Bài học từ vụ án giành đường qua cầu
Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 06:54, 14/03/2017
Theo bản án sơ thẩm, khoảng 9 giờ ngày 26/3/2014, Trương Văn Đang (SN 1979, ngụ huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) đi đám giỗ tại nhà chú ruột là ông Trương Văn Cương ngụ cùng ấp. Nhậu đến chập tối cùng ngày, Đang say mèm, không thể tự đi về được. Thấy vậy, ông Cương điều khiển xe máy chở Đang về nhà theo hướng từ nhà ra lộ Trường Gà.
Mới đi được khoảng 200m, ông Cương gặp Nguyễn Tường Long điều khiển xe mô tô biển số 52Y5 - 5715 chở Trần Văn Cựa chạy theo chiều ngược lại. Long thấy ông Cương chạy xe qua cầu nên Long dừng lại trên lộ bê tông. Ông Cương chạy xe qua cầu nhưng lại không chịu tránh xuống bờ đất để lưu thông tiếp mà dừng xe lại cãi nhau với Long.
Chuyện rất nhỏ về việc nhường đường khi tham gia giao thông bỗng bị xé thành to. Ông Cương và Long cùng cự cãi dẫn đến xô xát rồi xông vào đánh nhau. Thấy vậy, Cựa xuống xe nhảy vào đánh trúng mắt phải của ông Cương. Đang cũng xuống xe đứng ở lề đất cạnh đường bê tông.
Thời điểm này, cách hiện trường khoảng 45m, tại nhà Nguyễn Văn Hải đang có một nhóm thanh niên tổ chức uống bia gồm Hải, Trần Trọng Vương và Nguyễn Cường. Do thấy có tiếng cãi vã nên Cường đến hiện trường nhìn thấy ông Cương cự cãi với Long và Cựa.
Theo quan sát của Cường, ông Cương có dùng nón bảo hiểm nhặt được dưới đất đánh vào mặt của Long khiến Long ngã xuống đất. Bị đòn đau, Long ôm mặt ngồi trước đầu xe của mình. Ông Cương không dừng lại, tiếp tục cầm nón bảo hiểm đánh Cựa làm Cựa ngã ở lề đất sau đuôi xe của Long. Lúc này, Vương cũng từ nhà anh Hải ra nhìn thấy Đang đang nằm ngửa ở lề đất bên phải trước đầu xe của ông Cương.
Theo lời khai của người làm chứng, Cựa đạp ông Cương té xuống mương nước cạnh đường bê tông. Cựa cũng rớt dép xuống mé mương, ông Cương bơi qua mương leo lên bờ rồi chạy về nhà. Cựa đuổi theo ông Cương đến nửa đoạn cầu bê tông, sau đó quay lại nhờ Cường nhặt hộ dép. Long cũng nhờ Vương dẫn xe về.
Vương dẫn xe đi trước về hướng nhà anh Hải, Long và Cường đi theo sau đuôi xe Long. Đi được khoảng 06m - 07m, Long, Vương và Cường cùng nghe âm thanh phát ra từ nơi Đang nằm “bịch, bịch”, “hự, hự” nên đều quay nhìn lại thấy Cựa đứng cạnh bên phải Đang, dùng chân đạp nhiều cái vào người Đang, sau đó bỏ đi theo về hướng nhà anh Hải.
Khi mọi người đến đầu đường bê tông vào nhà anh Hải thì dừng lại để chăm sóc vết thương. Lúc này mọi người nghe tiếng la từ phía hiện trường, sợ gia đình ông Cương quay lại nên Long và Cựa chạy vào vườn chanh sau nhà của anh Hải trốn.
Lúc này, ông Cương cùng con ruột chạy đến hiện trường thấy chỉ còn Đang ngồi tại hiện trường, mặt có nhiều máu, liền báo Công an xã đến và tổ chức đưa Đang đi cấp cứu tại Bệnh viện Giồng Trôm. Tuy nhiên sau đó, Đang không qua khỏi.
Hiện trường vụ án bị xáo trộn do quá trình cấp cứu nạn nhân và nhiều người qua lại. Cơ quan điều tra khởi tố Trần Văn Cựa về tội “Giết người”. Quá trình điều tra, Cựa không khai nhận hành vi phạm tội. Tuy nhiên, căn cứ vào lời khai Trần Trọng Vương, Nguyễn Tường Long và Nguyễn Cường là nhân chứng trực tiếp có mặt tại hiện trường nhìn thấy Cựa dùng chân đạp Đang. Cơ quan điều tra nhận định tình tiết đó phù hợp với kết quả giám định và kết quả thực nghiệm điều tra và những chứng cứ khác nên có căn cứ kết luận Cựa dùng chân đạp vào người nạn nhân Trương Văn Đang khiến người bị hại bị xuất huyết, tụ máu não, phù não nặng dẫn đến tử vong. Bị cáo Cựa bị TAND tỉnh Bến Tre tuyên phạt 17 năm tù về tội “Giết người”.
Trong phiên tòa phúc thẩm TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh ngày 7/3/2017, bị cáo Cựa kháng cáo, cho rằng không thực hiện hành vi phạm tội. Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ, HĐXX giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Ai cũng lấy làm tiếc về vụ án, nguyên nhân bắt nguồn từ những mâu thuẫn quá nhỏ nhặt khi tham gia giao thông. Giá như ông Cương nhún nhường, đi xuống đường đất để qua cầu. Giá như Long nhường nhịn khi xảy ra cãi vã. Giá như mọi người hiểu được hậu quả của việc cố chấp sẽ là rất lớn... Việc dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn khiến các bên đi từ sai lầm nhỏ đến sai lầm nghiêm trọng, gây ra hậu quả đau lòng. Vụ án thương tâm này cũng là bài học chung cho tất cả mọi người khi tham gia giao thông.
(Tên người bị hại, người làm chứng đã được thay đổi).