Giọt nước mắt muộn màng của kẻ giết người

Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 15:12, 22/04/2017

Được nói lời sau cùng, Long nức nở: “Bị cáo có lỗi, biết hành vi của mình là sai. Sau này có cơ hội bị cáo nhất định sẽ bồi thường cho gia đình bị hại”.

Một mạng người bằng... 3 triệu đồng

Mới đây, TAND cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên xét xử phúc thẩm bị cáo Nguyễn Trí Long và bị cáo Nguyễn Quang Tùng (SN 1991, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) về tội Giết người và Che giấu tội phạm theo đơn kháng cáo của các bị cáo. Cả hai bị cáo mong muốn xin được giảm nhẹ hình phạt để có cơ hội làm lại cuộc đời.

Theo cáo trạng truy tố, Long quen với chị Lan (SN 1979, trú tại quận Long Biên, Hà Nội) trong một CLB kết bạn. Tháng 8/2015, chị Lan nhờ Long đi đòi nợ hộ chị. Dù chưa lấy được tiền nợ, nhưng Long đòi chị Lan tiền công chi phí đi lại khoảng 3 triệu đồng. Chị Lan không đồng ý khiến hai bên xảy ra mâu thuẫn.

Khoảng 10h ngày 19/11/2015, Long gọi điện cho Tùng để cùng sang đòi tiền chị Lan. Sau khi đến nhà chị Lan, Long bấm chuông và gặp Quách Khánh Linh (16 tuổi, con gái chị Lan) được Linh cho biết "mẹ không có ở nhà" nên giữa Long - Linh xảy ra xô xát.

Bất ngờ Long rút con dao trong người ra đâm thẳng vào ngực trái của Linh rồi đạp ngã xuống sàn. Sau đó hắn cầm dao đi nhanh ra xe máy Tùng đang chờ sẵn và cả hai phóng về nhà.

Tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Nguyễn Trí Long tử hình về tội Giết người. Do Tùng đi cùng Long nhưng khi biết bạn phạm tội cũng không tố giác nên bị phạt 4 năm tù về tội “Che giấu tội phạm”.

Giọt nước mắt muộn màng của kẻ giết người

Bị cáo Long (bên trái) trước tòa

Trước tòa phúc thẩm, Long khai, Long và nạn nhân không hề có mâu thuẫn gì trước đó. “Lúc đó, cháu Linh nói khó nghe, còn xô đạp bị cáo, khiến bị cáo thấy bị xúc phạm nên mới ra tay sát hại Linh. Bị cáo thân nhân tốt, chưa từng có tiền án tiền sự, chấp hành pháp luật. Gia đình bị cáo khó khăn nhưng đã cố gắng bồi thường cho gia đình bị hại. Xin tòa xem xét mức tử hình là cao quá”.

Tuy nhiên, VKS cho rằng, hoàn cảnh gia đình khó khăn, lẽ ra bị cáo nên tu chí làm ăn, có nghị lực vươn lên giúp đỡ gia đình, đằng này lại gây án mạng, gieo đau thương cho không chỉ cha mẹ bị cáo mà còn gia đình bị hại.

Nước mắt mẹ già

Tại phiên phúc thẩm, mẹ bị cáo lầm lũi bước vào phòng xử. Bà N vừa khóc, vừa xin các đồng chí dẫn giải có thể cho gặp con một lúc. Long ngồi trước vành móng ngựa, nước mắt lưng tròng rồi quay xuống chắp tay: “Con xin lỗi bố mẹ. Con sai rồi, con chỉ mong được khoan hồng để về trả nợ bồi thường cho bị hại và làm lại cuộc đời”.

Người phụ nữ đã ngoài 60 tuổi, người nhỏ bé, mắt mờ chân chậm, lại mang trọng bệnh cho biết, Long là con trai thứ 2, trong mắt bà, Long là người con ngoan và hiếu thảo. Hết cấp 2, vì gia đình nghèo không có tiền theo học tiếp, Long đi làm phụ bếp cho một nhà hàng trên Hà Nội. Số tiền kiếm được không được bao nhiêu, nên thi thoảng Long mới cho ông bà một ít để mua thuốc trị bệnh. “Chắc nó thấy khó khăn quá, nên muốn có tiền. Khổ quá là khổ, chúng tôi chỉ nhờ pháp luật thôi”.

Gia đình bà thuộc diện khó khăn nhiều năm nay. Trong nhà hiện không có nổi 1 triệu đồng, chồng bà bị di chứng để lại từ thời đi kháng chiến nên sức khỏe rất yếu, thường xuyên phải nhập viên theo dõi. Từ khi nghe con phạm tội bệnh tình của chồng bà càng nặng hơn. Để có tiền, bà vẫn phải đi chợ, còn chồng bà đi làm bảo vệ. Bố mẹ đều ốm, ông bà không còn có thời gian quan tâm đến công việc và mối quan hệ của con. Chưa bao giờ bà N thấy con trai nói đến người phụ nữ tên Lan. Hôm con bị bắt, bà gặng hỏi, Long mới khai là “có quen biết” và “người ta nhờ con giải quyết mối quan hệ riêng tư của họ”.

Được nói lời sau cùng, Long nức nở: “Bị cáo có lỗi, biết hành vi của mình là sai. Sau này có cơ hội bị cáo nhất định sẽ bồi thường cho gia đình bị hại”. Tuy nhiên, HĐXX phiên phúc thẩm cho rằng, hành vi này là côn đồ, gây mất trị an, coi thường pháp luật, không còn khả năng cải tạo được nữa, một lần nữa Tòa tuyên  y án sơ thẩm. Nghe thế, người mẹ òa khóc thành tiếng. Giá như bà có thể quan tâm con nhiều hơn để có thể định hướng, phân tích giáo dục con thì có lẽ Long đã không phạm tội…

Nam Anh