Xét xử Hà Văn Thắm và đồng phạm: Nguyên Chủ tịch OceanBank tố bị Phạm Công Danh lừa đảo

Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 19:14, 28/02/2017

Tại phiên tòa xét hỏi chiều 28/2, khi được HĐXX hỏi về khoản vay 500 tỷ đồng, Hà Văn Thắm khẳng định ông Danh đã lừa đảo để lấy tiền của Ngân hàng OceanBank.

Chiều nay, sau khi Viện KSND hoàn tất phần công bố cáo trạng truy tố các bị cáo trong vụ đại án kinh tế xảy ra tại Oceanbank, tòa tiếp tục chuyển sang phần xét hỏi, bị cáo Hà Văn Thắm là bị cáo đầu tiên được HĐXX chất vấn. Trước khi tiến hành xét hỏi, chủ tọa phiên tòa đã yêu cầu cách ly các bị cáo Nguyễn Xuân Sơn; Nguyễn Minh Thu và Nguyễn Văn Hoàn.

Mở đầu lời khai, cựu Chủ tịch HĐQT Hà Văn Thắm cho biết, về làm việc tại Oceanbank từ năm 2003. Lúc đó ngân hàng đang mang tên TMCP nông thôn Hải Hưng với tổng số vốn điều lệ hơn 5 tỷ đồng. Lúc đó Ngân hàng này yếu kém và có nguy cơ bị Ngân hàng Nhà nước giải tán. Bị cáo đã góp vốn để vực dậy Ngân hàng và được phép chuyển đổi từ mô hình kinh doanh nông thôn sang đô thị.

Đến năm 2014, Hà Văn Thắm giữ chức vụ Chủ tịch Ngân hàng và chiếm giữ vốn điều lệ hơn 62%. Toàn bộ số cổ phần góp vào Ngân hàng đều là thật vì số vốn điều lệ này đã được Ngân hàng Nhà nước phong tỏa. Đến thời điểm cuối cùng huy động vốn điều lệ, Ngân hàng có tổng số vốn là khoảng 4.000 tỷ đồng.

Xét xử Hà Văn Thắm và đồng phạm: Nguyên Chủ tịch OceanBank tố bị Phạm Công Danh lừa đảo

Bị cáo Hà Văn Thắm trả lời chất vấn tại phiên tòa chiều  nay

Trong những thành phần góp vốn, đứng thứ hai là PVN hơn 20%. Họ góp vốn bằng tiền mặt theo quy định của pháp luật. Việc góp vốn của PVN khoảng từ năm 2009 - 2010. PVN được xem là cổ đông chiến lược lớn.

Đứng sau PVN là các cổ đông khác gồm Công ty CP Tập đoàn Đại Dương, Công ty VNT, sau đó là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Sông Đà.

Khi được HĐXX hỏi về mối quan hệ với bà Hứa Thị Phấn, bị cáo khai từ thời điểm trước năm 2009, bà Phấn không có chức danh tại Ngân hàng Đại Tín nhưng là chủ của ngân hàng này vì gia đình bà Phấn nắm giữ cổ phần tại ngân hàng này và Hà Văn Thắm còn khẳng định rằng bị cáo có ký thỏa thuận với bà Phấn về việc tiếp quản ngân hàng Đại Tín nhưng Thắm cho rằng chỉ là thỏa thuận mang tính dân sự. Bị cáo này khai “sau khi ký thì đã đưa người vào kiểm tra Ngân hàng”.

Trong vụ này, Hà Văn Thắm chỉ trả cho bà Hứa Thị Phấn 5 tỷ đồng tiền mặt và tiếp tục trả nợ của bà Phấn.

Khi được HĐXX tiếp tục hỏi về mối quan hệ với Phạm Công Danh – cựu Chủ tịch Ngân hàng VNCB - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Thiên Thanh, Hà Văn Thắm khai, trong khoảng thời gian từ năm 2010 - 2011, Phạm Công Danh là bạn của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn - cựu TGĐ. Trong thời gian này Danh vay Ngân hàng Oceanbank số tiền 1300 tỷ đồng để mua khu đất ở Sân vận động Chi Lăng.

Một chi tiết bị cáo cho rằng rất quan trọng và cho rằng Danh đã lừa đảo Hà Văn Thắm là điều kiện giải ngân số tiền 500 tỷ cho công ty Trung Dung là phải phong tỏa tài khoản của Công ty Trung Dung tại Ngân hàng Đại Tín. 

Một năm sau khoản vay, Thắm cho người kiểm tra tài khoản thì vẫn tồn tại số tiền này trên hệ thống Ngân hàng Đại Tín nhưng thực tế thì không còn. Bị cáo Thắm nhấn mạnh “Phạm Công Danh và Ngân hàng Đại Tín đã lừa đảo bị cáo”.

Đối với việc cho vay 500 tỷ đồng, theo cựu Chủ tịch OceanBank, bị cáo cho công ty Trung Dung vay tiền nhưng thực tế bị cáo biết công ty này của Phạm Công Danh.

Cựu Chủ tịch Oceanbank thừa nhận có sai sót, vi phạm trong đánh giá tài sản thế chấp nhưng bị cáo xin HĐXX xem xét tình tiết đã ràng buộc trách nhiệm trong việc phong tỏa tài khoản của Công ty Trung Dung tại Ngân hàng Đại Tín.

Việc Oceanbank không thu được nợ, theo bị cáo là trách nhiệm của Ngân hàng Đại Tín.

Xét xử Hà Văn Thắm và đồng phạm: Nguyên Chủ tịch OceanBank tố bị Phạm Công Danh lừa đảo

Bị án Phạm Công Danh tại tòa

Sau khi nghe lời khai của cựu Chủ tịch Oceanbank, HĐXX chất vấn Phạm Công Danh. Theo cựu Chủ tịch VNCB, ông này cho biết mình rất mong có mặt tại phiên tòa này, mặc dù trí nhớ không còn tốt.

Tại tòa, Phạm Công Danh cho rằng, quan hệ giữa mình và Hà Văn Thắm có từ rất nhiều năm trong nhiều lĩnh vực làm ăn, vay mượn. Danh cho rằng mình có nguyện vọng xây dựng một Ngân hàng trong lĩnh vực xây dựng nhưng không được phép xây dựng NH mới. Cựu Chủ tịch Hà Văn Thắm đã đề nghị với bị án về việc một ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu, đó là ngân hàng Đại Tín - một trong những ngân hàng yếu kém nhất.

Qua hồ sơ, Danh cho rằng, bị án có thể làm được và Thắm đặt ra một khoản tiền gọi là chi phí khách hàng khoảng 800 tỷ. Ông ta thỏa thuận trực tiếp với Hà Văn Thắm. Sau khi tìm hiểu, Danh đưa cho Hà Văn Thắm 500 tỷ và số tiền này có đầy đủ chứng từ. Số tiền này là đưa cho cá nhân cho Hà Văn Thắm chứ không liên quan đến khoản tiền vay của Công ty Trung Dung. Số tiền đó đưa trước khoản vay của Công ty Trung Dung.

Về số tiền 500 tỷ là để Thắm nhượng quyền mua lại ngân hàng Đại Tín và số tiền vay của Công ty Trung Dung, Phạm Công Danh khẳng định là trách nhiệm của Danh.

Phiên tòa sẽ tiếp tục làm việc vào 8h sáng mai (1/3).

Mạnh Hùng