Em dâu dồn anh chồng vào tù
Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 19:22, 02/05/2017
Anh em đánh nhau…
Trước đó, TAND huyện Ninh Giang đã tuyên phạt ông Khả 2 năm tù và bồi thường cho bà T 7 triệu đồng. Không đồng ý với phán quyết của tòa án huyện, vợ chồng ông Khả làm đơn kháng cáo.
Cáo trạng truy tố, gia đình bà T và gia đình ông Khả có trang trại cá gần nhau. Do mâu thuẫn đất đai từ trước nên hai bên thường nhiều lần lời qua tiếng lại.
Ngày 30/1/2016, Khả mang theo thuổng sắt ra bờ ao để trồng cây sưa. Quan sát thấy bờ ao nhà mình bị sạt lở, sụt lún do em trai là ông Lê Ngọc Khoải cùng vợ thuê máy xúc đào.
Ông Khả bức xúc, to tiếng với vợ chồng em trai. Bà T thách thức, chửi bới lại anh chồng mình. Nghe thế, ông Khả cầm thuổng chạy sang tấn công bà T. Bà T dùng gậy tre chống trả làm Khả bị thương ở vùng trán và lưng. Sau đó, bà T quay lại dọn cỏ phía sau chuồng lợn thì Khả tiến đến chỗ bà T dùng thuổng sắt đập lại bà khiến bà T bị thương ở vùng mặt.
Nghe tiếng vợ kêu cứu, ông Khoải chạy đến đưa vợ đi cấp cứu. Bà T bị tổn hại 13% sức khỏe. Cơ quan huyện Ninh Giang đã khởi tố bị can đối với ông Khả. Tuy nhiên, ông Khả cho rằng, thương tích trên của ông là không đúng nên đã khiếu nại. Bà T được cơ quan chức năng cho đi giám định lại. Kết quả giám định của Viện Khoa học kỹ thuật hình sự cho thấy, thương tích của bà T chỉ 3%. Do có sự khác biệt lớn giữa hai kết quả giám định, cơ quan chức năng quyết định Trưng cầu giám định thương tích của bà T tại Viện pháp y quốc gia Bộ y tế. Kết luận tổn thương là 8%.
Ảnh mang tính minh họa
...đưa nhau vào tù
Trong suốt quá trình điều tra, truy tố và trước khi diễn ra phiên xử, cùng với sự nỗ lực của Cơ quan cảnh sát điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án và Luật sư, đã nhiều lần hòa giải song gia đình ông Khoải kiên quyết đề nghị truy tố ông Khả và giải quyết theo pháp luật.
Tại phiên tòa sơ thẩm, dù đã được HĐXX hòa giải, song bà T và ông Khoải vẫn nhất quyết đưa anh trai vào tù cho bằng được.
Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Khả thừa nhận việc dùng thuổng sắt gây ra thương tích cho bà T, nhưng ông cho rằng, do bị em dâu đánh, còn em trai dùng tuýp sắt vụt dồn dập nên ông mới cầm thuổng khua chống trả và vô tình lưỡi thuổng trúng mũi của bà T nên không thể đến 13% được.
Nghe anh trai nói mình cũng “dính líu” đến vụ xô xát, ông Khoải bật lại: “Khi nghe vợ kêu cứu, tôi cầm tuýp sắt chạy ra, đứng nhìn rồi dìu vợ về”. Tòa hỏi: “Tại sao ông thấy vợ và anh ruột đánh nhau lại chỉ đứng nhìn?”. Ông Khoải im lặng.
Tòa giải thích, anh em như thể chân tay. Việc đưa nhau ra tòa “nồi da nấu thịt” là điều rất đáng tiếc. Bị hại có muốn hàn gắn tình cảm gia đình không? Bà T vẫn khăng khăng không đồng ý và đề nghị xét xử theo đúng pháp luật.
Tại tòa, ông Khả cũng chân thành xin lỗi vợ chồng em dâu, song bà T lơ đi như không biết.
Luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng, lời khai của bị hại, nhân chứng (con gái và chồng bà T) có nhiều mâu thuẫn. Cơ quan điều tra cần thiết thực nghiệm hiện trường để xác định chính xác diễn biến vụ án. Chính bị hại cũng là người có lỗi. Bị cáo phạm tội lần đầu, gây thiệt hại không lớn, đã sửa chữa, bồi thường khắc phục hậu quả, có bố đẻ là thương binh và được tặng thưởng huy chương trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Bị cáo có nơi cư trú rõ ràng, có khả năng tự cải tạo.... Bị cáo là lao động chính trong nhà, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Luật sư yêu cầu giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo được hưởng án treo để bị cáo về chăm sóc gia đình.
Xem xét các tình tiết liên quan và sự ăn năn hối cải của bị cáo, Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên giảm hình phạt cho bị cáo xuống còn 18 tháng và cho hưởng án treo.