Nhức nhối công nhân gây án
Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 06:14, 29/08/2017
Một Kiểm sát viên lo lắng: “Họ chưa hình dung ra mức độ hậu quả hành vi mình phải gánh chịu khi thực hiện hành vi phạm tội, một phần do trình độ cũng ảnh hưởng đến nhận thức pháp luật”. Tham dự các phiên tòa, dễ nhận thấy tình trạng công nhân “đói” luật đang rất đáng báo động".
Vụ án bị cáo Lương Hoàng Giang (28 tuổi, quê An Giang) bị VKSND tỉnh Bình Dương truy tố về tội “Giết người” vừa được ra đứng trước vành móng ngựa ngày 17/8/2017. Chỉ vì mâu thuẫn rất nhỏ nhặt, Giang gây náo loạn khu phòng trọ tại khu phố 1B, phường An Phú, thị xã Thuận An gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Theo lời khai của Giang và hồ sơ vụ án, vào khoảng 23 giờ đêm 10/5, Giang và anh Nguyễn Văn Lượm, 27 tuổi, quê An Giang, người sống cùng khu nhà trọ xảy ra mâu thuẫn. Lời qua tiếng lại, hai người được can ngăn nên không xảy ra ẩu đả. Tuy nhiên, Giang vẫn ấm ức, quyết hạ sát đối thủ.
Giang tìm được một con dao lưỡi thép dài 23,7cm thủ sẵn trong người và đứng mai phục, chờ cơ hội gây án. Trong đêm tối, anh Lượm ra khỏi phòng trọ không phát hiện ra Giang. Bị cáo đã dùng dao tấn công liên tiếp khiến anh Lượm tử vong trên đường đi cấp cứu. Gây án xong, Giang bỏ trốn khỏi khu nhà trọ, tiếp tục đi thuê nhà nơi khác để làm công nhân. Tuy nhiên, y đã bị công an tóm gọn tại khu phố Bình Phước B, phường Bình Chuẩn, thị xã Thuận An.
Nguyễn Hoài Thanh, một bị cáo làm công nhân tại Bình Dương lãnh án tử hình về tội giết người
Cũng hung hăng, côn đồ như Giang là bị cáo Phan Phi Hải (SN 1984, quê Vĩnh Long) bị TAND thị xã Dĩ An xét xử sơ thẩm về tội cố ý gây thương tích. Hải gây án vì ghen tuông với người yêu cũ, thể hiện sự ích kỷ, thiếu hiểu biết pháp luật.
Cáo trạng thể hiện Hải và chị Đặng Thị Hường từng có thời gian yêu đương nhưng do không hợp nên đã “đường ai nấy đi”. Tuy đã chia tay nhưng khi biết chị Hường đã có người mới, Hải vẫn nổi máu ghen tuông. Vụ án xảy ra khi Hải đến phòng trọ mời chị Hương đi dạo, tại đây, những người hàng xóm chị Hương cho biết chị vừa ra khỏi nhà cùng một người đàn ông khác.
Chuyện chỉ có vậy nhưng Hải quyết gây án. Bị cáo quay về phòng trọ lấy một con dao cất vào túi quần làm hung khí, sau đó quay lại đường vào phòng trọ của chị Hường chờ đợi. Khi thấy bạn gái cũ ngồi trên xe cùng một người đàn ông, Hải bám theo, chờ cơ hội gây án. Lợi dụng lúc anh Nguyễn Văn Tài (bạn trai chị Hường) không để ý, Hải rút dao đâm tấn công. Thấy vậy, chị Hường liền chạy đến ôm Hải can ngăn. Sau đó, Hải còn tiếp tục tìm hung khí tấn công anh Tài nhưng may mắn được can ngăn kịp thời. Anh Tài đã gửi đơn tố cáo và Hải bị khởi tố về tội “Cố ý gây thương tích”.
Tham dự phiên tòa, có thể thấy các bị cáo đều là những thanh niên từ các miền quê khác đến Bình Dương sinh sống. Do trình độ học vấn, trình độ dân trí không cao, quan điểm sống của nhiều công nhân cũng như cách xử sự, kỹ năng sống thấp khiến nhiều người giải quyết mâu thuẫn bằng vũ lực, trái pháp luật. Đó là một trong những nguyên nhân khiến chủ thể của hành vi phạm tội là công nhân tại Bình Dương tăng cao.
Như trong vụ án Lương Hoàng Giang, xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ nhặt, Giang dùng dao nhọn tấn công người khác bất chấp hậu quả. Qua cân nhắc các tình tiết, tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Giang mức án tù chung thân về tội “Giết người”.
Đối với vụ án Phan Phi Hải xảy ra tại thị xã Dĩ An, là địa bàn phức tạp có trên 3.000 doanh nghiệp hoạt động. Mặc dù địa phương đã nhiều lần mở các đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người lao động nâng cao nhận thức nhưng tình trạng công nhân phạm tội vẫn phổ biến. Hành vi cố ý gây thương tích của Hải đã bị HĐXX tuyên phạt 4 tháng tù để giáo dục, răn đe và phòng ngừa tội phạm.
Các cơ quan quản lý nhà nước có vai trò quản lý địa bàn, an ninh khu vực cần tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền phổ biến pháp luật cho công nhân. Do đa phần công nhân làm việc theo ca, thường tăng ca để tăng thu nhập nên việc bố trí thời gian tham dự các buổi tuyên truyền, các buổi tập huấn hoặc tham gia sinh hoạt nơi cư trú là rất hạn chế. Cần có sự sáng tạo linh hoạt, tăng cường xét xử lưu động tại các khu công nghiệp để pháp luật lan tỏa, gia tăng kiến thức đến công nhân.
Ngoài ra, công đoàn và cơ quan sử dụng lao động cần quan tâm hơn nữa đến đời sống vật chất, tinh thần của người lao động. Chỗ đứng của công nhân phải là trong công xưởng sản xuất ra của cải cho xã hội chứ không phải cúi đầu trước vành móng ngựa trong những vụ án phạm tội vì thiếu hiểu biết…
* (Tên người bị hại đã được thay đổi).