Bộ ba đồng hương biến thành đồng phạm
Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 07:45, 18/01/2018
Theo cáo trạng và lời khai của các bị cáo, để có tiền tiêu xài, Thái Đình Long (SN 1991) đã rủ hai đồng hương Nguyễn Công Lực (SN1996), Phạm Viết Đào (SN 1992) thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua hình thức mua điện thoại trả góp, vay vốn từ Công ty tài chính rồi chiếm đoạt bán lấy tiền chia nhau tiêu xài.
Mọi việc bắt đầu từ tháng 8/2015, Thái Đình Long nghe ngóng và biết một số công ty tài chính cho vay liên kết với các cửa hàng điện thoại để phục vụ khách hàng. Việc thế chấp rất đơn giản, chỉ cần giấy chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe là có thể vay hàng triệu đồng mua “dế”. Từ đó, Long ý định cấu kết với một số đối tượng để lừa đảo.
Ngày 20/8/2015, Thái Đình Long quyết định “đầu tư” 300.000 đồng để mua Giấy chứng minh nhân dân, Giấy phép lái xe của một người mang tên Nguyễn Quang Hùng tại một tiệm cầm đồ (không rõ tên, địa chỉ). Long sử dụng các giấy tờ trên đến Công ty tài chính TNHH MTV H. sử dụng hai giấy tờ trên để trực tiếp ký Hợp đồng tín dụng vay 7,2 triệu đồng để mua 1 điện thoại di động hiệu Oppo Find 7A tại Chi nhánh Công ty cổ phần T.
Để đảm bảo các thủ tục vay tiền, Thái Đình Long rủ Phạm Viết Đào và Nguyễn Công Lực làm “diễn viên” đóng vai người thân của của Long. Đào và Lực xác nhận nhân thân cho Thái Đình Long khi nhân viên Công ty tài chính gọi đến để kiểm tra. Sau khi chiếm đoạt được tài sản, Long mang điện thoại đi “bán nóng” được 4 triệu đồng. Khoản tiền này được chia ba, trong đó, Long được phần nhiều hơn.
Thấy việc lừa đảo “dễ như thò tay trong túi lấy đồ” nên một ngày sau, “bộ ba” Long, Lực và Đào lại đi mua Giấy chứng minh nhân dân, Giấy phép lái xe mang tên Thái Bá Vĩnh tại tiệm cầm đồ (không rõ tên, địa chỉ) với giá 300.000 đồng. Cả nhóm kéo đến Chi nhánh Công ty Cổ phần T. sử dụng giấy tờ trên để trực tiếp ký Hợp đồng tín dụng, vay 5,6 triệu để mua điện thoại di động Nokia 830. Vẫn với phương thức cũ, khi Long ký, hai “đồng hương” lại sốt sắng đóng vai người thân để “xác nhận nhân thân”. Chiếm đoạt gọn chiếc điện thoại, Long mang đi bán được 2 triệu và chia cho các “chiến hữu” cùng sử dụng.
Do phải “ăn chia” với các đồng hương nên trong phi vụ thứ ba, Long quyết định hành động “đơn thương độc mã”. Ngày 24/8/2015, Nguyễn Công Long một mình đi mua Giấy chứng minh nhân dân, Giấy phép lái xe mang tên Nguyễn Đăng Nam tại tiệm cầm đồ (không rõ tên, địa chỉ) với giá khoảng 300.000 đồng. Sau đó, Long cầm giấy tờ thế chấp vay của Công ty tài chính 6,1 triệu đồng, mua 1 điện thoại di động Samsung A5.
Để đối phó thủ tục “xác minh nhân thân”, Long đưa hai số điện thoại bị cáo đang sử dụng. Khi nhân viên tài chính gọi đến, Long tự nghe điện thoại, tự xác nhận nhân thân cho chính... bản thân. Khi lấy được điện thoại, Long đem bán, thu 4 triệu đồng tiêu xài.
Với thủ đoạn tương tự nêu trên, Long tiếp tục thực hiện thêm nhiều “phi vụ” lừa đảo. Số điện thoại chiếm được, Long bán hoặc dùng để sử dụng cho thêm phần “sành điệu”.
Đến ngày 3/7/2017, lo sợ và cảm thấy ăn năn hối hận nên Thái Đình Long và Nguyễn Công Lực đã đến Cơ quan Cảnh sát điều tra đầu thú về hành vi phạm tội của mình. Đến ngày 17/5/2017, Phạm Viết Đào cũng đến Cơ quan Cảnh sát điều tra đầu thú. Qua kết luận giám định cho thấy có đủ căn cứ xử lý các bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Mới đây, TAND tỉnh Bình Dương đã xét xử phúc thẩm Thái Đình Long và đồng phạm. HĐXX nhận định động cơ phạm tội là do không có tiền tiêu xài nên Long rủ rê các bị cáo Lực, Đào, nhiều lần thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Công ty tài chính TNHH MTV H.
Đây là vụ án có vai trò đồng phạm giản đơn, Long là người khởi xướng, rủ các bị cáo khác tham gia với vai trò đồng phạm tích cực. Long tham gia 5 lần, chiếm đoạt số tiền 31,9 triệu đồng. Các bị cáo thực hiện phạm tội nhiều lần, liên tục trong khoảng thời gian ngắn thể hiện sự xem thường pháp luật nên cần xử phạt các bị cáo với mức án nghiêm, cách ly ra khỏi đời sống xã hội một thời gian nhằm đảm bảo tính giáo dục riêng và phòng ngừa chung cho xã hội.
HĐXX tuyên phạt bị cáo Thái Đình Long và Nguyễn Công Lực mỗi người 1 năm 3 tháng tù; Phạm Viết Đào 1 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Nỗi ân hận của các bị cáo thể hiện qua sự nghẹn ngào xin được giảm án, tuy nhiên tất cả đều đã muộn. Vụ án cũng là bài học cho những thanh niên trẻ xa xứ nhưng không chăm chỉ lao động, kiếm tiền bất chính. Đừng dại dột để rồi khóc hận khi nhận ra đích đến cuối cùng chỉ là song sắt nhà tù.