Xét xử Hứa Thị Phấn và đồng phạm: Băng ghi âm giữa bà Phấn và lãnh đạo Công ty Phương Trang nói gì?
Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 11:49, 17/05/2018
Là luật sư bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn, sau khi thẩm vấn một số bị cáo và bên liên quan, luật sư Thơ đã dẫn chứng điều luật cho phép luật sư được cung cấp tài liệu, chứng cứ mới tại phiên xét xử. Chứng cứ mới luật sư Thơ đề nghị là một USB màu trắng, ghi âm lại cuộc nói chuyện giữa bà Hứa Thị Phấn với các ông Nguyễn Hữu Luận (chủ tịch Công ty CP Đầu tư Phương Trang), Phạm Đăng Quan và Trịnh Thanh Cao.
Quan điểm của hội đồng xét xử (HĐXX) được thể hiện qua lời phát biểu: "Luật sư có quyền cung cấp chứng cứ cho HĐXX, và HĐXX sẽ xem xét và chuyển cho Viện kiểm sát (VKS) xem xét và cùng đánh giá chứng cứ này. Đây cũng được xem là một nguồn hợp pháp nếu như được xem xét đánh giá một cách toàn diện. Trong trường hợp kể cả chứng cứ phản ánh sự thật khách quan nhưng nếu không được thu thập theo trình tự tố tụng hình sự thì đều không có giá trị chứng minh".
Luật sư Trương Thị Minh Thơ khi tóm tắt nội dung đoạn ghi âm đã cho rằng ông Luận – chủ tịch Công ty Phương Trang thừa nhận nợ hơn 9.000 tỉ mà đã cắt bỏ vế sau ông Luận nói “còn cần phải đối chiếu” công nợ
Luật sư Thơ xin trình bày cho biết: Bà Phấn đã cung cấp tài liệu cho luật sư từ tháng 3/2017, nhưng sau đó trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, quá trình tố tụng luật sư gửi văn bản kiến nghị đề nghị xem xét phần quan hệ giữa Ngân hàng Đại tín với Công ty Phương Trang mà không được nên luật sư “không dám nộp”.
“Thật lòng mà nói thời điểm đó tôi rất muốn nộp cho VKSNDTC nhưng tôi không dám nộp. Vì vậy, hôm nay tôi xin HĐXX cho phép tôi công bố. Tôi xin trình bày về cuộc trao đổi giữa bà Hứa Thị Phấn và ông Nguyễn Hữu Luận, Phạm Đăng Quang và Trịnh Thanh Cao vào ngày 10/3/2012 lúc 14h00” – luật sư Thơ nói.
Nói về đoạn băng ghi âm mà bản thân luật sư Thơ cũng thừa nhận với HĐXX là “nghe không rõ”, luật sư Thơ giải thích trong đoạn băng ghi âm là tiếng nói của ông Luận – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Phương Trang: “Thứ nhất, nếu mà nói về góc độ công việc, cô cháu mình chưa quyết toán xong con vẫn khẳng định với cô cái gì mà mình đã thừa nhận thỏa thuận với nhau để làm điều kiện để mình làm cho nó tốt.
Cái thứ hai con cũng nói với cô nếu về lý, tụi con có làm mất vốn, mất đồ của cô đâu? Còn cô mất đồ thì tụi con không biết, cho đến bây giờ nếu trên lý thuyết, ông Thanh tra Ngân hàng nhà nước báo cáo lên Thủ tướng, báo cáo lên Thống đốc ngân hàng, báo cáo Bộ Công an, Phương Trang nợ 9000 tỉ mấy nhưng mà tới bây giờ con xin nhắc lại với cô chưa nói lên việc là cô cháu mình đối chiếu nhau, cái đó luật không có cấm thì rõ ràng Phương Trang có hợp đồng, không có hợp đồng quá hạn, nó cũng không có thiếu tiền lãi, đúng không cô? Cô có công nhận không cô?...”.
Các bị cáo tại phiên tòa chiều 16/5
Với đoạn ghi âm nói trên, luật sư Thơ cho rằng Công ty Phương Trang thừa nhận ngân hàng này là của TrustBank, thừa nhận số nợ Phương Trang nợ, thừa nhận yêu cầu và chỉ cho bà Phấn “hoãn binh”, không để thanh tra “nhảy vào” đúng như lời ông Thảo trình bày và thừa nhận “đến giờ phút này con nợ cô 9.000 mấy tỉ”, và chuyện “nhà số 289 cô cứ để đó cô cháu mình từ từ tính”.
Theo tài liệu của Luật sư Thơ cung cấp thì việc đối thoại là có thật, tuy nhiên dường như luật sư đã bỏ qua (hoặc không chú ý) phía sau món nợ ông Luận nói rõ trong băng ghi âm (nếu tính xác thực của đoạn băng này là đúng), đó là khoản nợ này “chưa được đối chiếu”.
Theo kết luận điều tra của Bộ Công an, dư nợ gốc của nhóm Phương Trang tại Ngân hàng Đại Tín là 9.437 tỉ đồng. Tuy nhiên, CQĐT đã truy ngược dòng tiền thì xác nhận nhóm Phương Trang chỉ thực nợ 3.936 tỉ, còn lại 5.256 tỉ đồng CQĐT xác định rõ là đã bị bà Phấn chỉ đạo cấp dưới lập phiếu thu – chi khống để đẩy dư nợ cho phía Phương Trang. Khoản chênh lệch còn lại bị cáo Ngô Thị Ngân – thủ quỹ Ngân hàng Đại Tín khai là “không nhớ đem nộp ở đâu” nên bị cáo Ngân phải chịu trách nhiệm về khoản thất thoát này.
Có mặt tại phiên tòa, luật sư Phan Trung Hoài - đại diện cho phía Công ty Phương Trang phát biểu: “Việc những tài liệu chưa được thẩm định, chưa có căn cứ và chưa được đánh giá nay công bố công khai tại phiên tòa có thể làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân và người liên quan. Vì thế chúng tôi xin đề nghị hội đồng xét xử sau khi lập biên bản, các luật sư của các bên được quyền tiếp cận và những người liên quan trong đó cũng được quyền tiếp cận và có ý kiến về vấn đề này”.
Trước ý kiến đề nghị này, Chủ tọa phiên tòa đã “chốt”: Trong quá trình xem xét các chứng cứ, HĐXX, đại diện Viện kiểm sát và tất cả những người tham dự phiên tòa có quyền đánh giá và đặc biệt là các luật sư có quyền đánh giá toàn bộ để đưa ra kết luận chính xác về tài liệu này”.
Theo đó, USB màu trắng được cho là của bà Hứa Thị Phấn cung cấp cho luật sư Trương Thị Minh Thơ đã được niêm phong nộp cho Tòa. HĐXX cũng yêu cầu luật sư Thơ ký tên lên từng trang trong tập tài liệu trích xuất từ đoạn ghi âm trong USB nói trên.