Đường đến tội ác của một nam sinh viên
Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 09:17, 07/05/2017
“Con ngoan” phạm tội
Mới đây, TAND cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên xử phúc thẩm đối với bị cáo Lại Ôn Tùng để xem xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo. Trước đó, Tùng bị cấp sơ thẩm tại TAND TP Hà Nội tuyên phạt mức án tử hình cho hai tội Giết người và Cướp tài sản.
Không ai đoái hoài đến Tùng, ngoài người dì ruột của bị cáo. Có mặt tại cả hai phiên tòa, chị không ngừng nức nở vì thương cháu, vì thấy có một phần lỗi mới xảy ra hậu quả đau lòng này.
Chị Sim - dì ruột bị cáo mỏi mắt chờ đợi một lần ngoảnh lại từ Tùng. Nhưng ánh mắt đứa cháu trai thấy hối hận và đau khổ luôn nhìn xuống đất. “Tôi sợ cháu trầm cảm mất thôi” – chị khóc nấc. Chị kể, bố mẹ Tùng đều là làm ruộng, chăm chỉ chịu khó làm ăn để nuôi con khôn lớn.
Tùng là con trai cả nên sớm ý thức được gia cảnh khó khăn của gia đình. Tùng chăm chỉ học hành, chịu khó, sau giờ học còn chăm sóc em gái nhỏ và đi làm thêm giúp đỡ bố mẹ. Mùa đông năm Tùng vừa 7 tuổi, mẹ Tùng bị sét đánh chết khi đang làm cỏ lúa ngoài đồng, để lại hai đứa con nhỏ cho người chồng lam lũ.
Mất mẹ, Tùng trở nên lầm lì, ít nói, ít tiếp xúc với mọi người. Dù vậy, cậu vẫn hết lòng yêu thương, bao bọc em gái và đỡ đần bố những việc trong nhà. Trong thâm tâm Tùng, cậu luôn ý thức việc phải học thật giỏi để sau này có thể dùng kiến thức của mình kiếm tiền, giúp gia đình thoát khỏi cảnh túng thiếu.
Bố Tùng cưới vợ mới, nhưng thay vì tu chí làm ăn, ông lại sa vào cờ bạc, rượu chè. Cứ say rượu về, ông lại trút lên đầu đứa con trai tội nghiệp những lời mắng chửi, chì chiết, thậm chí là đòn roi. Tùng càng sống thu mình, lặng lẽ hơn. Nhiều lần bố thua ờ bạc, chủ nợ đến đòi, Tùng lại phải đi vay hàng xóm để trả nợ cho bố. Thế nhưng, Tùng vẫn luôn đạt thành tích xuất sắc trong học tập. 12 năm liền, Tùng là học sinh xuất sắc của trường. Năm 2007, Tùng thi đỗ vào một trường đại học trên địa bàn TP Hà Nội, ôm khát vọng trở thành kỹ sư tin học. Hai năm đầu đại học, Tùng đều đạt học bổng của trường.
Khi Tùng học năm thứ ba, bố Tùng càng ngày càng ngụp lặn trong cờ bạc và không chu cấp học phí cho con trai. Tiền đi làm thêm của Tùng không đủ để chi trả học phí và sinh hoạt ở giữa thủ đô đắt đỏ. Tùng chán cảnh gia đình, càng trở nên lầm lì, xa lánh mọi người. Tùng cầu cứu người thân, đến xin tiền dì ruột, nhưng nghĩ cháu đã học xong, đã đi làm, chị Sim không cho Tùng tiền. Để có tiền, Tùng bỏ học đi làm thêm, rồi có người rủ rê vào con đường trộm cắp vặt. Từ một học sinh ngoan, Tùng bước chân vào con đường tội lỗi.
Bị cáo Lê Ôn Tùng tại phiên tòa xét xử
Án mạng đau lòng
Hôm ấy, Tùng về nhà. Thấy con trai, bố Tùng liên tục chửi mắng. Giữa bữa cơm trưa vừa dọn ra, bố Tùng đay nghiến con trai “không làm được trò trống gì cho ra hồn”. Tùng bực mình, đấu khẩu lại: “Bố cho con ăn thì con ăn cơm, không cho con ăn thì thôi”.
Tùng nghĩ, vào Nam sinh sống để bắt đầu cuộc sống mới. Thế nhưng, làm sao có tiền để đi? Tùng nghĩ đến những món tài sản sơ hở của người khác.
Một chiều tháng 8/2015, trời nhá nhem tối, Tùng men theo con đường làng, mắt dáo dác tìm kiếm xem gia đình nào sơ hở để gây án. Thấy gia đình nhà bà Nham đi vắng mà cửa không khóa, Tùng lẻn vào lục lọi nhưng tài sản trong nhà không có gì giá trị, ngoài cái ti vi cũ chỉ bán được vài trăm nghìn đồng. Tùng thất vọng trở ra thì thấy nhà cụ Tạ Văn Cát (91 tuổi) đang mở cửa.
Cụ Cát ở một mình, con cái đều đi làm ăn, lập nghiệp ở xa, thỉnh thoảng mới về nhà chơi. Dù đã hơn 90 tuổi, nhưng cụ vẫn còn minh mẫn. Các con đều là những người thành đạt nên thường cho cụ tiền để cụ ăn tiêu, mua sắm. Cụ cũng có lương hưu, mỗi tháng 5-6 triệu đồng, ngoài việc tiêu xài ra, cụ để dành mua vàng cất trữ trong nhà.
Tối hôm đó, sau khi đã ăn tối cụ vào giường nằm nghỉ. Trời mùa thu mát mẻ, cụ để cửa mở để đón khí trời. Tùng thấy cửa mở, liền trèo tường theo hướng ngõ bếp vào nhà. Nghe tiếng sột soạt,cụ ngồi dậy cầm đèn pin rọi khắp nhà. Sợ bị phát hiện, Tùng vội vàng vật ngã cụ xuống đất, dùng tay phải vòng qua gáy giữ đầu cụ, còn tay trái bóp cổ cụ già đến khi bất tỉnh.
Nghĩ cụ chưa chết, Tùng sờ vào chân nạn nhân thì thấy mạch còn đập. Đối tượng nhanh chóng lấy chiếc khăn mặt và nhét vào miệng cụ Cát rồi tiếp tục lấy một đoạn ống nước bằng nhựa mềm trong nhà tắm trói hai tay trước ngực nạn nhân.
Hành xử tàn ác với cụ ông 90 tuổi xong, Tùng ngang nhiên lấy chìa khóa và đèn pin vào lục lọi các tủ và ôm trọn số tiền 20 triệu, và 26 chỉ vàng bỏ trốn để mặc cụ ông nằm bất động. Sau đó Tùng vào thành phố Hồ Chí Minh, mang số vàng cướp được bán tại nhiều cửa hàng vàng khác nhau.
Về phần cụ Cát, phải đến tận ngày hôm sau, hàng xóm phát hiện điều bất thường nên bắc thang trèo sang thì phát hiện nạn nhân đã chết. Kết quả khám nghiệm cụ Cát tử vong do suy hô hấp cấp do bí tắc đường thở.
Sau hơn 4 tháng ăn tiêu hết số tiền trên, đến ngày 29/12/2015 Lại Ôn Tùng ra đầu thú. Khi con trai bị bắt về tội Giết người, cướp tài sản và ra tòa thì bố của Tùng vẫn không đến dự bất cứ phiên tòa nào.
Chỉ duy nhất dì ruột bị cáo có mặt ở tòa. Chị Sim chắp tay cúi mình xin lỗi gia đình nhà bị hại, đồng thời chị Sim cho biết tội lỗi của cháu gây ra, một phần cũng là lỗi do gia đình đã thiếu sự quan tâm, giúp đỡ Tùng trong lúc khó khăn. Chị Sim kể, từ khi mẹ Tùng mất bố lấy vợ và không chăm lo đến Tùng.
Ngày xét xử Tùng, người dân địa phương đã viết đơn, ký xác nhận Tùng được bà con rất mực yêu thương, nhưng vì hoàn cảnh gia đình bi đát và sự thiếu quan tâm, thờ ơ của người thân mà Tùng vướng vào vòng lao lý. Song, nhận thấy hành vi của bị cáo là xâm hại tính mạng và tài sản của người khác, HĐXX tuyên phạt bị cáo Lại Ôn Tùng 7 năm tội “Cướp tài sản”, tử hình “Giết người”. Tổng hình phạt “Tử hình” cho cả hai tội danh bị truy tố.
Nhiều người rời phiên tòa trong tiếng thở dài, tiếc nuối. Nếu bị cáo sống trong một môi trường khác thì có lẽ đã không có một kết cục đau lòng như thế.