Luật sư của Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh nói gì trong phần bào chữa?
Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 12:06, 12/01/2018
Theo đó, tham gia bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT, TGĐ PVC, luật sư Nguyễn Văn Quynh cho rằng thân chủ của mình không có lỗi cố ý và đề nghị VKSND xem xét lại một số nội dung cáo buộc chưa phù hợp với thân chủ của mình.
Nói về hành vi cáo buộc Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo nguyên TGĐ Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) Vũ Đức Thuận ký hợp đồng EPC số 33 trái quy định, luật sư Quynh cho rằng Thanh không có thẩm quyền yêu cầu ký hợp đồng. Theo điều lệ của PVC, việc đưa ra chủ trương chỉ đạo phải thông qua HĐTV. Ngoài ra, chủ thể hợp đồng EPC là chủ đầu tư PVPower.
Từ đó, luật sư Nguyễn Văn Quynh cho rằng PVPower phải có quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với hợp đồng đã ký.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh (Ảnh: Hải Đăng)
Nói về bản luận tội cho rằng PVC không đủ kinh nghiệm, năng lực tài chính, luật sư Quynh nói nhiều năm gần đây, PVC làm ăn có lãi. Khi Trịnh Xuân Thanh về lãnh đạo, Công ty có vốn hơn 500 tỷ. Sau khi tái cơ cấu năm 2011, vốn điều lệ của PVC đã lên hàng nghìn tỷ đồng.
Luật sư Quynh cũng không đồng tình với cáo buộc Trịnh Xuân Thanh quanh co, chối tội. Vị luật sư này nói quá trình điều tra đều ghi âm, ghi hình. Trách nhiệm chứng minh hành vi phạm tội là của Cơ quan điều tra. Lấy ví dụ minh họa về việc Hoa hậu Phương Nga im lặng suốt quá trình điều tra, chỉ khai báo lúc ra Tòa, ông Quynh nói cáo buộc trên không áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội có lợi cho bị cáo.
Luật sư Nguyễn Văn Quynh
Cũng tại phiên tòa sáng nay, luật sư Nguyễn Hồng Phúc cho rằng PVC là nhà thầu phải lệ thuộc chủ đầu tư, không chỉ đạo ngược lại PV Power, Trịnh Xuân Thanh không có quyền chỉ đạo Tổng giám đốc PV Power. Việc TGĐ PVPower không bị xem xét trách nhiệm có nghĩa hợp đồng EPC số 33 không có hiệu lực, không phát sinh quyền và nghĩa vụ các bên.
Từ đó, luật sư Phúc cho rằng trong trường hợp bị cáo Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo được lãnh đạo PV Power thì việc này cũng phát sinh hậu quả. Việc tạm ứng sau này thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư.
Được biết, chiều qua (11/1), thông qua gia đình, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã nộp thêm 2 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Tổng cộng, sau hai lần bị cáo Thanh đã nộp đủ 4 tỷ đồng (số tiền mà cơ quan tố tụng cáo buộc Trịnh Xuân Thanh tội Tham ô tài sản).
Trước đó, trong phiên xử cuối giờ chiều qua, sau khi VKSND luận tội, đề nghị mức án cho các bị cáo, phiên xử bước vào phần tranh luận. Luật sư Phan Trung Hoài và luật sư Nguyễn Huy Thiệp tham gia bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐTV PVN đã nêu quan điểm của mình.
Theo đó, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng khi đánh giá về hậu quả, ngoài số tiền bị thiệt hại, VKSND cho rằng dự án bị kéo dài, đội vốn hàng trăm triệu USD, hành vi phạm tội các bị cáo mang tính lợi ích nhóm... Tuy nhiên, căn cứ pháp lý và chứng cứ đánh giá hành vi phạm tội của bị cáo mới chỉ dừng lại ở quan điểm của bên luận tội.
Luật sư Phan Trung Hoài (Ảnh: Hải Đăng)
Từ đó, vị luật sư này đề nghị VKSND xem xét về “Thời điểm xảy ra sai phạm ở giai đoạn 2008 - 2011, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn và bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính thế giới. Dầu khí là một trong những ngành kinh tế trọng điểm của đất nước”. Bên cạnh đó, luật sư Phan Trung Hoài cũng chỉ ra:
Sau khi Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý để PVN phát huy nội lực, kích cầu trong nước, như vậy PVN được cung cấp các dịch vụ trong tập đoàn, và ông Đinh La Thăng lúc đó đã ký Nghị quyết 233 của PVN tăng cường ưu tiên sử dụng tối đa các dịch vụ trong tập đoàn, giao và tổ chức các đơn vị thực hiện tổng thầu các dự án do Tập đoàn đầu tư.
Bên cạnh những luận cứ nêu trên, luật sư Hoài cũng cho biết trong quá trình chuẩn bị đầu tư, dự án đã được triển khai theo đúng quy định của pháp luật.
Nói về vấn đề liên quan đến việc tạm ứng tiền cho dự án để các bị cáo sử dụng sai mục đích gây thiệt hại tài sản Nhà nước, theo luật sư Phan Trung Hoài, giới hạn của Chủ tịch HĐTV đã được quy định rất rõ, có sự phân biệt với trách nhiệm của Ban Tổng Giám đốc.
Theo quy định về quy chế quản lý phần vốn ban hành kèm theo quyết định của PVN, Ban quản lý dự án được cấp vốn trên cơ sở kế hoạch hoạt động được PVN phê duyệt. Luật sư Hoài phân tích: “Như vậy, liên quan đến phạm vi trách nhiệm, ông Thăng đã chỉ đạo và Ban Tổng Giám đốc đã thành lập Ban chỉ đạo dự án, ông Phùng Đình Thực phân công nhiệm vụ cho 3 Phó TGĐ, do vậy mong HĐXX chỉ ra được ranh giới, giới hạn hành vi của Chủ tịch HĐTV với Ban Tổng Giám đốc”.
Bị cáo Đinh La Thăng nghe luật sư bào chữa (Ảnh: Hải Đăng)
Cùng tham gia bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng, luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng không đủ căn cứ để buộc tội ông Thăng tội Cố ý làm trái, bởi không có bằng chứng nào thể hiện sự chỉ đạo của ông Đinh La Thăng trong việc chỉ định thầu và chỉ đạo tạm ứng trái quy định. Vị luật sư này cũng đề nghị VKSND xem xét lại căn cứ xác định khoản lãi trong thực tế.
Theo luật sư Nguyễn Huy Thiệp, trong vụ án này, sai phạm không ở chủ trương của HĐTV PVN về việc chỉ định thầu mà nằm ở việc thực hiện. Ông Thăng không phải đối tượng được điều chỉnh bởi Luật Đấu thầu, chủ thể nếu sai phạm xảy ra là chủ đầu tư và nhà thầu. Hành vi sai phạm là hành vi của người thực hành nhưng VKS lại quy kết cho người đứng đầu chịu trách nhiệm chính.
Phân tích kỹ nội dung hồ sơ vụ án, luật sư Thiệp cho rằng ông Thăng có vi phạm trong kiểm tra, đôn đốc, thực hiện các Nghị quyết của HĐTV liên quan chỉ định thầu, triển khai dự án và cho rằng, hành vi của thân chủ mình có dấu hiệu của tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” chứ không phải tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bên cạnh đó, luật sư Thiệp cũng lưu ý căn cứ xác định thiệt hại trong khi nguyên đơn dân sự chưa có yêu cầu bồi thường thiệt hại và không có đơn yêu cầu.
Báo Công lý sẽ tiếp tục cập nhật thông tin diễn biến tại phiên tòa.