệm và lại rất nhiều tiền nên đã ký các Hợp đồng thay Dương.
Bị cáo Hồng khẳng định việc ký các hợp đồng và phụ lục hợp đồng với các đối tác hoàn toàn tự nguyện, không bị ai ép buộc.
Theo cáo trạng, đầu năm 2015, biết Công ty CNC của Nguyễn Văn Dương là công ty bình phong thuộc Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50), Phan Sào Nam (Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty VTC Online) đã gặp và đề nghị Dương hợp tác phát hành phần mềm đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet bằng hình thức game bài Rikvip và được Dương đồng ý.
Lưu Thị Hồng được Nguyễn Văn Dương chỉ đạo ký Hợp đồng số 010/HĐKT/CNC-VTCO ngày 1/4/2015 với Công ty VTC Online do Phan Sào Nam đại diện, về việc “cung cấp dịch vụ phần mềm và giải pháp công nghệ” cho dịch vụ “Win2All khai thác thương mại với tên Rikvip theo địa chỉ web www.Rikvip.com”.
Luật sư Giang Hồng Thanh tham gia phần xét hỏi tại phiên tòa sáng nay
Theo hợp đồng này, Công ty CNC - Bên A “...đóng vai trò là đơn vị: Phát hành Dịch vụ (vận hành, quảng bá, chăm sóc khách hàng); Cung cấp hệ thống, giải pháp thanh toán cho Dịch vụ; Đứng tên giấy phép, văn bản chấp thuận theo quy định của pháp luật liên quan đến việc khai thác thương mại Dịch vụ tại Việt Nam.....”. Công ty VTC online - Bên B: “....đóng vai trò là đơn vị: Sản xuất, phát triển và liên tục bổ sung, chỉnh sửa, cập nhật nội dung Dịch vụ; Đầu tư về cơ sở hạ tầng như phần cứng (hệ thống máy chủ), các phần mềm liên quan (phần mềm bảo vệ, bảo mật, hệ điều hành...) theo yêu cầu đảm bảo triển khai Dịch vụ; Vận hành và đảm bảo hệ thống kỹ thuật luôn ổn định trong quá trình khai thác kinh doanh Dịch vụ. Kết nối kỹ thuật với hệ thống thanh toán của Công ty CNC; Cùng tham gia phối hợp và hỗ trợ Công ty CNC trong việc phát hành Dịch vụ (vận hành, quảng bá, chăm sóc khách hàng...).”.
Thỏa thuận tỷ lệ phân chia doanh thu theo Phụ lục hợp đồng số 01ngày 01/4/2015: “Nếu doanh thu đến 05 tỷ đồng/tháng, thì CNC hưởng 30%, VTC Online hưởng 70%; Nếu doanh thu từ trên 05 tỷ đồng/tháng đến dưới 15 tỷ đồng, thì CNC hưởng 35%, VTC Online hưởng 65%; Nếu doanh thu trên 15 tỷ đồng/tháng, thì CNC được hưởng 40%, VTC Online hưởng 60% ...”, mỗi tháng, 02 kỳ, Công ty CNC và Công ty VTC Online ký đối soát để thanh toán hợp đồng.
Lưu Thị Hồng còn ký Hợp đồng số 147/2015/HN/VMG-CNC, ngày 11/6/2015 với Công ty cổ phần truyền thông VMG (Công ty VMG) cung cấp dịch vụ tin nhắn thương hiệu “Rikvip” với các nhà mạng. Ngày 30/6/2015, Lưu Thị Hồng ký giấy tiếp nhận việc đăng ký tên miền “Rikvip.vn”.
Trong quá trình vận hành game bài Rikvip, Hồng là người ký đối soát sản lượng game bài với Công ty VTC Online các tháng 4, 5, 6, nửa cuối tháng 8 và tháng 9 năm 2015, ký 3 phụ lục hợp đồng về điều chỉnh tỷ lệ ăn chia với VTC Online.
Trong đó, phụ lục hợp đồng cuối cùng được Hồng ký ngày 15/3/2016, về việc điều chỉnh tỷ lệ phân chia doanh thu theo đó: “... - Tỷ lệ Công ty CNC nhận được/Doanh thu thẻ: 31%; từ bank, gocoin: 16%; - Tỷ lệ Công ty VTC Online nhận được/Doanh thu từ thẻ: 69%; từ bank, gocoin: 84%.... thời gian áp dụng cho toàn bộ doanh thu phát sinh từ 0h00 ngày 16/3/2016”.
Phiên tòa sẽ tiếp tục được làm việc trở lại vào 2h chiều nay.