Vụ án Cty Ngọc Hưng buôn lậu hơn 500m3 gỗ trắc: Các bị cáo tiếp tục khẳng định vô tội
Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 17:10, 07/08/2017
Phiên tòa ngày 7/8 được tiếp tục với phần tranh luận. Tham gia bào chữa cho bị cáo Đỗ Danh Thắng, Luật sư (LS) không đồng ý với tội danh và các điều khoản mà VKS truy tố đối với bị cáo. Theo đó, LS đưa ra các lập luận cho rằng cáo trạng cáo buộc bị cáo về tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hiệu quả nghiêm trọng” là hoàn toàn không có cơ sở. Vì vậy, LS đề nghị HĐXX xem xét tuyên bị cáo không vi phạm tội danh nêu trên.
Tự bào chữa cho mình, bị cáo Thắng cho rằng cáo trạng đã căn cứ vào Điều 11 Nghị định 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ để buộc tội bị cáo là không đúng. Bởi vì Điều 11 Nghị định 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ là quy định “kiểm tra thực tế hàng hóa”. Việc này do Chi cục Hải quan cảng Cửa Việt nơi làm thủ tục xuất khẩu cho lô hàng.
Nội dung Công văn số 1453/TCHQ-PC ngày 25/3/2013 trả lời cơ quan cảnh sát điều tra C44 Bộ Công an thì theo quy định hiện hành, việc khám xét nơi cất giấu tang vật vi phạm hành chính thực hiện theo quy định Điều 49 pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Điều 17 Nghị định 128/2008/NĐ-CP ngày 16/12/2008 của Chính phủ, Điều 27 Nghị định 97/2007/NĐ-CP ngày 7/6/2007 của Chính phủ quy định việc xử lý vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan.
5 bị cáo trong vụ án đều khẳng định không có tội.
Cáo trạng đã căn cứ vào Điều 26 Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 6/12/2010 của Bộ Tài chính để buộc tội bị cáo là sai. Điều này là quy định cơ sở để xác định hàng hóa đã xuất khẩu là tờ khai đã làm xong thủ tục hải quan và phải có vận đơn nhưng chưa có vận đơn.
Cáo trạng nêu đã cấp vận đơn cho 5 container, nếu có thì đây là việc cấp vận đơn của đại diện hãng tàu chứ lô hàng chưa xếp hết lên tàu, thuyền trưởng chưa ký vận đơn, chưa xuất trình cho cơ quan hải quan và tàu chưa làm thủ tục xuất cảnh, còn đậu tại cảng, nằm trong sự giám sát quản lý của Hải quan. Mặt khác lô hàng có 22 container sao lại chỉ cấp vận đơn có 5 container.
Ngoài ra, theo bị cáo Thắng, cáo trạng căn cứ vào Điều 4, Điều 5 Quyết định số 1928/QĐ-TCHQ ngày 30/10/2006 của Tổng cục Hải quan để buộc tội nhưng các văn bản để làm căn cứ ban hành Quyết định tại thời điểm đó đã được thay thế bằng các văn bản khác. Vì lẽ đó, bị cáo Thắng đề nghị HĐXX xem xét lại tính pháp lý của những văn bản này để không làm oan người vô tội.
Bị cáo Thắng cũng đã bác bỏ nội dung cáo trạng cáo buộc bị cáo chỉ ra quyết định khám xét mà không phân công cụ thể việc khám xét, không phân công người chủ trì khám xét, không phổ biến kế hoạch, nội dung mục đích yêu cầu của việc khám xét cho công chức tham gia khám xét.
Bởi trên thực tế bị cáo đã xây dựng kế hoạch khám xét, đã phổ biến kế hoạch khám xét nội dung, mục đích, yêu cầu khám xét cho các công chức tham gia khám xét tại cơ quan. Tức là tìm hàng hóa vi phạm như CA quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) đã phát hiện. Từng người đã thực hiện nhiệm vụ phân công, kết thúc khám xét đã có biên bản. Bị cáo đặt ra câu hỏi, nếu không phân công, phổ biến nhiệm vụ khám xét thì khám xét cái gì và tại sao tổ khám xét lại có kết quả ghi trong biên bản với đầy đủ của các chữ ký của các thành viên tham gia…
Liên quan đến việc báo cáo, ngày 29/12/2011, bị cáo có Công văn số 1753/HQCĐN gửi Chi cục Hải quan Cảng Cửa Việt và báo cáo Cục Hải quan TP Đà Nẵng kết quả khám xét lô hàng và giải quyết các công việc tiếp theo cho lô hàng. Bên cạnh đó, khi thực hiện quyết định khám xét, bị cáo đã có nhiều báo cáo gửi Cục Hải quan TP Đà Nẵng, Tổng cục Hải quan và cả Bộ tài chính… nên không thể tùy tiện kết luận bị cáo không thực hiện việc báo cáo theo quy định.
Theo bị cáo Thắng, trong suốt quá trình thực hiện công vụ theo chức năng nhiệm vụ trong vụ việc, bị cáo đã hoàn thành công tác chỉ đạo theo đúng quy định của pháp luật, sự chỉ đạo của Tổng cục Hải quan của Cục Hải quan TP Đà Nẵng. Toàn bộ lô hàng đều thực hiện theo quyết định khám xét, quyết định tạm giữ toàn bộ lô hàng đều do bị cáo ký. Bị cáo là người tổ chức giám sát nguyên trạng đến ngày cơ quan Công an bán đấu giá. Chính vì hàng hóa còn nguyên trạng, không thất thoát nên việc cáo trạng quy kết bị cáo phạm tội thiếu trách nhiệm gây hiệu quả nghiêm trọng là không đúng.
Tham gia bào chữa cho bị cáo Liệu có 6 LS tham gia. Sau khi nghe lời buộc tội của KSV-VKSND TP Đà Nẵng, theo ủy quyền của VKSND tối cao giữ quyền công tố phát biểu luận tội, các LS cho rằng Cáo trạng của VKS truy tố các bị cáo về tội buôn lậu là không đúng pháp luật hình sự.
Cụ thể, kết quả tố tụng tại phiên tòa đã làm rõ các hành vi mà VKS cáo buộc là hoàn toàn không có căn cứ nhưng KSV vẫn giữ nguyên truy tố. Trong đó, VKS đã không tuân thủ nguyên tắc: Quyết định vụ án phải căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Trong trường hợp này ý kiến của KSV đã không tôn trọng sự thật khách quan, mang nặng ý thức chủ quan, đánh giá kết luận sự việc không đúng pháp luật, truy tố oan sai.
Trên cơ sở kết quả tranh tụng tại phiên Tòa có căn cứ khẳng định: Toàn bộ lô hàng gỗ do Cty Ngọc Hưng nhập khẩu từ Lào về Việt Nam theo Tờ khai hàng hóa nhập khẩu số 1505 ngày 17/12/2011, rồi ngay sau đó xuất khẩu nguyên lô đi Hồng Kông- Trung Quốc theo Tờ khai hàng hóa xuất khẩu số 849 ngày 19/12/2011 được thừa nhận thủ tục hải quan hợp pháp.
Hồ sơ tài liệu là có thật không có căn cứ làm giả; Nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa nhập khẩu được xác định là do Cty Ngọc Hưng mua của doanh nghiệp Lào tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo rồi nhập khẩu mà có.
Ông Trần Đình Diện cha của Trần Đình Quang xác nhận di thư do Quang để lại.
Do Cty Ngọc Hưng đã thực hiện đúng quy định của pháp luật về nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa nên những người quản lý trực tiếp làm công việc nhập khẩu, xuất khẩu hàng hóa của Cty là các bị cáo Liệu và bị cáo Dung không phạm tội buôn lậu. Đối với trường hợp Cty Ngọc Hưng khai sai về số lượng và loại gỗ nhưng thấy việc khai báo này không làm giảm số thuế xuất khẩu phải nộp nên không gây thiệt hại cho Nhà nước.
Để phản bác quan điểm buộc tội của đại diện VKS, các LS đã phân tích, nhận định những tình tiết của vụ án, mà những tình tiết này đã được VKSND tối cao truy tố tại bản Cáo trạng số 02/VKSTC/V3 ngày 25/01/2016.
Trong đó, các LS chỉ ra sự mâu thuẫn tại các tài liệu, chứng cứ về vật chứng. Đối với vụ án này thì vật chứng vụ án là toàn bộ lô hàng gỗ do Cty Ngọc Hưng nhập khẩu theo Tờ khai hàng hóa nhập khẩu số 1505 và sau đó xuất khẩu theo Tờ khai hàng hóa xuất khẩu số 849.
Thứ nhất, vật chứng có mâu thuẫn lớn về số lượng, chủng loại. Thể hiện, theo Tờ khai hàng hóa nhập khẩu số 1505 ngày 17/12/2011 và
Tờ khai hàng hóa xuất khẩu số 849 ngày 19/12/2011 thì hàng hóa gồm có: gỗ trắc cam bốt xẻ: 180.380 m3, gỗ trắc cam bốt tròn: 39.964 m3 và gỗ trắc cam bốt tròn tận dụng: 315.456 m3, tổng cộng : 535.800 m3.
Đặc điểm lưu ý là gỗ tròn và gỗ xẻ, đơn vị tính m3, không xác định ste. Theo Biên bản khám nơi cất giấu tang vật ngày 14/3/2012 của Chi cục HQCK cảng Đà Nẵng thì có danh mục và khối lượng được xác định: gỗ trắc hình lọ tròn, tổng cộng 22 container: 218.958 m3 +333.883 ste và gỗ xẻ, số gỗ xẻ nghi vấn không phải là gỗ Trắc: 14.734m3 + 9,674 ste. Gồm gỗ trắc và nghi vấn không là gỗ trắc có đơn vị tính m3 và ste.
Theo Biên bản kết luận giám định số 151 ngày 12/3/2012 của Viện sinh thái tài nguyên và sinh vật (VST&TNSV), xác định khối lượng: 431.598m3 thuộc loại gỗ trắc và 21.506m3 gỗ giáng hương, không xác định ste.
Trong khi đó, theo Bản kết luận giám định số 783 ngày 26/11/2012 của Viện sinh thái tài nguyên và sinh vật, gồm: hộp+thanh, lóng của gỗ trắc và gỗ giáng hương: 614.672m3 và quy gộp hai loại gỗ, đơn vị tính: m3. Như vậy, các tài liệu, chứng cứ phản ánh về vật chứng vụ án đã không thống nhất về đơn vị tính, đồng thời mâu thuẫn về số lượng, phần các giám định đã gộp hai loại gỗ Hương và gỗ Trắc, như vậy là không có sự thống nhất.
Chính vì vậy, LS đề nghị đại diện VKS có ý kiến về sự không thống nhất và mâu thuẫn về số lượng, đơn vị tính giữa các tài liệu như: Biên bản khám nơi cất dấu tang vật; Biên bản kết luận giám định; Bản kết luận giám định... và do các tài liệu này không thống nhất thì tài liệu nào được coi là chứng cứ?
Thứ hai, theo Khoản 1 Điều 76 BLTTHS thì việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra. Xét thấy Cơ quan điều tra không đình chỉ vụ án mà lại bán vật chứng là vi phạm thẩm quyền. Lẽ ra vật chứng sẽ được chuyển theo hồ sơ vụ án. Không chỉ vậy, việc bán vật chứng còn vi phạm điểm c khoản 2 Điều 75 BLTTHS. Vấn đề đặt ra ở đây, hiện nay vụ án không có vật chứng nhưng còn nhiều vấn đề chưa làm rõ về chủng loại, số lượng, đặc biệt ý kiến của các bị cáo yêu cầu thu hồi vật chứng về để giải quyết vụ án. LS đề nghị KSV có ý kiến về vấn đề này?
Thứ ba, LS cho rằng kết luận giám định trong vụ án này không hợp pháp. Theo yêu cầu của Cơ quan điều tra thì VST&TNSV giám định về loài thực vật mà không có nghĩa vụ giám định về khối lượng. VST&TNSV không thực hiện chức năng giám định theo yêu cầu của Cơ quan trưng cầu giám định mà lại phối hợp với Kiểm lâm vùng II là cơ quan không được thực hiện trưng cầu giám định là trái pháp luật.
Căn cứ khoản 2 Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Nhưng Bản kết luận giám định này đã áp dụng Thông tư số 01 ngày 04/01/2012 của Bộ NNPTNT là trái với nguyên tắc áp dụng pháp luật.
Theo các LS, trong trường hợp này, cần phải áp dụng Nghị định số 99/2009/NĐ -CP của Chính phủ. Theo Điều 7 của Nghị định này thì việc quy đổi đối với một số lâm sản như gốc, cạnh, ngọn... có hình thù phức tạp thì được quy từ khối lượng sang ste, nhưng phải thuộc loại thực vật nguy cấp, quý hiếm. Trong lúc đó, gỗ Trắc và gỗ Hương không thuộc nhóm nguy cấp, quý hiếm.
Theo quan điểm của các LS, cả hai bản giám định: Biên bản kết luận giám định số 151 và Bản kết luận giám định số 783 là không hợp pháp vì vi phạm thẩm quyền của người được trưng cầu giám định. Vi phạm phương pháp cân đo, và vi phạm nguyên tắc áp dụng văn bản pháp luật. Do các bản giám định này không hợp pháp nên cần phải thừa nhận danh mục hàng gỗ được ghi tại các Tờ khai hàng hóa nhập khẩu và tờ khai hàng hóa xuất khẩu của Cty Ngọc Hưng.
Liên quan đến lời khai của Trần Đình Quang (cháu vợ bị cáo Liệu và là nhân viên Cty Ngọc Hưng), các LS cho rằng anh Quang có hiện tượng bị đe dọa, ép cung, bức cung bởi lẽ ngay sau ngày từ Cơ quan điều tra trở về anh Quang đã tự tử (Quang đã có đơn gửi đến Ban Nội chính Trung ương, đến VKSND TC để tố cáo hành vi này). Vì vậy, lời khai của anh Quang có tại hồ sơ không được thẩm định nên không thể coi đây là chứng cứ giải quyết vụ án.
Trong vụ việc này anh Quang chết nên kết thúc việc tham gia tố tụng vì thế không thể viện dẫn những lời khai của anh Quang để rồi lấy đó làm căn cứ buộc tội các bị cáo Liệu và bị cáo Dung lập hợp đồng giả. Ngoài ra, có một số lời khai của Quang hiện tại không có trong hồ sơ vụ án, LS đề nghị HĐXX yêu cầu các cơ quan chức năng bổ sung lời khai này vào hồ sơ.
Bị cáo Trương Huy Liệu.
Nói về bản Hợp đồng kinh tế số 35/2011/HĐKT lập ngày 05/12/2011 giữa bên bán là Nhà máy chế biến gỗ nội thất Lào (Địa chỉ: Mường Phình – Savanakhet –Lào) do ông KhămFong Vorabuth – Giám đốc làm đại diện, với bên mua là Cty TNHH MTV Ngọc Hưng (Địa chỉ: 111 Quốc lộ 9 - thị trấn Lao Bảo- Hướng Hóa- Việt Nam) do bà Trần Thị Dung giám đốc làm đại diện thì thấy, hợp đồng này có đối tượng hàng hóa gỗ trắc với số lượng: 535,800m3, trị giá hợp đồng 1.559.844.00 USD, có địa điểm giao hàng tại cửa khẩu Lao Bảo Quảng Trị. Thời gian giao hàng kể từ ngày ký hợp đồng cho đến ngày 15/12/2012. Ngoài ra bản hợp đồng còn quy định về các điều khoản liên quan khác.
Trong trường hợp này, một bên ký và đóng dấu trước rồi giao giấy tờ cho bên kia điền thông tin có số lượng hàng hóa tương ứng thì thủ tục này pháp luật không cấm. Khi thấy bản hợp đồng trên đây đã thực hiện xong, các bên tham gia hợp đồng không có tranh chấp hoặc tố cáo về việc doanh nghiệp Việt Nam làm giả chữ ký và con dấu của doanh nghiệp Lào nên bản hợp đồng này là hợp pháp.
Cũng tại bản cáo trạng đã có viện dẫn kết quả điều tra tại Lào để kết luận bản Hợp đồng kinh tế số 35/2011 nêu trên giữa bên bán là Nhà máy chế biến gỗ nội thất Lào với bên mua là Cty Ngọc Hưng làm giả là không đúng. Vì Cơ quan CSĐT của Việt Nam sang nước ngoài để điều tra, trực tiếp lấy lời khai của công dân nước ngoài là trái với quy định Điều 340 và Điều 341 BLTTHS. Vi phạm về nguyên tắc hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự và thực hiện thông qua tương trợ tư pháp.
Theo Luật tương trợ tư pháp thì việc cung cấp những thông tin cho các vụ án tại Việt Nam phải thông qua ủy thác tư pháp. Do đó toàn bộ tài liệu điều tra của Cơ quan điều tra Việt Nam trực tiếp thực hiện tại Lào là không hợp pháp. Mặt khác, nếu trong trường hợp Nhà máy chế biến gỗ nội thất Lào và ông KhămFong Vorabuth có ý kiến cho rằng không có quan hệ mua bán với Cty Ngọc Hưng thì ý kiến này trái với các chứng cứ khác nên cũng không được chấp nhận. Không chỉ vậy, quá trình trả hồ sơ điều tra bổ sung, bị cáo chưa được đối chứng với những người mà Cơ quan CSĐT gặp, thu thập lời khai, điều này cũng đã vi phạm các quy định điều tra.
Cũng trong nội dung tranh luận bào chữa cho bị cáo Liệu và bị cáo Dung các LS đã đưa ra các lập luận đồng thời khẳng định: đối với lô gỗ nói trên của Cty Ngọc Hưng đã khai báo hàng hóa với Hải quan đầy đủ, đúng mặt hàng gỗ trắc trên tờ khai nhập khẩu số 1505 đi qua cửa khẩu chính ngạch Quốc tế Lao Bảo; Nộp thuế đầy đủ cho Nhà nước; Vận chuyển trên 13 phương tiện ô tô XNC… không có hành vi giấu giếm và được thực hiện dưới sự giám sát của hải quan, biên phòng, kiểm dịch và các cơ quan chức năng tại CKQT – Lao Bảo.
Gỗ nhập khẩu không nằm trong danh mục cấm nhập khẩu và được ưu tiên nhập khẩu theo Nghị định 12/2006/NĐ-CP. Khi nhập khẩu, xuất khẩu không phải xin giấy phép. Bên cạnh đó, tại Công văn số 1328/BTC-XNK ngày 08/02/2013 của Bộ Công Thương thì doanh nghiệp Việt Nam không chịu trách nhiệm của doanh nghiệp nước ngoài về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Việc sai chủng loại giữa thực tế với khai báo không gây thiệt hại cho Nhà nước.
Một vấn đề nữa được đặt ra tại phiên tòa lần này đó là việc VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố bị cáo Liệu và Dung làm giả tài liệu để buôn lậu gỗ. Tuy nhiên, trong suốt quá trình xét hỏi, đại diện VKS vẫn chưa chứng minh được tài liệu nào được làm giả và giả như thế nào. Theo đó, các LS viện dẫn, cơ quan tố tụng đã căn cứ các quy định nào để cho rằng hồ sơ khai báo nhập khẩu lô gỗ mà bị cáo Liệu khai báo là hồ sơ giả. Và trong trường hợp này, cơ quan tố tụng có có thể có bộ hồ sơ nào là thật để chứng minh, so sánh cho bộ hồ sơ được cho là giả của bị cáo hay không?
Vì vậy, đây chính là căn cứ để khẳng định hành vi của bị cáo Liệu và Dung trong việc nhập khẩu 535,800m3 gỗ vào Việt Nam, rồi ngay sau đó xuất khẩu đi Hồng Kông – Trung Quốc là không phạm “Tội buôn lậu” được quy định tại Điều 153 BLHS. Các LS đề nghị HĐXX xem xét, quyết định tuyên bố bị cáo Liệu và Dung không phạm tội buôn lậu theo quy định tại Điều 153 BLHS, khôi phục lại danh dự quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo Liệu và bị cáo Dung, đồng thời trả lại toàn bộ giá trị tài sản là vật chứng của vụ án cho Cty Ngọc Hưng.
Các LS tham gia bào chữa cho bị cáo Nhi và bị cáo Thành đồng quan điểm với các LS khác đó là không đồng ý với tội danh mà VKSND TC cáo buộc bị cáo. Theo đó, các bị cáo Nhi và Thành đã thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ, trách nhiệm công vụ mà pháp luật quy định.
Cụ thể, đối với lô gỗ của Cty Ngọc Hưng, các bị cáo đã kiểm tra và đánh giá 5% trên tổng số tờ khai hải quan là đúng với quy định. Trong lô hàng xuất khẩu của Cty Ngọc Hưng các bị cáo đã kiểm hóa 5% của 535,800m3 tương đương 26m3, như vậy các bị cáo đã kiểm tra đúng và trong quá trình kiểm tra số lượng này không có dấu hiệu sai phạm nên kết luận là không vi phạm… Để công lý được thực thi, không làm oan người vô tội, các LS đề nghị HĐXX tuyên các bị cáo không phạm tội như truy tố của VKSND TC.
Phiên tòa sẽ được tiếp tục vào ngày 8/8 (Thứ 3) với phần tranh luận, đối đáp của đại diện VKS với các LS và bị cáo.