Phút đền tội của sát thủ đội lốt người bán bột rán dạo
Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 06:34, 07/08/2018
Trong thời gian bỏ trốn, Phúc còn tập hợp nhóm thanh niên hư hỏng lập băng cướp “9X”, gây ra các nhiều vụ “ăn bay” táo tợn ở Tiền Giang, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương…
Theo hồ sơ vụ án, Cao Hồng Phúc ham chơi, tiền án tiền sự đầy mình. Năm 2010, Phúc xộ khám sau khi ra tay cướp giật tài sản tại quận 4. Vừa ra tù, Phúc lại tái phạm trên địa bàn quận 8, tiếp tục ăn cơm tù. Sau khi ra trại, Phúc cặp với Trần Thị Kim Yến (SN 1995, ngụ quận 8).
Yến cũng có quá khứ phức tạp không thua kém Phúc, năm 2011, Yến tham gia một vụ cướp giật tài sản, nhận bản án 3 năm tù giam. Trước đó, Yến còn lãnh một tiền án về tội “Cướp giật tài sản”. Năm 2014, sau khi mãn hạn tù, Yến gặp Phúc “Nhỏ” kết thành một đôi, thuê phòng trọ, sống chung như vợ chồng.
Đêm 12/12/2015, anh Bùi Thảo Văn và nhóm bạn ngồi uống bia tại một quán ốc trên đường số 4, phường 6, quận 8. Ngồi cạnh bàn anh Văn là Nguyễn Tấn Phúc (SN 1995, ngụ tỉnh An Giang) là bạn của Phúc “Nhỏ”. Đến khoảng 21 giờ cùng ngày, vợ Tấn Phúc ra gọi chồng về nhà nhưng anh này không về dẫn đến cãi nhau tại quán.
Nghe ồn ào, anh Văn lên tiếng: “Chuyện gia đình mày mà không giải quyết được thì đừng ra ngoài đi chơi ảnh hưởng đến người khác. Vợ mày không dạy được thì để tao dạy...”., rồi Văn cầm ly bia qua bàn Tấn Phúc gây sự nhưng được nhóm bạn can ngăn.
Bị cáo Cao Hồng Phúc ngất xỉu sau khi nhận án tử
Cho rằng bị Văn xúc phạm, Tấn Phúc đi gặp Phúc “nhỏ” tố và nhờ “đại ca” ra tay. Hai tên mang dao đến quán ốc tấn công anh Văn khiến nạn nhân tử vong. Tuy đang bị Cơ quan CSĐT Công an TP. Hồ Chí Minh truy nã nhưng bọn chúng tiếp tục gây ra nhiều vụ trộm cắp tài sản tại huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.
Ngày 26/4/2016, Cơ quan CSĐT Công an huyện Gò Công Đông phát lệnh truy nã đối với hai tên này. Để tránh sự trừng phạt của pháp luật, bọn chúng quay lên TP. Hồ Chí Minh cấu kết cùng Phan Văn Hùng (SN 1992), Phan Trung Hiếu (SN 1992), Nguyễn Trung Kiên (SN 1994) và Nguyễn Thanh Tùng (SN 1993) lập băng cướp, gây nhiều vụ án trên địa bàn các quận 4, 11 và Thủ Đức.
Một thời gian sau, Cao Hồng Phúc cùng Yến đến Bình Dương thuê nhà trọ ở thị xã Thuận An để ẩn náu. Nhằm che mắt Công an, Phúc và Yến giả vờ đóng vai người lao động lương thiện, hàng ngày đẩy xe bán bột chiên dạo, đồng thời tìm cơ hội để tiếp tục gây án.
Bọn chúng nhận thức được nếu bị bắt, bộ mặt thật của hắn sẽ bị vạch trần, khi đó tội chồng thêm tội nên Phúc khó thoát án tử hình nên gã luôn thủ sẵn hung khí, sẵn sàng chống trả đến cùng.
Chạng vạng tối 8/8/2016, Phúc chở Yến điều khiển xe máy dạo trên các tuyến đường để gây án. Phúc cho xe áp sát vào một phụ nữ đi đường để Yến giật phăng sợi dây chuyền vàng rồi tẩu thoát. Cô gái tri hô và Tổ tuần tra Công an thị xã Thuận An truy đuổi.
Phúc tăng tốc chạy tốc độ cao suốt gần 10km, các trinh sát vẫn áp sát, đạp ngã xe rồi xông tới khống chế Phúc. Gã ra lệnh cho Yến tấn công, lợi dụng lúc trinh sát chống đỡ các nhát dao, Phúc dựng xe chở Yến chạy tiếp. Tuy nhiên, do kẹt xe nên bọn chúng phải quay lại và bị các trinh sát cùng quần chúng bắt gọn. Từ đó, chân tướng cặp đôi bất hảo và đồng phạm lộ rõ.
Phúc và đồng phạm bị TAND TP. Hồ Chí Minh đưa ra xét xử về các tội “Giết người”, “Cướp tài sản”. HĐXX nhận định hành vi của các bị cáo là đặc biệt ngiêm trọng, nguy hiểm cho xã hội. Tấn Phúc và Hồng Phúc đã trực tiếp gây ra cái chết cho bị hại Văn, trong đó Tấn Phúc giữ vai trò cầm đầu. Bản thân bị cáo Cao Hồng Phúc có nhiều tiền án và chưa được xóa án tích, bị cáo liên tiếp gây án, chứng tỏ không có sự ăn năn hối cải, nên cần phải cách ly vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội để giáo dục răn đe, phòng ngừa tội phạm.
Từ đó, HĐXX tuyên phạt Cao Hồng Phúc tử hình về tội “giết người”; 4 năm tù về tội “cướp tài sản”. Tổng hợp hình phạt bị cáo phải chấp hành là tử hình. Các bị cáo khác lãnh án từ 7 đến 11 năm tù về tội “Cướp tài sản”; riêng Nguyễn Tấn Phúc tù chung thân về tội “giết người”.
Vừa nghe Tòa tuyên án, Cao Hồng Phúc lăn đùng ngất xỉu và được đưa đi chăm sóc y tế. Hình ảnh tàn tạ, thê lương của Phúc trong giây phút đền tội là bài học chung cho những kẻ coi thường pháp luật, hãy biết “cải tà quy chính” khi chưa quá muộn.