Từ 1/4: Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công Khó cũng phải làm

Chính trị - Ngày đăng : 21:54, 27/03/2014

Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, phải làm với quyết tâm cao đồng thời khẳng định qua đợt tổng rà soát này "sẽ góp phần đem lại niềm tin cho nhân dân đối với xã hội, tôn vinh và thể hiện nghĩa tình với người có công với đất nước…".

Chủ trương có ý nghĩa về nhiều mặt

Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công là thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 27/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong hai năm 2014-2015. Theo đó, trong tháng 4/2014, mỗi quận, huyện sẽ chọn một xã, phường, thị trấn để thực hiện rà soát thí điểm, rút kinh nghiệm để tổ chức tổng rà soát trên toàn tỉnh, thành phố.

Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành và tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách đối với người có công với cách mạng, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Tuy nhiên, ở một số Bộ, ngành, địa phương, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng chưa được quan tâm đúng mức, còn chưa xử lý kịp thời một số tồn đọng đối với người có công, chưa kiến nghị kịp thời việc sửa đổi, bổ sung các chính sách để giải quyết khó khăn của một bộ phận gia đình người có công với cách mạng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ với cách mạng; việc tổ chức thực hiện chính sách còn sai sót, tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội.

Để đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công, đáp ứng nguyện vọng của người có công và toàn xã hội, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng Chương trình phối hợp tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong hai năm 2014-2015, với 7 đối tượng là: Liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, người có công giúp đỡ cách mạng, cựu thanh niên xung phong kháng chiến.

Ngày 5/12/2013, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ký Chương trình phối hợp triển khai thực hiện việc tổng rà soát. Theo chương trình phối hợp giai đoạn 2014-2015, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành rà soát, làm rõ danh sách những người có công và gia đình người có công đã được hưởng, chưa được hưởng hoặc được hưởng chưa đầy đủ chính sách ưu đãi hiện hành của Nhà nước để xây dựng kế hoạch giải quyết trong các năm sau. Bên cạnh đó, các cơ quan còn có trách nhiệm phát hiện những vấn đề chưa hợp lý trong chính sách và thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng để kiến nghị với Đảng, Nhà nước điều chỉnh trong thời gian tới.

Từ 1/4: Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công Khó cũng phải làm

40 bị cáo trong đường dây thương binh giả ở Bắc Ninh vừa được xét xử sơ thẩm

Huy động các tổ chức chính trị - xã hội tham gia tổng rà soát

Mới đây, ngày 18/3/2014, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Lao động, Thương binh và xã hội tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tập huấn chương trình tổng rà soát. Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền nêu rõ, đây là lần đầu tiên chúng ta huy động tất cả các tổ chức chính trị - xã hội tham gia và có phân công cụ thể.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng: Tổng rà soát là việc khó song không thể vì khó mà không làm, phải làm với quyết tâm cao. Muốn tổng rà soát, phải đến từng hộ, cần dựa vào các tổ chức chính trị - xã hội và những tổ chức gắn bó, hiểu biết nhất định với người có công; sử dụng lực lượng xã hội - những người có ý thức chính trị cao tham gia rà soát. Tổng rà soát huy động các đoàn thể tham gia, việc xử lý kết quả rà soát là trách nhiệm của ngành Lao động - Thương binh - Xã hội và chính quyền địa phương.

"Qua đợt tổng rà soát này, nhận thức và đánh giá về thực hiện chính sách đối với người có công sẽ định lượng hơn, khoa học và thực tiễn hơn đồng thời góp phần đem lại niềm tin cho nhân dân đối với xã hội, tôn vinh và thể hiện nghĩa tình với người có công với đất nước", Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định. 

- Cuộc tổng rà soát lần này có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, đến tất cả 11.000 xã, phường, thị trấn trong cả nước, với khoảng 4,8 triệu người thuộc 7 đối tượng.

- Theo tiến độ thực hiện, trong tháng 4/2014, mỗi quận, huyện chọn một xã, phường, thị trấn để thực hiện rà soát thí điểm, rút kinh nghiệm để tổ chức tổng rà soát trên toàn tỉnh, thành phố. Từ tháng 5 đến 7/2014: Tổng rà soát các xã, phường, thị trấn còn lại trong tỉnh, thành phố.

- Từ tháng 7 đến 9/2014: UBND cấp huyện, tỉnh sẽ công bố kết quả rà soát.

- Từ tháng 10/2014 đến 7/2015, trên cơ sở báo cáo của cấp huyện, Sở Lao động, Thương binh - Xã hội tổng hợp báo cáo UBND tỉnh để xem xét, giải quyết những vấn đề phát sinh.

- Tháng 8/2015, UBND gửi báo cáo kết quả Tổng rà soát đến Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Tháng 10/2015, Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội báo cáo Chính phủ và Quốc hội kết quả việc tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi với người có công trong cả nước, cùng với đó tổng kết việc thực hiện tổng rà soát.

40 bị cáo trong đường dây thương binh giả ở Bắc Ninh hầu toà

Trong 4 ngày từ 3 đến 6/3, TAND tỉnh Bắc Ninh đã xét xử sơ thẩm 40 bị cáo trong đường dây chạy thương binh giả về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 2,2 tỷ đồng.

Tại Tòa, các bị cáo khai nhận: Từ 2003 đến 2006, Lê Tuấn Nghênh SN 1952, trú quán Ngũ Thái, Thuận Thành, Bắc Ninh biết rõ 42 đối tượng ở hai xã Ngũ Thái và Nguyệt Đức (Thuận Thành, Bắc Ninh) là những người đã từng đi bộ đội nhưng không có thương tật hoặc có thương tật nhưng không có giấy tờ chứng minh. Nghênh đã "nhờ" Lê Đình Thảo (SN 1953) ở Đồng Hỷ, Thái Nguyên làm bác sỹ ở Phòng Quân y, Quân khu I, được phân công về Viện Quân y 110 (TP Bắc Ninh) "chạy" hồ sơ cho các đối tượng trên được hưởng chế độ thương binh. Thực hiện hành vi trên, Nghênh đã nhận tiền của các đối tượng để hoàn tất hồ sơ, chiếm đoạt của Nhà nước tổng số 2,2 tỷ đồng.

Trong số 42 đối tượng trên có hai đối tượng chưa được hưởng chế độ thương binh và một đối tượng là thương binh có tỷ lệ thương tật là 23% nhưng làm hồ sơ nâng hạng lên 37%, đã khắc phục số tiền chiếm đoạt của Nhà nước nên chỉ bị xử lý hành chính.

HĐXX tuyên phạt Lê Tuấn Nghênh 7 năm tù giam; ba bị cáo bị phạt án tù giam. Còn lại 36 bị cáo bị phạt từ 8 tháng đến 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Tuấn Anh