Phiên họp thứ 15 Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương: Cho ý kiến Đề án đổi mới tổ chức Tòa án và Viện kiểm sát
Chính trị - Ngày đăng : 22:25, 01/04/2014
Tại phiên họp, các đại biểu cho ý kiến về Đề án chi tiết đổi mới tổ chức và hoạt động của TAND 4 cấp (TANDTC, TAND cấp cao, TAND cấp tỉnh, TAND sơ thẩm khu vực) và một số vấn đề quan trọng của dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi); Đề án chi tiết tổ chức VKSND các cấp và dự thảo Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) và Đề án “Đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp trong quân đội”.
Tham gia thảo luận, các ý kiến cơ bản đồng tình với sự cần thiết, quan điểm, mục tiêu và nội dung của hai đề án: Tổ chức TAND 4 cấp và dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi); Đề án chi tiết Tổ chức và hoạt động VKSND các cấp và một số vấn đề quan trọng của Dự thảo Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi).
Cụ thể, về mô hình tổ chức TAND 4 cấp, đề án và dự thảo Luật đưa ra hai phương án: Thành lập TAND sơ thẩm khu vực và TAND sơ thẩm đặt tại các đơn vị hành chính cấp huyện. Đa số ý kiến nhất trí phương án thứ nhất và cho rằng, phương án này phù hợp với Nghị quyết số 49-NQ/TW và Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị, đồng thời phù hợp với yêu cầu thực tiễn xét xử. Thực tế cho thấy, cấp xét xử sơ thẩm chiếm tới hơn 80% số vụ án, cần được tổ chức theo khu vực, không gắn với cấp hành chính nhằm bảo đảm tính độc lập trong hoạt động xét xử và có điều kiện để chuyên môn hóa hoạt động xét xử, nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ Thẩm phán và linh hoạt hơn trong việc tổ chức hoạt động xét xử.
Quang cảnh phiên họp
Về tổ chức của TAND sơ thẩm khu vực, cần cơ cấu một số Tòa chuyên trách như đề án và dự thảo Luật đã nêu, gồm: Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Kinh tế, Tòa Hành chính, Tòa Lao động, Tòa Gia đình và người chưa thành niên, Tòa giản lược. Đồng thời, giao cho Chánh án TANDTC căn cứ vào tình hình cụ thể mà tổ chức Tòa chuyên trách trong mỗi Tòa án sơ thẩm khu vực cho phù hợp như đề án đã nêu. Tuy nhiên, cần xác định rõ tiêu chí để làm cơ sở cho việc thành lập Tòa chuyên trách theo loại án có đủ điều kiện về số lượng, phù hợp với thực tế của từng TAND sơ thẩm khu vực.
Về nhiệm vụ phát triển án lệ, các ý kiến cho rằng, việc quy định TANDTC có nhiệm vụ phát triển án lệ cần được tiếp tục nghiên cứu và đặt trong mối quan hệ với thẩm quyền của Hội đồng Thẩm phán TANDTC trong việc xét xử giám đốc thẩm.
Các đại biểu cũng nhất trí đề nghị dự thảo Luật quy định Thẩm phán TANDTC được bổ nhiệm một lần cho đến tuổi nghỉ hưu. Về nhiệm kỳ của Thẩm phán các cấp có thể được bổ nhiệm nhiệm kỳ đầu là 5 năm và các nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm. Độ tuổi nghỉ hưu của Thẩm phán TANDTC là 65 tuổi vì đây là loại hình nghề nghiệp có tính chất đặc thù, cần kinh nghiệm và uy tín cao.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo hoan nghênh và đánh giá cao sự chuẩn bị của Ban cán sự Đảng TANDTC, Ban cán sự Đảng VKSNDTC, Quân uỷ Trung ương trong việc xây dựng các Đề án, dự thảo luật.
Chủ tịch nước cũng đề nghị các cơ quan chuẩn bị các đề án, dự thảo luật tiếp thu đầy đủ ý kiến của thành viên Ban Chỉ đạo, bổ sung các lập luận có cơ sở khoa học và thực tiễn, nâng tầm của các dự thảo luật. Các dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) và Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) sớm hoàn thiện để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2014).