Hà Văn Thắm nói gì về việc PVN góp vốn 800 tỷ vào OceanBank?
Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 15:19, 20/03/2018
Luật sư Phan Trung Hoài hỏi ông Nguyễn Ngọc Sự, nguyên Phó TGĐ PVN về chủ trương góp vốn vào OceanBank. Theo ông Sự, khi ngân hàng Hồng Việt của ngành dầu khí không được thành lập, ban trù bị Hồng Việt đã tiếp cận nhiều ngân hàng nhưng không tổ chức nào đáp ứng được yêu cầu của PVN.
Ông Nguyễn Ngọc Sự nói: “Có những ngân hàng giá cổ phiếu quá cao hoặc PVN không được tham gia quản lý, điều hành… nên tôi thấy tham gia sẽ bất lợi. Thời điểm đó rất nhiều ngân hàng khó khăn, muốn tìm đối tác chiến lược để tăng thêm sức mạnh. OceanBank cũng là một ngân hàng như vậy và được xếp hạng trung bình khá. Việc xếp hạng là đánh giá của ban trù bị Hồng Việt sau khi nghiên cứu toàn bộ tài liệu... Tôi ghi trong báo cáo, OceanBank là ngân hàng nhỏ, đang tìm cổ đông tầm cỡ như PVN” .
Ông Nguyễn Ngọc Sự tại phiên tòa xét xử
Tiếp đến, luật sư Phan Trung Hoài đề nghị ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch OceanBank cho biết về việc Ngân hàng hoạt động như thế nào?
Nói về báo cáo của ban trù bị thành lập ngân hàng Hồng Việt gửi HĐQT PVN về tình hình hoạt động của OceanBank (OJB), trong đó có đánh giá về những đánh giá về yếu kém của ngân hàng, ông Hà Văn Thắm cho biết: “Báo cáo này thể hiện qua công thức của các chuyên viên ban trù bị, các bạn ấy học từ nước ngoài về. Trong đó khẳng định nếu trích tỷ lệ an toàn vốn đúng chuẩn thì OJB phải trích thêm 60 tỷ đồng nữa, mà vốn điều lệ lúc đó chỉ 1.000 tỷ đồng, không đủ vốn chủ sở hữu tối thiểu để trích. Do đó OJB bị đánh giá là yếu kém, nhưng nếu tăng vốn lên 2.000 tỷ đồng thì thừa sức để trích lập.”
Tại thời điểm trước khi PVN đầu tư vào OceanBank, Bộ Tài chính có công văn yêu cầu tập đoàn này làm rõ hai vấn đề về ngân hàng này gồm chứng khoán sẵn sàng để bán và tín dụng. “Tôi trả lời ban trù bị là hoạt động tín dụng không thay đổi gì cho đến 20/9/2008, còn chứng khoán sẵn sàng để bán thì OJB không đầu tư vào chứng khoán. Bộ Tài chính cũng chỉ khuyến cáo như vậy và sau đó thì họ nói nếu như vậy thì không cần phải báo cáo nữa”.
Ông Hà Văn Thắm cho biết được cho xem “bản nháp” biên bản thỏa thuận hợp tác thông qua ông Nguyễn Mạnh Hà, thành viên ban trù bị thành lập NH Hồng Việt, khi đó còn một số bản sửa để hoàn chỉnh. Thông qua ông Hà, ông Thắm biết được PVN đã dùng bản thảo này để đám phán với rất nhiều ngân hàng. Ông Thắm nói: “Các điều khoản (của thỏa thuận hợp tác) chủ yếu do PVN đưa ra và tôi chấp nhận. Có hai vấn đề chính là giá cổ phần OceanBank bán cho PVN dứt điểm phải là 1 chấm, chứ không phải 2 chấm, nếu muốn kiếm lời thì phải kiếm lời từ hợp tác. Thứ hai là OceanBank phải tiếp nhận toàn bộ cán bộ ban trù bị thành lập Ngân hàng Hồng Việt”.
Hà Văn Thắm tại phiên tòa ngày 20/3
Cũng theo lời ông Hà Văn Thắm, Đinh La Thăng xem việc ký biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác là một việc nghiêm túc và yêu cầu các bên phải tuân thủ. Ông này nói: “Anh Thăng yêu cầu tôi làm biên bản ghi nhớ để PVN có căn cứ báo cáo HĐQT PVN và Thủ tướng Chính phủ. Anh Thăng có nói với bị cáo “Nếu cậu thay đổi mà tớ báo cáo xong lại thành trò đùa là không được, cho nên đã ký là phải chắc chắn”.
Về phía OJB, ông Thắm cho biết đã báo cáo HĐQT và Đại hội đồng cổ đông về kế hoạch hợp tác này. Ông Thắm cũng khẳng định: “Đây là cơ hội tốt cho cả hai bên, bản thân tôi làm kinh doanh còn có nhiều quyết định lớn hơn hợp đồng này”, đồng thời cho rằng việc PVN mua cổ phần chính là quyết định quan trọng nhất dẫn đến việc OceanBank hoạt động hiệu quả các năm sau đó.
Tuy nhiên, đại diện Viện Kiểm sát trước đó cho rằng ngân hàng hoạt động không hiệu quả, theo báo cáo của Thanh tra NHNN. Giải thích về việc này, cựu Chủ tịch OJB cho biết, thực ra Trưởng ban thanh tra căn cứ theo tiêu chuẩn của một số nước, đến bây giờ các ngân hàng vẫn chưa áp dụng tiêu chuẩn này vì nếu áp dụng ngân hàng sẽ lỗ. Ông Hà Văn Thắm nói: “Chính vì vậy mà họ (cơ quan thanh tra NHNN) chỉ khuyến cáo, còn nếu là bắt buộc thì thanh tra phải yêu cầu OJB truy thu cổ tức từ cổ đông và báo cáo lỗ”.
Đối với việc tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng, trong đó có lộ trình trước tiên là tăng lên 3.500 tỷ đồng, cựu Chủ tịch OceanBank cho biết ngân hàng đã được NHNN chấp thuận theo phương án tăng vốn của ĐHCĐ. Sau khi tăng vốn, OceanBank có báo cáo với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, và Sở Kế hoạch và Đầu tư, sau đó mới sử dụng tiền vốn góp. Trước đó, OceanBank đều phải xin phép cơ quan chức năng chấp thuận mỗi khi PVN góp vốn.
Về tỷ lệ 20% sở hữu của PVN tại ngân hàng, ông Hà Văn Thắm cho biết dù vi phạm Luật các TCTD năm 2010 có hiệu lực thi hành từ 01/01/2011, nhưng PVN cũng không thể thoái vốn ngay để giảm tỷ lệ về 15% theo quy định của Luật.
Hà Văn Thắm nói: “Theo Luật các TCTD, nếu cổ đông có tham gia vào HĐQT của một DN đại chúng thì phải xin phép trước 6 tháng mới được bán vốn. Do đó nếu bán luôn sẽ bị sai luật. Chị Vũ Thị Thanh Hương (đại diện vốn của PVN tại PVN) nói với tôi là nếu PVN muốn thoái vốn thì phải xin ý kiến Thủ tướng. Tôi nghĩ đây là một khoản đầu tư hiệu quả của PVN. Và với những hỗ trợ của PVN đối với OceanBank nên chúng tôi chấp nhận để PVN mua cổ phần với giá thấp hơn thị trường.”
Cũng về tỷ lệ sở hữu quá quy định này mà Thanh tra NHNN đã vào cuộc, ông Thắm nhắc lại lời của mình với cán bộ thanh tra: “Một là anh ra tuyên bố để em trả lại cho cổ đông. Hoặc anh cho em cái phạt để em yên tâm”. Sau đó đoàn thanh tra không phạt và và nói rằng phải thực hiện lộ trình thoái vốn.”
Cũng theo lời ông Hà Văn Thắm, đích thân Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu ông tìm kiếm đối tác mua lại số cổ phần của PVN tại OceanBank. Ông Thắm nói: “Tôi được đích thân Thủ tướng nói rằng, em xem thế nào tìm đối tác bán cổ phần của PVN đi. Thực tế tôi đã tìm kiếm đối tác, và đã có đối tác đề nghị mua lại 20% vốn của OJB do PVN sở hữu. Tuy nhiên sau đó NHNN mua lại ngân hàng với giá 0 đồng…”