Khi cuộc sống thiếu vắng lòng vị tha

Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 06:35, 23/03/2017

Những giọt nước mắt ướt đẫm khuôn mặt tái nhợt của các bị cáo, những tiếng thở dài bất lực của các bậc phụ huynh hay tiếng than khóc của người vợ khi chứng kiến cảnh chồng bị pháp luật trừng phạt, khiến gia đình chia lìa, con nhỏ bơ vơ...

Đó là bức tranh buồn trong hai phiên tòa xét xử vụ án “Giết người” có nguyên nhân bắt nguồn từ những mâu thuẫn rất nhỏ như bấm còi xe không đúng chỗ, góp ý bạn bè trong tiệc nhậu... cho thấy với nhiều bạn trẻ, họ đang rất thiếu vắng sự nhường nhịn và lòng vị tha trong cuộc sống.

Phiên tòa xét xử bị cáo Cao Nam Dân (SN 1986 tại Hưng Yên, ngụ huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) ngày 21/3 tại TAND Tp. Hồ Chí Minh chật kín người tham dự. Ai cũng ngạc nhiên khi nghe Dân khai lại hành vi phạm tội dẫn đến việc bị cáo phải hầu tòa chỉ vì một mâu thuẫn rất nhỏ liên quan đến chuyện ngủ trong giờ làm. Do không kìm chế được sự bực tức nên Dân đâm chết đồng nghiệp, phải vào tù, bỏ lại vợ và ba người con thơ dại phải bơ vơ.

Cao Nam Dân khai về buổi nhậu định mệnh sáng 9/6/2016, lúc bị cáo cùng các anh Lê Khắc Chốn, Hoàng Quốc Anh rủ nhau đến nhậu tại phòng trọ của anh Lê Minh Trọng (ngụ ấp 5, xã Hòa Phú, huyện Củ Chi, Tp. Hồ Chí Minh). Anh Trọng kêu một két bia để “lai rai”, do cùng là đồng nghiệp trong cơ sở sản xuất nến nên mọi người chuyện trò rôm rả.

Trong khi nâng ly, Hoàng Anh có đem chuyện Dân không chịu làm ca đêm, để Anh phải làm một mình cực khổ. Việc “không chịu làm, chỉ thích ngủ” của Dân bị mọi người lôi ra mổ xẻ. Dân khai lại: “Lúc này bị cáo cảm thấy rất tức giận, vì sao lúc canh máy tại cơ sở sản xuất, anh Hoàng Anh không nói ngay để bị cáo sửa chữa mà lại đem điều đó ra bàn khi anh em đang ăn nhậu?” Chính vì sự đố kỵ, bực tức đó khiến Dân mất bình tĩnh.

Khi cuộc sống thiếu vắng lòng vị tha

Bị cáo Dân khóc tại phiên tòa

Về phía Hoàng Anh, sau khi nghe Dân chẳng những không tiếp thu mà còn có ý kiến “phản biện”, Anh cũng thiếu sự kiềm chế nên chửi mắng Dân. Rượu vào, lời ra, hai bên cự cãi, Dân khai do quá tức nên quơ tay trúng đồ, từ đó Hoàng Anh đấm vào đầu bị cáo.

Không ai nhường ai, hai đồng nghiệp từng quý mến nhau xông vào đánh nhau tay bo. Sau đó, Hoàng Anh và Dân mỗi người chụp một vỏ chai bia làm “vũ khí” nhưng bị mọi người kịp thời can ngăn. Anh Trọng đẩy Hoàng Anh ra ngoài phòng trọ, Dân được anh Chốn đẩy vào phòng trọ đóng cửa lại.

Tưởng như sau khi được “cách ly”, mâu thuẫn sẽ chấm dứt, tuy nhiên Dân vẫn không kiềm chế được sự tức giận. Nghe Hoàng Anh đứng ngoài chửi mắng, Dân đã chạy vào phía bếp chụp một con dao rồi bất ngờ lao ra khỏi phòng trọ đâm nhát trúng vào vùng hông phải cùa Hoàng Anh. Cú đâm trúng chỗ hiểm khiến người bị hại trọng thương và tử vong ngay sau đó.

Cao Nam Dân vứt dao lại hiện trường bỏ trốn về quê, đến ngày 10/6/2016, Dân đến Công an xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương đầu thú, khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.

Khi nghe vị đại diện VKS giữ quyền công tố đề nghị hình phạt từ 16 đến 18 năm tù về tội “Giết người”, Dân bày tỏ sự ân hận muộn màng vì sự nóng giận, thiếu sự nhường nhịn đã gây ra hậu quả quá lớn. Anh Hoàng Anh mất đi, còn bị cáo bỏ lại một gia đình nheo nhóc với người vợ và ba đứa con thơ dại. “Bị cáo là lao động chính trong nhà, giờ lại phải đi tù, mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt để bị cáo sớm trở về lo cho gia đình”, Dân nức nở.

Những người dự khán phiên tòa nghĩ rằng, có nhiều thời điểm bị cáo Dân có thể dừng lại, ví dụ như khi đã vào phòng trọ, nếu biết nhún nhường sẽ không gây ra cái chết cho bị hại. Việc không làm chủ được cơn giận nhất thời, khiến chuyện “bé xé ra to” cũng là bài học đắt giá của Trần Thành Duy (SN 1981), khi cự cãi vì tiếng còi xe máy, sau đó gây gổ để rồi đâm chết người khác.

Lời khai của Trần Thành Duy thể hiện, chiều 19/8/2016, Duy điều khiển xe gắn máy lưu thông đến khu vực ngã tư Nguyễn Văn Bứa, quốc lộ 22, huyện Hóc Môn thì kẹt đường nên phải dừng lại. Lúc này Bùi Diên Vũ (SN 1984) điều khiển xe gắn máy từ phía sau bấm còi liên tục. Tiếng còi xe khiến Duy căng thẳng nên quay lại nhìn rồi lời qua tiếng lại dẫn đến cãi vã.

Sau đó, Duy tiếp tục điều khiển xe gắn máy đến khu vực ngã ba Bùi Môn xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn. Vũ vẫn ấm ức chuyện cãi nhau nên chạy xe lên từ phía sau chặn Duy lại. Hai bên xuống xe tiếp tục to tiếng, trong cơn nóng giận, Vũ dùng tay đánh vào mặt Duy một cái. Duy nổi nóng xông vào đánh nhau với Vũ.

Cũng như vụ án Cao Nam Dân, lúc đầu hai bênh đánh nhau bằng tay không. Khi những cái đầu nóng mất đi sự kiểm soát, các bị cáo đã leo thang bạo lực bằng hung khi nguy hiểm. Duy rút dao xếp mang theo sẵn trong người ra tấn công khiến Vũ gục xuống. Mặc dù được người dân đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng nên Vũ tử vong tại bệnh viện Hóc Môn. Sau khi gây án, Duy bỏ chạy và ném con dao xuống kênh nước kế bên nhà.

Hai vụ án do các bị cáo Cao Nam Dân và Trần Thành Duy gây ra đều bắt nguồn từ những va chạm, mâu thuẫn rất nhỏ trong cuộc sống. Khi xét xử Dân, vị Kiểm sát viên bày tỏ sự ngạc nhiên vì bị cáo lại dễ dàng bị kích động, thiếu sự nhường nhịn đồng nghiệp để rồi xung đột gây án. Còn Trần Thành Duy, trong việc lưu thông rất khó tránh khỏi những va chạm, thay vì xin lỗi và nhường nhịn nhau, các bên lại dùng vũ lực với nhau, gây ra cái chết rất đáng tiếc. Điều rất đáng lo ngại là cả hai bị cáo đều đang ở độ tuổi “chín”, chững chạc của con người nhưng lại hành xử rất nông nổi.

Hậu quả của hành vi trái pháp luật là Dân phải nhận mức án 18 năm tù; Duy lĩnh 20 năm tù về tội “Giết người”. Ai cũng tiếc cho các bị cáo, giá như họ biết nhường nhịn, thông cảm và tha thứ cho nhau thì đã tránh được hai bi kịch đau lòng.

An Dương