Nâng cao hơn nữa trách nhiệm, đạo đức người làm báo
Chính trị - Ngày đăng : 17:46, 18/04/2014
Dự hội nghị có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh; đại diện lãnh đạo Ban, Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương, các cơ quan báo chí cùng hơn 400 đại biểu thuộc Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam tham dự.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Vinh Bá)
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (NBVN) kêu gọi các hội viên Hội NBVN hãy chủ động tuyên truyền sâu rộng hơn nữa đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, tích cực phòng chống tham nhũng, đấu tranh phản biện thông tin sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch…
Với thông điệp “Nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Hội nghị đã kiểm điểm, đánh giá mọi mặt hoạt động Hội trong năm 2013 vừa qua đồng thời cũng là dịp để T.Ư Hội cùng các cấp HNB trong cả nước cùng bàn bạc, trao đổi để phát triển, đổi mới hơn nữa hoạt động Hội, để Hội NBVN phát triển xứng tầm vị thế là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, là "mái nhà chung ấm áp" của những người làm báo Việt Nam.
Đồng chí Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch thường trực Hội NBVN báo cáo tổng kết công tác 2013, đề ra nhiệm vụ 2014. Tính đến cuối năm 2013, cả nước có 288 tổ chức cơ sở hội, gồm 63 Hội tỉnh, thành phố; 19 Liên chi hội, 206 chi hội trực thuộc. Đã có 14 chi hội trực thuộc Trung ương Hội được thành lập mới, 36 cấp hội tổ chức đại hội nhiệm kỳ. Với hơn 20.000 hội viên, Hội NBVN đã tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo Hiến pháp năm 1992, đóng góp vào các lĩnh vực chung, chú trọng lĩnh vực xã hội, báo chí… Ngoài ra, các cấp hội đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, có nhiều tin bài hưởng ứng thi sáng tác các tác phẩm báo chí về đề tài này do Ban Tuyên giáo Trung ương phát động.
Hội đã tham mưu, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và được Thủ tướng cho ý kiến giải quyết nhiều kiến nghị, đề xuất, chỉ đạo giải quyết các vướng mắc trong hoạt động hội. Đặc biệt, Hội Nhà báo đề nghị và được Quốc hội chấp thuận giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với báo in từ 25% xuống còn 10%, góp phần giải quyết khó khăn trong hoạt động báo chí.
Trong công tác nghiệp vụ, Hội đã tổ chức 10 cuộc hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế cùng nhiều hoạt động nghiệp vụ khác. Hội đã tổ chức 74 lớp bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho 2.115 học viên. Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ đã xây dựng được đội ngũ giảng viên là các nhà báo hội viên có thực tiễn, kinh nghiệm làm báo và giảng dạy. Chất lượng giải báo chí quốc gia lần thứ VII được nâng cao, tạo dấu ấn trong dư luận.
Năm 2014, Hội NBVN đề ra 13 nhiệm vụ, đó là tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể như tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội NBVN trong thời kỳ mới và các văn bản chỉ đạo khác của Đảng và Nhà nước để đẩy mạnh toàn diện hoạt động của các cấp hội.
Tăng cường chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cấp hội nhằm triển khai hiệu quả và đầy đủ các chương trình, kế hoạch công tác, trong đó trọng tâm là nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để các cấp hội xây dựng chương trình hành động. Hội nghị thể hiện quyết tâm chuẩn bị tốt nhất về mọi mặt hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội NBVN lần thứ X năm 2015.
Mặt khác, tham gia tham mưu, kiến nghị với Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng cơ chế, chính sách đối với báo chí, những người làm báo, các cơ quan báo chí và việc quản lý báo chí để báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; Tăng số lượng và chất lượng các lớp bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ, đặc biệt chú trọng việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp, tổ chức các cuộc tập huấn, hội thảo, chuyên đề giúp hội viên nâng cao trình độ, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống; Tổ chức tốt Giải Báo chí quốc gia lần thứ VIII và Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội hằng năm. Tăng cường công tác quy hoạch, quản lý, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo Hội các cấp, có cơ chế đặc thù để thu hút cán bộ có kinh nghiệm, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý về làm công tác Hội.
Tại hội nghị, đồng chí Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ ra những khó khăn, tồn tại của công tác báo chí, đó là: Thông tin trên mạng còn ồ ạt, còn nhiều thông tin sai sự thật; kinh tế báo chí còn gian nan; nội dung một số báo trông như tờ “cáo phó” - tức là phản ánh mặt trái (cướp, giết, hiếp) quá nhiều. Đồng chí Hoàng Hữu Lượng đề nghị cần nâng cao trách nhiệm, đạo đức người làm báo. Chỉ như vậy thì trước những luồng thông tin, nhà báo mới có thể xử lý, viết nên những bài mang tới cho bạn đọc những giá trị chân thật, có định hướng, có nhân văn.
Phát biểu tham luận tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Phương Nga, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết: Báo chí nước ta nên hướng tới mục tiêu tạo đồng thuận xã hội và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới với Việt Nam. Tuy nhiên, công tác thông tin đối ngoại chưa đáp ứng được nhiệm vụ trong tình hình mới, đòi hỏi các cơ quan báo chí tăng cường thông tin định hướng một cách kịp thời hơn nữa, đặc biệt là phối hợp thống nhất trong hành động.
Hội nghị cũng ghi nhận một số tham luận khác về công tác đào tạo của Hội nhà báo các tỉnh, thành; công tác chuyên môn nghiệp vụ…
Hội nghị còn là dịp để biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các kinh nghiệm hay, các điển hình, nhân tố mới trong hoạt động của cá nhân và tập thể ở các cấp Hội; đẩy mạnh phong trào thi đua và khen thưởng… Tại Hội nghị lần này, có 2 tập thể và 5 cá nhân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 25 đơn vị “Tập thể Hội xuất sắc” được tặng Cờ Thi đua của Hội Nhà báo Việt Nam; 40 tập thể và 182 cá nhân được tặng Bằng khen của Chủ tịch HNBVN vì đã có “Thành tích xuất sắc về nghiệp vụ và xây dựng Hội năm 2013”.
Hiện cả nước có 383 cơ quan báo in, 67 đài phát thanh truyền hình, 104 kênh truyền hình quảng bá, 70 kênh truyền hình nước ngoài đang được phát sóng tại Việt Nam. 92 báo điện tử, trong đó có 72 tờ báo điện tử trực thuộc các cơ quan báo chí. 265 trang tin điện tử và hơn 300 trang mạng xã hội. |
Lan Phương