Rước họa từ việc "bênh" người thân bằng... dao
Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 05:54, 05/10/2016
Trong hai vụ án “Giết người” vừa được TAND TP. Hồ Chí Minh đưa ra xét xử, các bị cáo đều khai nhận do nhất thời nóng giận chuyện người thân bị chèn ép nên đã “cả giận mất khôn”, để lại những hậu họa đau lòng.
Trong suốt phiên tòa hôm ấy, bị cáo Phạm Văn Kiệt (SN 1990, ngụ huyện Hóc Môn) về tội “Giết người” luôn tỏ thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối hận. Có lẽ trong thâm tâm, bị cáo không nghĩ được cái giá phải trả cho một phút bồng bột lại “đắt” 16 năm tù.
Theo hồ sơ vụ án, chiều 6/3/2015, Kiệt cùng bạn là Phan Ngọc Phong (SN 1990, ngụ huyện Hóc Môn) rủ nhau ra một bãi đất trống ngồi chơi. Trong khi đang hóng mát, Kiệt vô tình nhìn thấy anh Phạm Duy Quang cùng bạn gái đang đứng tâm sự. Nhìn thấy Quang, Kiệt nhớ ngay đến việc em Kiệt có lần “tố” với bị cáo từng bị Quang đánh.
Dù không liên quan đến bản thân nhưng Kiệt muốn bênh em nên đi đến gặp Quang để “chất vấn” vì sao dám đánh em mình. Quang cũng không vừa, tỏ thái độ bất bình, hai người xảy ra cự cãi và xông vào đánh nhau. Từ xa, Phong nhìn thấy liền chạy đến xông vào “trợ chiến” cùng Kiệt.
Bị cáo Phúc tại phiên tòa
Thấy đối thủ “ỷ đông hiếp cô”, Quang liền dùng một vật kim loại nhọn nhặt được ở gần hiện trường làm hung khí chống trả và đâm Phong bị thương. Thấy vậy, Phong cũng nhặt một khúc cây, Kiệt nhặt gạch tấn công khiến Quang bỏ chạy. Thời điểm này, anh Phạm Tiến Hữu (anh trai Quang) nhìn thấy nên lấy một bóng đèn tuýp xông đến đuổi đánh Phong và Kiệt.
Kiệt thấy vậy liền dùng gạch ném trúng mặt Hữu khiến nạn nhân choáng váng. Chưa hả giận, Kiệt còn nhổ một cây tre cạnh hiện trường xông đến nhằm vùng đầu của Hữu ra tay. Cú đánh ác hiểm khiến Hữu bất tỉnh tại chỗ và được đưa đi bệnh viện trong tình trạng nguy kịch.
Do được cấp cứu kịp thời nên Hữu may mắn thoát chết nhưng phải chịu thương tích với tỷ lệ đến 61%. Riêng Kiệt bị bắt ngay sau đó và bị khởi tố tội “Giết người”, Quang bị khởi tố về tội “Gây rối trật tự công cộng”.
Cũng có hoàn cảnh, động cơ gây án tương tự như Kiệt là bị cáo Lê Hải Phúc (1986, ngụ huyện Hóc Môn). Cho đến khi ra Tòa, bản thân Phúc tuy thừa nhận hành vi phạm tội nhưng vẫn tỏ thái độ ấm ức trước cách cư xử của người bị hại với mẹ bị cáo.
Theo lời khai của Lê Hải Phúc tại phiên tòa lưu động, Phúc và mẹ là bà Nguyễn Thị Phú hành nghề buôn bán trái cây tại lề đường thuộc chợ huyện Hóc Môn. Cạnh chỗ mẹ con Phú bán hàng có Nguyễn Văn Quốc. Khoảng 10 giờ ngày 16/10, bà Phú bắt đầu bày hoa quả ra bán, lúc này phía anh Quốc cùng soạn hàng ra lề đường. Anh Quốc thấy bà Phú đem thùng xốp rỗng để ra phía sau chỗ anh Quốc gây cản trở lối đi nên có lời qua tiếng lại dẫn đến cự cãi.
Nghe mẹ và Quốc cãi nhau, Phúc đang bán trái cây cách đó khoảng 50m liền chạy đến. Sau khi nghe bà Phú kể lại sự việc, lẽ ra Phúc phải bình tĩnh giảng hòa vì mâu thuẫn giữa các bên là rất nhỏ nhặt. Tuy nhiên, Phúc lại cho rằng anh Quốc ít tuổi lại dám hỗn lão với mẹ mình nên y nổi khùng chạy vào quán bún bò gần đó chụp lấy con dao Thái Lan quay ra để đâm anh Quốc.
Thấy Phúc có hung khí, anh Quốc liền dùng cây lau nhà đánh vào tay cầm dao của Phúc nhưng không trúng. Biết không thể chống lại nên anh Quốc bỏ chạy. Phúc liền truy đuổi, khi chạy đến trước căn nhà tại khu phố 7, thị trấn Hóc Môn, anh Quốc bị Phúc đuổi kịp. Lúc này, Phúc vung dao đâm một nhát vào người anh Quốc khiến nạn nhân gục xuống. Gây án xong, Phúc nghe có tri hô nên bỏ chạy và trốn thoát. Anh Quốc được người dân đưa đi cấp cứu kịp thời nên thoát chết. Qua giám định cho thấy tỷ lệ thương tật của anh Quốc là 54%. Mười ngày sau, Phúc bị Công an bắt khi đang lẩn trốn.
Trong phiên tòa mới đây, bị cáo Phạm Văn Kiệt và Lê Hải Phúc đều thừa nhận động cơ gây án là do “bênh” người thân. Khi luận tội các bị cáo, vị đại diện Viện kiểm sát phê phán lý do gây án nêu trên và nhận định hành vi của các bị cáo có tính chất côn đồ. Cuộc sống không thể tránh khỏi những mâu thuẫn, tuy nhiên, cách thức giải quyết va chạm để bênh vực người thân bằng việc sử dụng dao, gạch đá, gậy... để tấn công vào vùng trọng yếu của người bị hại nhằm tước đoạt tính mạng người khác là phạm vào tội “Giết người”.
Vị đại diện Viện kiểm sát trăn trở: Các bị cáo đều là người không trực tiếp mâu thuẫn với người bị hại. Khi người bị hại mâu thuẫn với người thân, lẽ ra bị cáo phải đóng vai trò hòa giải, phân tích đúng sai cho các bên, chọn cách thức giải quyết sao cho hợp lý, hợp tình. Tuy nhiên, các bị cáo lại chọn cách dùng vũ lực để khoét sâu thêm các mâu thuẫn rồi ngang nhiên xâm hại đến sức khỏe, tính mạng người khác. Do vậy cần phải có hình phạt nghiêm minh để giáo dục bị cáo và răn đe phòng ngừa tội phạm.
Sau khi xem xét các tình tiết, HĐXX tuyên phạt Phạm Văn Kiệt 16 năm tù về tội “Giết người”, Phan Ngọc Phong 1,5 năm tù về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Bị cáo Lê Hải Phúc 12 năm tù về tội “Giết người”.
Những người thân của các bị cáo thẫn thờ khi nghe Tòa tuyên án, họ không khỏi đau lòng khi con em rơi vào vòng lao lý. Trước những mâu thuẫn, xung đột mà ai cũng phải đối mặt trong cuộc sống, sự kiềm chế, ứng xử có văn hóa, đúng pháp luật luôn là sự lựa chọn đúng nhất...