Xét xử Trịnh Xuân Thanh: VKS bác đề nghị thực nghiệm đưa 14 tỷ vào vali
Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 11:58, 02/02/2018
Theo đại diện Viện KSND, trong vụ án này, bị cáo Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh là người quản lý phần vốn của PVC tại PVP Land, trong phần vốn này có tài sản nhà nước. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh là người cử đại diện phần vốn góp, là người gián tiếp quản lý tài sản của PVC tại PVP Land thông qua người đại diện.
Cụ thể, Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch HĐQT của PVC, nắm 14 triệu cổ phần, sở hữu 28% vốn điều lệ của PVP Land. Theo quy chế của người đại diện phần vốn của PVC tại các doanh nghiệp khác ban hành kèm theo Quyết định số 402 QĐ - XLDK ngày 21/11/2008 thì Đào Duy Phong, Chủ tịch HĐQT PVP Land và Nguyễn Ngọc Sinh, Tổng Giám đốc PVP Land được bị cáo Trịnh Xuân Thanh ký quyết định cử là người đại diện phần vốn góp của PVC tại PVP Land. Điều này buộc những người đại diện phần vốn góp phải báo cáo, xin ý kiến chấp thuận của HĐQT PVC và Trịnh Xuân Thanh là người có quyền quyết định trong việc cho phép chuyển nhượng số cổ phần này.
Ngoài ra, ngày 10/2/2010, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã có các chỉ đạo về việc thực hiện quyết định đầu tư, triển khai dự án Nam Đàn Plaza. Tại cuộc họp này, Trịnh Xuân Thanh nắm rõ các thông tin dự án, trong đó có giá trị sử dụng đất là 25 triệu USD (tương đương khoảng 52 triệu đồng/m2). Nhưng sau khi có cuộc gặp với Đinh Mạnh Thắng, Thái Kiều Hương tại nhà hàng trên đường Xuân Diệu (Hà Nội), Trịnh Xuân Thanh đã gọi điện hỏi Đào Duy Phong về khách đến mua cổ phần.
Cũng tại buổi gặp này, Thái Kiều Hương nói đã thống nhất với Trịnh Xuân Thanh, Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo giá bán là 40 triệu đồng/m2 đất dự án Nam Đàn Plaza, nhưng chỉ thể hiện trên hợp đồng là 34 triệu đồng/m2; phần chênh lệch Phong sẽ được nhận 10 tỷ đồng, phần còn lại Hương sẽ có trách nhiệm đưa cho Thanh và Đinh Mạnh Thắng.
Tiếp đến, bị cáo Trịnh Xuân Thanh ký Nghị quyết số 411 và số 427/NQ - XLDK có nội dung chấp thuận phương án chuyển nhượng trên cơ sở tờ trình số 07 PVL/TTr - NĐD ngày 1/4/2010 của Đào Duy Phong theo giá 34 triệu đồng/m2, tương đương khoảng 16,4 triệu USD và thấp hơn giá trị 25 triệu USD đã được kết luận ngày 10/2/2010.
Viện KSNS tiếp tục cho rằng, trong quá trình điều tra và xét hỏi đã làm rõ, các bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh đã lợi dụng chức vụ của mình, tạo sự chênh lệch giá tại dự án Nam Đàn Plaza. Giá trị các bị cáo chiếm đoạt được là 49 tỷ đồng.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tại phiên tòa xét xử - ảnh TTXVN
Đối với bị cáo Đào Duy Phong, nguyên Chủ tịch HĐQT PVP Land, theo vị đại diện Viện KSND giữ quyền công tố tại phiên tòa, bị cáo Đào Duy Phong đã thực hiện chỉ đạo của Trịnh Xuân Thanh và chỉ đạo bị cáo Nguyễn Ngọc Sinh chuyển nhượng cổ phần.
Đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh, vị đại diện Viện KSND cho rằng, căn cứ vào kết quả điều tra và xét hỏi tại tòa cho thấy bị cáo Trịnh Xuân Thanh là người chỉ đạo và quyết định giá đất tại dự án Nam Đàn Plaza, tạo ra chênh lệch giá và các bị cáo đã chia nhau số tiền 49 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nói về việc nhận số tiền 14 tỷ đồng của bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Viện KSND nhận định bị cáo này nhận 14 tỷ đồng từ bị cáo Thái Kiều Hương, nguyên Phó TGĐ Công ty Vietsan thông qua bị cáo Đinh Mạnh Thắng. Bị cáo Thanh khai nhận được Đinh Mạnh Thắng chuyển cho 1 vali tiền do lái xe của Thanh nhận từ lái xe của Thắng. Khi chuyển vali tiền vào nhà, Thanh không đếm xem cụ thể là bao nhiêu.
Về yêu cầu các luật sư tiến hành thực nghiệm tại tòa, Viện KSND cho rằng căn cứ lời khai của các bị cáo tài tòa, ngày 7/4/2010, Trịnh Xuân Thanh đã nhận và chuyển vali tiền vào trong nhà. Sau đó Đinh Mạnh Thắng yêu cầu Trịnh Xuân Thanh trả lại tiền theo yêu cầu của Thái Kiều Hương. Sau khi Trịnh Xuân Thanh trả lại tiền có dặn Đinh Mạnh Thắng bảo Thái Kiều Hương giữ bí mật, coi như dòng tiền mới chỉ dừng lại ở Hương chứ chưa từng đến tay Thanh.
Theo đó, đại diện Viện KSND khẳng định có căn cứ để xác định Trịnh Xuân Thanh và Đinh Mạnh Thắng đã trả lại 19 tỷ đồng cho Thái Kiều Hương. Việc cho rằng 14 tỷ đồng không thể nhét vừa 1 vali nếu có cả mệnh giá 10.000 đồng và 20.000 đồng, Viện KSND nói chỉ sau khi tiền về tay Hương, Hương mang 3 bao tải tiền đi nộp vào ngân hàng thì mới có các mệnh giá trên.
Bị cáo Đinh Mạnh Thắng tại phiên tòa xét xử
Đối với bị cáo Đinh Mạnh Thắng, theo quan điểm của Viện KSND, quá trình điều tra đã xác định được bị cáo Thắng đã thông báo với Trịnh Xuân Thanh về khách mua cổ phần và được Trịnh Xuân Thanh chấp nhận số tiền chuyển nhượng cổ phần.
Viện KSND cho rằng, bị cáo Đinh Mạnh Thắng cũng là người nhận số tiền chênh lệch giá từ bị cáo Thái Kiều Hương là 19 tỷ đồng, chuyển cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh 14 tỷ đồng. Như vậy, bị cáo Thắng biết rõ đó là tiền chênh lệch giá và là người giúp cho bị cáo Thanh chiếm đoạt 14 tỷ đồng tiền của Nhà nước. Bản thân bị cáo Thắng cũng chiếm đoạt 5 tỷ đồng nên Viện KSND cho rằng có đủ cơ sở cấu thành tội Tham ô tài sản với vai trò đồng phạm giúp sức.
Đối đáp lại quan điểm của đại diện Viện KSND, bị cáo Trịnh Xuân Thanh nói: "Bản thân bị cáo thất vọng với quan điểm của Viện KSND bị cáo không muốn nói nhưng HĐXX cho phép nói nên bị cáo nói: Bị cáo yêu cầu việc chuyển nhượng cổ phiếu không thấp hơn 13.000 đồng/cổ phần và yêu cầu Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh thực hiện đúng yêu cầu của pháp luật. PVP Land không phải là doanh nghiệp nhà nước mà chỉ là công ty liên kết của PVC, do PVC nắm 28% cổ phần, do đó thực hiện đúng theo luật Doanh nghiệp PVP Land không cần thiết phải xin ý kiến PVC, chính vì vậy họ đã ra nghị quyết và nếu PVC không đồng ý thì họ vẫn có thể thực hiện hợp đồng. Hương, Bình, Phong không bao giờ gọi điện cho bị cáo, anh Phong có nói qua chỉ đạo của Thái Kiều Hương nhưng Hương cũng khẳng định không biết bị cáo. 6 người ngồi đây không ai liên hệ trực tiếp với bị cáo mà kết luận bị cáo chỉ đạo chuyển nhượng với giá thấp là vô căn cứ”.
Bị cáo Thanh tiếp tục cho rằng: "Với bản luận tội và bản đối đáp của Viện KSND, bị cáo thấy rằng VKS coi thường tất cả mọi người ngồi ở đây gồm luật sư, các bị cáo và bố mẹ bị cáo, VKS đã biến không thành có. Bị cáo khẳng định mình không có một tí tội nào trong bản án này, chưa một ai nói với vị cáo là bị cáo vi phạm pháp luật, rồi sau 7 năm lại đưa bị cáo ra xét xử với những bằng chứng vu vơ hết sức vô lý".
Cùng đối đáp lại quan điểm của đại Viện KSND, bị cáo Đinh Mạnh Thắng khẳng định mình không phải là người chủ động tham gia và chỉ giúp bị cáo Thái Kiều Hương gặp mặt Trịnh Xuân Thanh; không biết gì về việc chuyển nhượng cổ phần; bị cáo mong VKS xem xét thấu đáo để giảm nhẹ hình phạt.