Các luật sư tập trung gỡ tội cho bị cáo Đinh La Thăng
Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 17:16, 22/03/2018
Theo đó, trong phiên tòa chiều nay, luật sư Lê Văn Thiệp - đoàn luật sư TP Hà Nội, bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng cho rằng: PVN là tập đoàn kinh doanh đa ngành, có quy mô lớn về vốn, có trình độ Khoa học công nghệ nên việc đầu tư vốn hoàn toàn đúng với chủ trương của Nhà nước. Việc PVN đầu tư đa ngành là thực hiện theo chủ trương của Đảng, đầu tư ra ngoài ngành để thúc đẩy sự lớn mạnh của tập đoàn PVN là hoàn toàn phù hợp.
Bên cạnh đó, luật sư Thiệp cho rằng sự đầu tư đó hoàn toàn thận trọng, bị cáo Thăng đã cân nhắc, tìm kiếm đầu tư một cách thận trọng, không hề tùy tiện, trong tình thế cấp thiết nên phải đầu tư.
Việc mua cổ phần của OJB là hoạt động đầu tư kinh doanh bình thường. Xuất phát từ yêu cầu, PVN đáp ứng đầy đủ yêu cầu trong việc tăng vốn điều lệ. Quá trình phát triển, OJB đã có nhiều giải thưởng trong nước, có quy mô tang trưởng lớn. VKS cho rằng không đánh giá đầy đủ các yếu kém là không chính xác. Hợp tác là tìm kiếm những lợi thế mình không có mà người khác có.
Sau đó có ký kết biên bản ghi nhớ. Thỏa thuận đó không thể hiện chủ trương, nội dung không có điều kiện ràng buộc. Đó là lời đề nghị giữa 2 bên.
Luật sư nói thêm, trong 2 lần góp vốn đầu, việc chuyển tiền để thực hiện việc đầu tư có vấn đề vô cùng quan trọng, văn bản 6987 Chính phủ không giới hạn quy mô vốn điều lệ, chỉ đưa ra mặt định tính cho việc đầu tư này, và định lượng 20% vốn. Trong trường hợp này, OJB lấy bao nhiêu, PVN đáp ứng 20% và phía PVN áp dụng đúng văn bản chỉ đạo của Thủ tưởng. Tất cả Ngân hàng thương mại phải tăng vốn điều lệ và PVN phải tuân theo luật chơi đó.
PVN đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, đánh giá trong cáo trạng cho rằng việc phải xin ý kiến,…. đầu tư này đã đem lại giá trị, giúp OJB mở rộng hệ thống, giúp hàng vạn doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, đảm bảo an sinh tiền tệ, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Luật sư Lê Văn Thiệp trong phiên tòa chiều nay
Trước đó, luật sư Phan Trung Hoài, bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng, đề nghị HĐXX và đại diện VKS xem xét một số vấn đề.
Nói về khuôn khổ pháp lý và tính hợp pháp trong việc PVN được phép đầu tư vốn ngoài ngành, luật sư Hoài cho rằng Quyết định số 198/2006/QĐ-TTg ngày 29/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ (TTCP) về việc phê duyệt Đề án hình thành PVN về hình thức đa sở hữu, cho phép PVN được kinh doanh đa ngành. Theo Quyết định số 199 ngày 29/8/2006 của TTCP về việc thành lập Công ty mẹ - PVN, một trong những ngành nghề kinh doanh của PVN có “hoạt động tài chính, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm”.
Theo Điều lệ về tổ chức và hoạt động của PVN được ban hành kèm theo Quyết định số 36/2007/QB-TTg ngày 14/3/2007 của TTCP, PVN được phép hoạt động đa ngành, có chức năng góp vốn đầu tư vào các Công ty con, trong đó có việc góp vốn vào các tổ chức tín dụng.
Đến ngày 5/2/2010, Chính phủ đã ban hành Quy chế quản lý tài chính của Công ty Nhà nước và quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác (ban hành kèm theo Nghị định 09/NĐ-CP), theo đó:
Khoản 3 Điều 12: Đối với hoạt động đầu tư góp vốn vào các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, Công ty Nhà nước chỉ được đầu tư vào mỗi lĩnh vực một doanh nghiệp; mức vốn đầu tư không vượt quá 20% vốn điều lệ của tổ chức nhận vốn góp, nhưng phải bảo đảm mức vốn góp của Công ty mẹ và các Công ty con trong Tổng Công ty, Tập đoàn không vượt quá mức 30% vốn điều lệ của tổ chức nhận vốn góp. Trường hợp đặc biệt có nhu cầu đầu tư vượt quá quy định này Công ty Nhà nước phải trình TTCP xem xét, quyết định;
Khoản 8 Điều 12: Thẩm quyền quyết định Dự án đầu tư ra ngoài Công ty Nhà nước: HĐQT hoặc TGĐ Công ty Nhà nước không có HĐQT quyết định các dự án đầu tư ra ngoài Công ty Nhà nước trong phạm vi tổng giá trị đầu tư tài chính của Công ty Nhà nước thấp hơn 50% vốn điều lệ hoặc theo phân cấp tại điều lệ Công ty; đối với dự án đầu tư có giá trị từ 50% vốn điều lệ trở lên, Công ty Nhà nước báo cáo đại diện chủ sở hữu quyết định.
Hơn nữa, để giải quyết những vướng mắc và hệ lụy do việc dừng thành lập Ngân hàng Hồng Việt, bị cáo Đinh La Thăng thay mặt HĐQT đã chỉ đạo cho ông Nguyễn Ngọc Sự, Phó TGĐ PVN và Nguyễn Xuân Sơn, Trưởng ban trù bị Ngân hàng TMCP Hồng Việt làm việc với một số tổ chức tín dụng để thỏa thuận việc góp vốn, trong đó có Oceanbank. Kết quả điều tra và thẩm tra công khai tại phiên tòa cho thấy, các nhân sự thuộc Ban trù bị tìm kiếm, đàm phán với một ngân hàng như (Ngân hàng Hàng Hải, Ngân hàng Thái Bình Dương, GP Bank, KienLongBank,…nhưng các Ngân hàng này không đồng ý tiếp nhận theo điều kiện của PVN. Chỉ có duy nhất Oceanbank mới đồng ý cho PVN góp cổ phần và tiếp nhận bộ máy con người, cơ sở vật chất.
Luật sư Phan Trung Hoài bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng
Theo luật sư Hoài, một trong những vấn đề quan trọng ở đây là cần nhìn nhận và đánh giá về giá trị pháp lý của bản Thỏa thuận 6934 ngày 18/9/2008 và việc bị cáo Đinh La Thăng ký Thỏa thuận này có phải bị coi là hành vi vi phạm pháp luật, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng PVN bị mất vốn 800 tỷ hay không. Bị cáo Thăng trình bày rõ Thoả thuận hợp tác không phải là căn cứ góp vốn, chỉ có giá trị khi có nghị quyết thông qua của các uỷ viên HĐQT. Khi ông ký thoả thuận góp vốn thì không họp các Uỷ viên HĐQT mà chỉ trao đổi miệng; nhưng sau khi có thoả thuận thì HĐQT PVN đã thống nhất thông qua Nghị quyết số 7289/NQ-DKVN ngày 1/10/2008.
Tại phiên tòa, ông Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch OceanBank, cũng khẳng định Thỏa thuận 6934 ngày 18/9/2008 chỉ là bản thỏa thuận về nguyên tắc.
Cũng theo vị luật sư này, việc cáo buộc thân chủ của ông quyết định việc góp vốn dù biết rõ năng lực yếu kém của OceanBank là có sự nhầm lẫn giữa quyết định của cá nhân ông Thăng với Nghị quyết đã được sự thống nhất của HĐQT.
Theo đó, không chỉ PVN có trách nhiệm đánh giá năng lực của Oceanbank mà chính các cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó có NHNN, NHNN CN tỉnh Hải Dương đều phải xem xét và đánh giá năng lực của cả PVN và Oceanbank trước khi chấp thuận việc tăng vốn điều lệ, đồng nghĩa với việc đồng ý cho PVN góp vốn mua cổ phần với tỷ lệ 20% của Oceanbank.
Ông Hoài tiếp tục cho rằng, việc cáo trạng quy buộc bị cáo Đinh La Thăng ký ban hành Nghị quyết thực hiện các lần góp vốn, bổ sung vốn góp khi chưa được sự đồng ý của TTCP, không thực hiện theo yêu cầu của Bộ Tài chính để đảm bảo các điều kiện về góp vốn, theo luật sư Hoài, như vậy là chưa chính xác vì nếu chỉ đề cập hành vi ông Đinh La Thăng “ký ban hành Nghị quyết” thì trong cả 3 đợt góp vốn của PVN tại Oceanbank, Đinh La Thăng chỉ ký ban hành Nghị quyết 7289 ngày 01/10/2008, Vũ Xuân Trường ký ban hành Nghị quyết 4658 ngày 31/5/2010 và Nguyễn Xuân Thắng là người ký ban hành Nghị quyết 4266 ngày 16/5/2011.
Bên cạnh đó, luật sư Hoài cũng viện dẫn một loạt các dẫn chứng để khẳng định có đủ căn cứ chứng minh hai lần góp vốn 400 tỷ đồng (2008) và 300 tỷ (2010) là hoàn toàn hợp pháp, được sự chấp thuận của TTCP và NHNN.
Về trách nhiệm đối với lần thứ 3 góp vốn 100 tỷ đồng, việc góp thêm 100 tỷ đồng lần thứ ba theo Nghị quyết số 4266/NQ-DKVN ngày 16/5/2011, nâng tổng số vốn góp của PVN tại Oceanbank lên 800 tỷ đồng duy trì tỷ lệ nắm giữ 20% vốn tại Oceanbank theo Cáo trạng bị coi là vi phạm, vì tại thời điểm này, Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2011. Tại khoản 2, Điều 55 quy định “Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng...”.
Như vậy phần vốn của PVN tại Oceanbank đã quá 5% so với quy định, lẽ ra Đinh La Thăng với trách nhiệm là Chủ tịch HĐTV phải chỉ đạo thoái vốn tại Oceanbank để đảm bảo tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ 15%, nhưng ngày 10/5/2011 Đinh La Thăng lại ký Quyết định số 1329/QĐ-DKVN giao cho Vũ Thị Thanh Hương làm người đại diện phần vốn của PVN tại Oceanbank với tỷ lệ 20% vốn điều lệ của Oceanbank….
Từ những quan điểm, lập luận và đánh giá chứng cứ nêu trên, luật sư Phan Trung Hoài đề nghị HĐXX và VKS xem xét lại quyết định truy tố ôbị cáo Đinh La Thăng về tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kính tế gây hậu quả nghiêm trọng” vì chưa đủ căn cứ pháp lý và thực tế chứng minh ông Đinh La Thăng phạm tội danh này.