Vụ án đánh bạc nghìn tỷ: Phan Sào Nam đưa người thân vào vòng lao lý như thế nào?
Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 07:07, 14/11/2018
Rửa tiền thông qua ODS
Công ty CP Dịch vụ dữ liệu trực tuyến (Công ty ODS), do Huỳnh Trọng Văn (SN 1982) là người đại diện theo pháp luật, để thực hiện hành vi mua bán trái phép hóa đơn.
Đối với phần doanh thu tổ chức đánh bạc của Công ty Nam Việt được Công ty VTC Online ở giai đoạn Rikvip đều được hạch toán trên sổ sách kế toán.
Phan Sào Nam bị đưa ra xét xử
Để có tiền nạp vào tài khoản “Syline”, tiền chi cho các khoản không được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp và sử dụng cá nhân, Phan Sào Nam đã liên hệ với Huỳnh Trọng Văn để nhờ Văn xử lý giảm thuế thu nhập doanh nghiệp bằng cách mua hóa đơn đầu vào với chi phí 10% trên tổng giá trị ghi trên hóa đơn.
Sau khi được Văn đồng ý, Phan Sào Nam chỉ đạo Đỗ Bích Thủy, Giám đốc Công ty Nam Việt, ký Hợp đồng với Công ty ODS để thuê máy chủ và đường truyền. Ngoài ra, Nam cũng chỉ đạo Phan Anh Tuấn, Giám đốc công nghệ Công ty VTC Online, người được Nam ủy quyền, ký Hợp đồng với Công ty ODS cũng với nội dung thuê máy chủ và đường truyền.
Sau khi bên Công ty ODS xuất hóa đơn giá trị gia tăng và có giấy đề nghị thanh toán, Nam chỉ đạo Đỗ Bích Thủy và Phan Anh Tuấn cho kế toán chuyển tiền vào tài khoản của Công ty ODS.
Văn chỉ đạo kế toán rút tiền từ tài khoản Công ty ODS nộp vào tài khoản cá nhân của Vũ Hà Phương (SN1983), là kiểm soát kế toán của Công ty Nam Việt, để chi theo chỉ đạo của Phan Sào Nam.
Cụ thể, từ ngày 24/8/2015 - 17/2/2017, Huỳnh Trọng Văn đã bán cho Công ty Nam Việt 22 hóa đơn GTGT khống với tổng doanh số là 80,177 tỷ đồng; bán 14 hóa đơn GTGT khống cho Công ty VTC Online với doanh số là 5,754 tỷ đồng; Văn cho người rút ra và chuyển lại vào tài khoản Vũ Hà Phương 78,119 tỷ đồng, còn lại Công ty ODS hưởng lợi 7,820 tỷ đồng.
Nguyễn Văn Dương được dẫn giải tới phiên tòa
Tổng cộng trong giai đoạn này, số tiền xử lý được chuyển về tài khoản của Vũ Hà Phương là 87,114 tỷ đồng. Vũ Hà Phương đã chuyển tiền vào các tài khoản của cá nhân, trong đó có 6 tỷ đồng chuyển vào tài khoản Phan Thu Hương (dì ruột của Phan Sào Nam) và một phần chuyển vào 4 công ty là Công ty cổ phần BITPRO, công ty FINTECH, Công ty Ấn tượng Hạ Long, Vịnh Xanh Hạ Long để góp vốn trong tổng số 92,820 tỷ đồng do Đỗ Bích Thủy, Hoàng Thành Trung, Phan Anh Tuấn và Lê Văn Kiên đứng tên góp vốn.
Số tiền góp vốn Công ty Nam Việt và Công ty BITPRO sau đó được sử dụng mua 3 xe ô tô (1 xe KIA Rondo; 1 xe KIA Sedona; 1 xe Rangrover) cho Nam và Trung sử dụng.
Do không biết mục đích của Nam là rửa tiền nên Vũ Hà Phương chỉ bị khởi tố bị can về hành vi “Mua bán trái phép hóa đơn”.
Đối với Phan Thu Hương, ngoài số tiền chuyển qua Đỗ Thế Sơn để chuyển đến Phan Thu Hương, Phan Sào Nam còn chỉ đạo Lê Văn Kiên, Bùi Thị Ngân, Vũ Hà Phương chuyển vào tài khoản của Đỗ Thế Sơn số tiền 5,52 tỷ đồng; chuyển vào tài khoản của Phan Thu Hương với tổng số tiền là 14,049 tỷ đồng.
Tổng cộng Phan Sào Nam chỉ đạo nhân viên và đối tác chuyển vào tài khoản của Phan Thu Hương (dì ruột của Nam), số tiền 236,069 tỷ đồng và nhờ Hương kinh doanh sinh lời.
Sau khi nhận được số tiền trên, Phan Thu Hương gửi tiết kiệm ngắn hạn, sau đó rút ra mua vàng, đôla Mỹ rồi bán kiếm lời. Đến tháng 11/2016, Phan Thu Hương sử dụng một phần nguồn tiền này và tiền vốn tích cóp được mua 5 căn hộ tại TP HCM, với giá 28,470 tỷ đồng và nhờ Phí Quang Hưng (bạn Nam) đứng tên giấy tờ nhà.
Đến đầu năm 2017, Phan Thu Hương tiếp tục sử dụng số tiền Nam chuyển và tiền của bản thân mua căn nhà số 45, Lê Quý Đôn, phường 7, quận 3, TP HCM với giá 270 tỷ đồng để đầu tư sinh lời.
Theo đó, cơ quan An ninh điều tra đã ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam đối với Phan Thu Hương về tội “Rửa tiền”. Tại Cơ quan điều tra, Hương khai báo bản thân đã có hành vi che giấu cho bị can Phan Sào Nam vì tình cảm dì cháu và đã nuôi Nam từ nhỏ nên không muốn Nam bị vào vòng lao lý.
Đến thời điểm công bố bản cáo trạng, Hương và gia đình đã nộp được 22 tỷ đồng và tự nguyện xin bán nhà để khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.
Hành vi của các bị cáo đã phải trả giá bằng việc ra hầu tòa
Thực hiện việc mua bán hóa đơn với công ty Lô Gích
Ngoài Công ty ODS, Phan Sào Nam còn câu kết với Công ty CP Lô Gích đăng ký doanh nghiệp lần đầu năm 2008 với vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng (trụ sở tại số 47A, Trần Duy Hưng, Hà Nội), do ông Nguyễn Trọng Thắng (SN1975) góp 93,67% vốn điều lệ và làm Chủ tịch HĐQT.
Ngày 3/2/2016 Lô Gích đăng ký thay đổi doanh nghiệp lần 4, trong đó Bùi Ngọc Hoàn mua lại cổ phần của Phạm Thế Tuấn và được bổ nhiệm làm Giám đốc, đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Đến ngày 22/7/2018 Công ty thay đổi đăng ký doanh nghiệp lần 7, bà Hồ Thị Trang (SN 1985) làm Giám đốc, đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Trong giai đoạn đường dây đánh bạc của Nguyễn Văn Dương (cựu Chủ tịch HĐTV Công ty CNC và Phan Sào Nam (cựu TGĐ VTC Online) hoạt động dưới hình thức game bài Rikvip, để có tiền nộp vào các tài khoản của đại lý tổng “Skyline” và “Worlbank69”, Phan Sào Nam trực tiếp liên hệ, thỏa thuận với Nguyễn Trọng Thắng sử dụng Hợp đồng đã có sẵn giữa Công ty VTC online với Công ty Lô Gích để “xử lý” tiền cho Công ty VTC Online, với chi phí 0,9% trên tổng doanh số.
Nguyễn Trọng Thắng chỉ đạo cấp dưới lập đơn hàng, xuất hóa đơn khống cho Công ty VTC Online nhằm giúp cho Công ty VTC Online rút được tiền mặt từ doanh thu tổ chức đánh bạc.
Sau khi Công ty VTC Online thanh toán tiền qua chuyển khoản, nhóm của Thắng rút tiền từ tài khoản Công ty Lô Gích nộp vào các tài khoản cá nhân theo yêu cầu của Phan Sào Nam, là các tài khoản của đại lý tổng “Skyline” và “Worldbank69”....
Ngoài ra, theo yêu cầu của Phan Sào Nam, Nguyễn Trọng Thắng còn chỉ đạo nhân viên Công ty Lô Gích từ ngày 1/3/2016 - 2/8/2016 chuyển 216,500 tỷ đồng vào tài khoản cá nhân của Đỗ Thế Sơn 148 tỷ đồng, rồi Sơn chuyển vào tài khoản cá nhân dì ruột Phan Sào Nam là Phan Thu Hương để gửi tiết kiệm. mua bất động sản.